Chữa bệnh bằng tình thương
Năm 2016, tổng số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở của hội trên 290.000 lượt, trong đó có khám và điều trị bằng thuốc Nam, số thành phẩm y học cổ truyền cấp ra, bệnh nhân đến điều trị châm cứu với tổng số tiền trên 8,1 tỉ đồng. Tất cả những hoạt động này hoàn toàn miễn phí. Phần lớn lương y đều làm việc vì tình thương đối với người bệnh và họ không nhận bất cứ thù lao nào.
Bệnh nhân đến điều trị tại Hội Đông y huyện
Hiện tại, số vườn thuốc mẫu trong huyện có 46 vườn với diện tích trên 4.100m2, được phân bổ tại hầu hết các cơ sở của hội. Mỗi vườn có diện tích trên 30m2 được trồng 40-80 loại cây thuốc. Trong đó, có vườn thuốc xã Phước Lâm gần 3.000m2 với gần 100 chủng loại dược liệu; vườn thuốc xã Mỹ Lộc và Tân Kim trồng dược liệu với số lượng lớn 5.000m2.
Chủ tịch Hội Đông y huyện Cần Giuộc - Lương y Nguyễn Trần Lê - người có nhiều tâm huyết trong khám, chữa bệnh từ thiện. Ông đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực Đông y và gần đây nhất là danh hiệu Thầy thuốc Đông y tiêu biểu.
Ông cho biết, hầu hết những người hành nghề Đông y đều chữa bệnh bằng cái tâm. Họ yêu thương bệnh nhân như những người thân trong gia đình nên không đặt nặng vấn đề vật chất. Do đó, Hội Đông y Cần Giuộc nhiều năm qua luôn làm tốt công tác an sinh xã hội. Riêng năm 2016, hội tổ chức khám, chữa bệnh từ thiện cho hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà, xây dựng 6 căn nhà tình thương,... cho các xã trên địa bàn. Tổng số tiền thực hiện công tác xã hội trong năm hơn 11,6 tỉ đồng.
Cống hiến thầm lặng
Góp phần vào kết quả của hội, không thể không kể đến các lương y và những người đi sưu tầm thuốc. Họ lặng lẽ làm việc với tinh thần thiện nguyện.
Từng là bệnh nhân đến điều trị bằng thuốc Nam, giờ đây, ông Trần Văn Năm, ngụ xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc tình nguyện gắn bó cùng hội và trở thành thành viên Tổ Sưu tầm dược liệu. Hiện nay, tuy gần bước qua tuổi 70 nhưng ông vẫn lặng thầm với công việc.
Ông chia sẻ, bản thân mình sau thời gian dài chữa bệnh bằng Đông y, ông nhận thấy, tìm thuốc cứu người là một việc ý nghĩa. Do đó, ông vui vẻ đi tìm kiếm, chặt và phơi thuốc đem đến cho hội. Không chỉ vậy, ông còn dành một phần đất nhỏ để trồng thuốc Nam cung cấp cho huyện. Ông nói rằng, sống đến độ tuổi này chỉ mong làm việc thiện giúp đời. Đó mới là niềm vui, là lẽ sống cuộc đời ông.
Lớn tuổi, ông Nguyễn Văn Thành hiện chỉ phụ bảo quản và bó thuốc nam
90 tuổi đời, ông Nguyễn Văn Thành, ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc có mấy chục năm làm nghề sưu tầm thuốc Nam cho Phòng chẩn trị Đông y Hưng Phước tự, xã Phước Lâm. Nhiều năm trước, khi còn khỏe, ông không ngại khó, ngại khổ, đến những vùng đất xa xôi để tìm kiếm thuốc Nam. Mỗi lần, ông cùng vài người bạn có thể đi vài ngày hoặc nửa tháng.
“Lúc trước, khi các công trình chưa xây dựng nhiều, hai bên đường thường có nhiều loại cây cỏ có thể chữa được bệnh nên chúng tôi tìm dễ hơn. Sau này, cây thuốc khan hiếm, chúng tôi phải đi xa đến các tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Nai,... để tìm kiếm, thậm chí mua chở về. Không những vậy, chúng tôi còn trồng rất nhiều loại thuốc Nam tại đất chùa để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Bây giờ lớn tuổi rồi, không thể đi tìm được nữa. Mỗi ngày, từ 6 giờ, cháu nội chở tôi lên chùa để phụ phơi thuốc, bó thuốc,... Mấy chục năm, mình vui vì làm việc thiện chứ tiền bạc gì!” - ông nói.
Phó ban Y tế Hưng Phước tự - Võ Văn Chánh thông tin, phòng khám từ thiện tại Hưng Phước tự phục vụ bệnh nhân từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần. Mỗi ngày, số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh khoảng 150 lượt người. Phòng khám được duy trì liên tục nhiều năm nay phải kể đến những người có tấm lòng như ông Nguyễn Văn Thành. Họ cống hiến thầm lặng, làm việc không mệt mỏi vì phòng khám. Riêng ông Thành nhận được nhiều giấy khen của xã, huyện, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đông y Việt Nam,..../.
Nguyệt Nhi