Tiếng Việt | English

06/10/2022 - 09:07

Hướng đến chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đưa nông sản đến gần hơn với những thị trường khó tính. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp bước đầu áp dụng CĐS, tập trung 2 nội dung: Chính quyền số và kinh tế số. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh về công tác triển khai CĐS của ngành Nông nghiệp.

PV: Xin bà cho biết ngành Nông nghiệp áp dụng CĐS như thế nào và đạt những kết quả gì?

Bà Đinh Thị Phương Khanh: CĐS có 3 nội dung: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo chức năng, nhiệm vụ, Sở NN&PTNT tập trung triển khai chính quyền số và kinh tế số.

Về chính quyền số: Hiện nay, Sở NN&PTNT có tổng số 91 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp; bố trí dân cư; kinh tế hợp tác; lâm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; bảo vệ thực vật; quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, thú y, chăn nuôi. Trong đó, có 87 TTHC mức độ 3, 4; 4 TTHC mức độ 2 được thực hiện tại các đội/trạm trực thuộc. Sở phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong việc giải quyết hồ sơ, TTHC cho cá nhân, tổ chức; phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành nông nghiệp bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, số hóa đầy đủ dữ liệu giấy vào các CSDL để quản lý dưới dạng dữ liệu số.

Về kinh tế số: Sở NN&PTNT triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân tiếp cận và thực hiện CĐS.

PV: Bà có thể thông tin cụ thể hơn về việc triển khai chuyển đổi kinh tế số trong ngành Nông nghiệp?

Bà Đinh Thị Phương Khanh: Hiện tại, Sở NN&PTNT chọn xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành), phường 4 (TP.Tân An), thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) để thí điểm triển khai CĐS. Trong đó, triển khai việc truy xuất nguồn gốc thông qua gắn tem điện tử; triển khai hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn của tỉnh; đưa dữ liệu vùng sản xuất thanh long lên nền tảng bản đồ số của tỉnh, phục vụ tra cứu thông tin.

Các sản phẩm OCOP được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, góp phần chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc nông sản (thông qua tem truy xuất nguồn gốc) đối với sản phẩm, chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của ngành, chuỗi sản xuất nông sản an toàn (mã QR, blockchain,...): Tiếp tục duy trì, hỗ trợ 1.761.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 14 cơ sở được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Xây dựng và triển khai Hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn tỉnh Long An (https://nongsanantoanlongan.vn). Đến nay, đã cấp tài khoản cho 927 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đăng tải thông tin mua bán nông sản, hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử phổ biến. Đồng thời, xây dựng tài liệu tuyên truyền, giới thiệu phần mềm truy xuất nguồn gốc, lợi ích sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; giới thiệu hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn của tỉnh.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã công nhận 42 sản phẩm, gồm: 16 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao; hỗ trợ 330.100 tem truy xuất nguồn gốc cho 6 cơ sở để tiếp tục hoàn thiện 17 sản phẩm OCOP.

Về ứng dụng công nghệ số trong canh tác và sản xuất: Hiện tại, trên cây lúa đã triển khai, thực hiện mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa) và Hậu Thạnh Tây (huyện Tân Thạnh) với quy mô 2ha/4 hộ/mô hình. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn (qua phần mềm Zoom) về kỹ thuật canh tác lúa và tập huấn về cách sử dụng phần mềm Rynan Mekong để truy cập thông tin về: Quan trắc (độ mặn, nhiệt độ, pH, mực nước,...), giám sát sâu, rầy, giá cả thị trường đối với các loại nông sản,...

Ngoài ra, nông dân còn được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hướng dẫn sử dụng các ứng dụng di động, mạng xã hội để thu thập thông tin kỹ thuật phục vụ canh tác lúa. Việc san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser được nông dân áp dụng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều ở các huyện: Bến Lức, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ,... Việc sạ lúa theo cụm được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh thực hiện tại Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phú, Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tháp Mười với hơn 20ha.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh còn tổ chức các điểm trình diễn, nhân rộng sạ cụm ở nhiều nơi trong tỉnh như Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh,... Vụ Đông Xuân 2021-2022, áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trong mô hình ứng dụng công nghệ cao (600ha tại huyện Tân Thạnh, Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng). Vụ Hè Thu năm 2022, áp dụng thiết bị bay không người lái trong khâu phun thuốc và sạ giống 27,2ha (tại huyện Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thủ Thừa).

Hiện nay, máy bay không người lái được nông dân trồng lúa ở vùng Đồng Tháp Mười áp dụng khá rộng rãi. Triển khai ứng dụng phần mềm Agritask trên điện thoại thông minh - ứng dụng ghi nhật ký sản xuất trên cây lúa: Đã tổ chức 9 lớp tập huấn, có 215 người nhập dữ liệu trên phần mềm Agritask, đối tượng là nông dân trồng lúa ở các hợp tác xã: Tuyên Bình Tây (huyện Vĩnh Hưng), Hưng Thành (huyện Tân Hưng), Phát Lộc (huyện Tân Thạnh) và Hương Trang (huyện Mộc Hóa).

Trên con tôm: Thực hiện 2 mô hình trình diễn Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0, sử dụng smartphone trong quản lý các nguồn thiết bị điện (máy quạt, máy sục khí, máy cho ăn) trong ao nuôi tôm tại huyện Cần Đước và Tân Trụ.

Ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi giám sát tự động mực nước, độ mặn, đang thực hiện theo dõi, quản lý 35 trạm đo mực nước tự động và 13 trạm đo độ mặn tự động trên các tuyến sông, kênh chính, các kênh thuộc hệ thống khu tưới Đức Hòa - dự án thủy lợi Phước Hòa để phục vụ công tác giám sát, dự báo tình hình mực nước, độ mặn, phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

PV: Việc triển khai CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn gì, thưa bà?

Bà Đinh Thị Phương Khanh: Việc CĐS mới được triển khai nên chưa có hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, chưa xây dựng CSDL kết nối chia sẻ, liên thông từ trung ương đến địa phương nên kết quả triển khai, thực hiện nền tảng số, CSDL liên thông còn hạn chế. Các cơ sở, doanh nghiệp chưa nắm bắt được nhiều thông tin trong việc áp dụng CĐS cũng như lợi ích của việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hệ thống cảm biến tự động giúp theo dõi, giám sát mực nước, độ mặn

PV: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp làm gì để thực hiện tốt công tác CĐS?

Bà Đinh Thị Phương Khanh: Về phát triển chính quyền số: Ngành sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời đề ra giải pháp để nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Bố trí cán bộ phụ trách lĩnh vực chuyên môn của đơn vị phối hợp chặt chẽ Phòng Kế hoạch, Xây dựng công trình Sở NN&PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, xây dựng CSDL từng lĩnh vực chuyên môn do đơn vị phụ trách để xây dựng hoàn thiện CSDL ngành Nông nghiệp.

Về phát triển kinh tế số: Tiếp tục phối hợp tuyên truyền, tập huấn về CĐS cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, kết nối sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Tiếp tục rà soát, đề xuất để xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc; hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử./.

PV: Xin cảm ơn bà!

Kim Ngọc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích