Tiếng Việt | English

20/04/2023 - 09:56

Công nhân, lao động trông chờ nhà ở xã hội

Đời sống công nhân, lao động (CNLĐ) còn khó khăn. Nhiều CNLĐ sống tại các khu nhà trọ thiếu an ninh, an toàn, giá thuê tăng thường xuyên,... Do vậy, phát triển nhà ở xã hội là việc làm cấp thiết vừa thu hút nguồn nhân lực, vừa góp phần chăm lo tốt hơn đời sống của CNLĐ. Bởi, có chỗ ở ổn định, CNLĐ sẽ gắn bó lâu dài với địa phương.

Mơ về một căn nhà

Với tốc độ phát triển công nghiệp ấn tượng, Long An thu hút số lượng lớn CNLĐ từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc, lưu trú. Tuy nhiên, nhiều CNLĐ sống tại các khu nhà trọ có điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu an ninh, an toàn, các thiết chế văn hóa, giáo dục,... Do vậy, họ luôn trông chờ mua được nhà ở xã hội phù hợp túi tiền để an tâm sinh sống, làm việc.

Những công nhân, lao động ở trọ, có con nhỏ rất trông chờ nhà ở xã hội, để con có môi trường sống tốt hơn

Rời quê hương Bến Tre 12 năm để đến thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức làm CN, anh Ngô Trung Mảnh (37 tuổi) có tổ ấm hạnh phúc cùng vợ và 2 con. Với anh, Long An như quê hương thứ 2 nên rất mong muốn có một căn nhà riêng cho gia đình nhỏ của mình. Anh Mảnh tâm sự: “Mỗi tháng, gia đình tôi chi trả từ 1,5-1,6 triệu đồng tiền nhà trọ. Chi phí ở trọ tốn kém nhưng chưa thật sự bảo đảm an ninh, an toàn nên tôi luôn mơ ước có một căn nhà nhỏ để cả gia đình quây quần bên nhau. Tuy nhiên, giá nhà ở huyện Bến Lức quá cao so với thu nhập của CNLĐ. Khi biết về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, CNLĐ, tôi rất trông chờ. Mong rằng, đó sẽ là căn nhà phù hợp về giá thành cũng như thuận tiện cho việc đi lại từ chỗ ở đến nơi làm việc”.

Hơn 3 năm làm CN tại Công ty (Cty) TNHH MTV YS Vina (huyện Đức Hòa), chị Phạm Thị Thúy Hằng quyết định sẽ gắn bó lâu dài với huyện Đức Hòa và xem đây là “mảnh đất lành” để gia đình “an cư, lạc nghiệp”. Chị Hằng chia sẻ: “Tôi quê ở Kiên Giang, chồng tôi quê ở Phú Yên, khi đến Long An làm việc, vợ chồng tôi rất có cảm tình với mảnh đất này. Trước đây, chưa suy nghĩ nhiều về căn nhà riêng nhưng từ khi có đứa con thứ 2, chúng tôi suy nghĩ về căn nhà rất nhiều. Chúng tôi đang cố gắng làm việc, tích góp tiền để sau này mua căn nhà nhỏ. Bởi, nhà trọ chật, hẹp, phức tạp, thiếu an toàn và không tốt cho sự phát triển của con. Do vậy, tôi mong muốn có căn nhà với giá phù hợp túi tiền của CNLĐ”.

Khu nhà trọ của công nhân, lao động

Có nhiều trăn trở khi ở trọ, chị Trần Kim Hồng (ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) thổ lộ: “Giá nhà trọ tăng thường xuyên; giá điện, nước cao hơn so với giá hộ dân nên CNLĐ ở trọ rất ngán ngẩm. Hơn nữa, ở khu nhà trọ, người ra, vào nhiều, kể cả người lạ nên thiếu an ninh, an toàn. Trong khi việc thường xuyên tìm, chuyển chỗ trọ mới tốt hơn rất mất thời gian và công sức. Chính những bất tiện đó, tôi mong muốn có nhà ở giá rẻ để CNLĐ đủ khả năng mua hoặc khu nhà cho thuê thật sự bảo đảm an ninh, an toàn với giá phù hợp, không tăng thất thường, giúp CNLĐ an tâm sinh sống và làm việc”.

Nỗ lực chăm lo chỗ ở cho công nhân, lao động

Có thể thấy, nhu cầu nhà ở xã hội trong CNLĐ là rất lớn. Thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Đến nay, toàn tỉnh có 7 dự án (DA) nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, với 1.884 căn, tổng diện tích sàn hoàn thành là 74.637,62m2; đồng thời, có 20.000 căn nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư, diện tích khoảng 300.000m2, bố trí được 37.800 CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp. Hiện tỉnh có 18 DA nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, CN ở khu công nghiệp được triển khai; dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023-2025, với diện tích xây dựng 38,71ha; dự kiến có 16.075 căn, bố trí khoảng 64.000 người.

Nhà lưu trú được bố trí những tiện ích phù hợp giúp người lao động có không gian sống thoải mái, vui vẻ

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh còn chủ động phối hợp UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng, địa phương nhanh chóng hoàn thành thủ tục và xây dựng thiết chế công đoàn với diện tích khoảng 4ha tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa phục vụ nhu cầu của CNLĐ. Đây là thiết chế công đoàn được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; trong đó, có các hạng mục như nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình văn hóa, thể thao,... nhằm thiết thực chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ. Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục nắm bắt tình hình đời sống, sinh hoạt, nhu cầu, nguyện vọng của CNLĐ về chỗ ở để kịp thời tư vấn, hỗ trợ và thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước có các giải pháp, chính sách chăm lo phù hợp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tạo điều kiện về nhà ở nhằm thực hiện tốt công tác chăm lo và giữ chân CNLĐ. Trong đó, Cty TNHH Hoàn Cầu Long An (huyện Đức Huệ) xây dựng nhà lưu trú miễn phí (kể cả điện, nước sinh hoạt) cho CNLĐ. Mỗi nhà lưu trú được bố trí những tiện ích phù hợp giúp CNLĐ có không gian sống thoải mái. Khu vực ở của kỹ sư, nhân viên văn phòng được bố trí bàn bida, bóng bàn ở sảnh phục vụ hoạt động thể thao đơn giản tại nơi ở. Khu vực ở của CNLĐ thì thoáng mát, rộng rãi, có nhiều cây xanh và bố trí nhiều ghế đá, lối đi rộng để CNLĐ nghỉ ngơi, tập thể dục,...

Khu nhà ở của công nhân, lao động Công ty TNHH Hoàn Cầu Long An

Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty TNHH Hoàn Cầu Long An - Nguyễn An Hưng, Cty và Công đoàn cơ sở rất quan tâm đời sống của CNLĐ. Do vậy, Cty luôn nỗ lực nâng cao những tiện ích cho CNLĐ thụ hưởng, đặc biệt là điều kiện không gian làm việc, sinh hoạt. Nhờ vậy, CNLĐ xem Cty là nhà và cố gắng hết mình trong công việc, nhất là có những ý tưởng sáng tạo đóng góp cho Cty.

Cty Cổ phần Thực phẩm Famisea (huyện Đức Hòa) cũng nỗ lực chăm lo đời sống CNLĐ. Cty hiện có 2 khu nhà trọ với gần 100 phòng, đáp ứng nhu cầu cho trên 200 CNLĐ của Cty. Các khu lưu trú có người quản lý và camera giám sát cổng ra, vào, bảo đảm an ninh, an toàn cho CNLĐ.

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Cty Cổ phần Thực phẩm Famisea - Bùi Văn Điệp, nhà trọ của Cty chỉ có CNLĐ Cty ở, đi làm và trở về cùng thời gian nên đỡ phức tạp và an toàn hơn so với nhà trọ bên ngoài. Cty hỗ trợ mỗi người 200.000 đồng tiền thuê trọ nên CNLĐ ở ghép hầu như chỉ tốn tiền điện, nước sinh hoạt hàng tháng.

Tuy có nhiều cố gắng từ tỉnh đến các địa phương và doanh nghiệp nhưng nhà ở cho CNLĐ chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện tỉnh tiếp tục hoàn thành các DA nhà ở xã hội, giúp CNLĐ an tâm về chỗ ở, từ đó nỗ lực làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích