Tiếng Việt | English

02/03/2018 - 02:40

Chuyện về những lương y

Từ lâu, các phòng chẩn trị Đông y miễn phí trở thành địa chỉ quen thuộc của bệnh nhân (BN), nhất là đối với những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Ở đây, các lương y, kỹ thuật viên, tình nguyện viên luôn ân cần và làm việc với tâm niệm “cho đi mà không cần nhận lại”.

Ở một phòng chẩn trị Đông y

Cứ thứ sáu hàng tuần, nhiều BN đến Hội Chữ thập đỏ huyện Thủ Thừa để được khám, chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền miễn phí. Phòng chẩn trị tại đây tuy nhỏ nhưng có đủ phòng chức năng: Phòng khám bệnh, phòng dành cho BN với 8 giường, phòng phân loại thuốc, kho thuốc. BN xếp hàng trật tự chờ đến lượt, lương y ân cần khám bệnh, các kỹ thuật viên, tình nguyện viên mỗi người một việc, người chặt thuốc, gói thuốc, người bấm huyệt, giác hơi, xung điện,... Riêng các tình nguyện viên phần lớn đều là BN từng chữa trị hoặc đang chữa trị tại đây.

Bệnh nhân bệnh đau khớp được bấm huyệt và nghỉ ngơi miễn phí tại Phòng Chẩn trị Đông y

Bệnh nhân bệnh đau khớp được bấm huyệt và nghỉ ngơi miễn phí tại Phòng Chẩn trị Đông y

Bà Dương Thị Vị (69 tuổi), ngụ ấp Bình Lương 2, xã Bình Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, tôi bị đau khớp, sáng ngủ dậy là chân tê cứng, khắp người đau nhức. Nhờ đến phòng chẩn trị này chữa trị, bệnh của tôi thuyên giảm rất nhiều. Từ đó, mỗi thứ sáu hàng tuần, tôi lại đến đây phụ chặt thuốc, phân loại và gói thuốc”. Còn bà Trịnh Thị Lợi (71 tuổi), ngụ khu phố 2, thị trấn Thủ Thừa, cho biết: “Nhờ có phòng chẩn trị này mà BN nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí. Thứ sáu hàng tuần, tôi thường đến đây bấm huyệt, chữa bệnh đau khớp”.

Hàng tuần, dù chỉ hoạt động ngày thứ sáu nhưng phòng chẩn trị tiếp nhận khoảng 100 BN đến khám, điều trị: Thấp khớp, thần kinh tọa, nhức mỏi, cảm, sốt,... Tùy theo tình trạng bệnh, BN nhận thuốc và ra về ngay sau khi khám hoặc ở lại để được xung điện, châm cứu, giác hơi, bấm huyệt.

Cho đi mà không cần nhận lại

“Niềm vui lớn nhất của thầy thuốc là thấy BN điều trị hiệu quả, dần khỏi bệnh và trăn trở khi BN mắc bệnh lạ hay bệnh không thuyên giảm. Mỗi khi như vậy, tôi lại tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để kê đơn thuốc mới. Một số đơn thuốc, tôi áp dụng với bản thân xem hiệu quả thế nào mới bốc cho bệnh nhân” - lương y Nguyễn Vinh Quang, Phòng Chẩn trị Đông y miễn phí Hội Chữ thập đỏ huyện Thủa Thừa, chia sẻ.

Hơn 30 năm nay, lương y Nguyễn Vinh Quang không có ngày nghỉ. Thứ sáu hàng tuần, ông đến khám bệnh cho bệnh nhân tại Phòng Chẩn trị Đông y miễn phí của Hội Chữ thập đỏ huyện, những ngày còn lại thì đến trạm y tế các xã: Mỹ Phú, Long Thuận, Long Thạnh, Long Thành, Tân Lập kết hợp khám, chữa bệnh Đông - Tây y. Thời gian ít ỏi còn lại, ông dành nghiên cứu y học cổ truyền và sưu tầm thuốc. Mặc dù 78 tuổi nhưng lương y Nguyễn Vinh Quang chưa nghĩ đến việc nghỉ ngơi hay giảm bớt công việc. Ông chia sẻ thêm: “Công việc nhiều nhưng tôi không cảm thấy vất vả vì ngay từ đầu, khi chọn nghề này, tôi tình nguyện giúp đỡ mọi người. Còn sức khỏe là tôi còn tham gia khám bệnh!”.

Lương y Nguyễn Vinh Quang khám bệnh cho bệnh nhân

Lương y Nguyễn Vinh Quang khám bệnh cho bệnh nhân

Cũng như lương y Nguyễn Vinh Quang, ngoài tham gia khám miễn phí tại Phòng Chẩn trị Đông y của xã vào thứ hai và thứ sáu hàng tuần, lương y đa khoa Lê Văn Bừa - Chủ tịch Hội Đông y xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, còn đến tận nhà chữa trị cho những BN bệnh nặng. Thời gian rảnh, ông nghiên cứu và bào chế các loại thuốc đặc trị. “Theo nghề này phải có tâm, biết cho đi mà không cần nhận lại. Không niềm vui nào bằng khi thấy BN khỏi bệnh” - lương y Lê Văn Bừa cho biết.

Ngày ngày, những lương y, kỹ thuật viên, tình nguyện viên của các phòng chẩn trị Đông y miễn phí vẫn lặng lẽ làm việc bằng cả cái tâm của người thầy thuốc để giúp người, giúp đời./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết