Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mới,trực quan dễ hiểu trên các trang Facebook, Zalo, fanpage hiện nay (Ảnh: Internet)
Phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời đại 4.0
6 tháng đầu năm 2020, công tác tuyên truyền, PBGDPL thực hiện được 9.617 cuộc/417.364 lượt người dự.
Theo Phó Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp - Phạm Ngọc Tuấn, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội nên các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL tập trung đông người trong quí I và quí II phải chuyển sang thực hiện trong quí III và quí IV. Tuy nhiên, thực tế đó lại yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải đổi mới công tác tuyên truyền PBGDPL. Ngoài các cách làm truyền thống trước đây thì hiện nay, tại các ngành, địa phương đã nhân rộng và thực hiện hiệu quả các hình thức tuyên truyền mới như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet, trang thông tin điện tử, các nhóm Zalo, Facebook và qua các hình thức tuyên truyền lưu động. Những hình thức tuyên truyền pháp luật mới này đã và đang thể hiện hiệu quả vượt trội, dần cho thấy đây là yêu cầu bắt buộc trong công tác tuyên truyền, PBGDPL thời đại 4.0.
Theo thống kê của Sở Tư pháp, đến nay, tất cả cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và cấp huyện đều đã thành lập trang thông tin điện tử nhằm kịp thời đăng tải thông tin pháp luật, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tra cứu thông tin của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Đặc biệt, thời gian gần đây, các ngành, đoàn thể, cơ quan, địa phương trong tỉnh duy trì tốt các trang Facebook, Zalo, fanpage,... để tuyên truyền, PBGDPL. “Đầu năm nay, trước khi Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực, Hội đồng PBGDPL tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương trực tiếp liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền bằng các hình thức trực quan, sinh động trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Hình thức tuyên truyền này được người dân đón nhận và đánh giá cao” - Phó Trưởng phòng PBGDPL - Phạm Ngọc Tuấn cho biết.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, những năm qua, công tác PBGDPL ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí và tầm quan trọng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và đóng góp vào công tác an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy nhiên, qua thực tế hiện nay, công tác PBGDPL vẫn còn những hạn chế nhất định khi một vài nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức cho công tác này; hình thức, nội dung PBGDPL có lúc chưa sát từng nhóm đối tượng, địa bàn, chất lượng, hiệu quả không đồng đều. Do đó, việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khóa X - Nguyễn Văn Được, các cấp, các ngành, địa phương cần xác định công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục tư tưởng chính trị, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân trong công tác PBGDPL. Phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của cán bộ, nhân dân. Đồng thời, trong triển khai cần thực hiện toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong tuyên truyền cần đổi mới, đa dạng các hình thức bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, bám sát với thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể cũng như kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội, phát huy các kênh thông tin đại chúng phục vụ việc tuyên truyền, PBGDPL nhanh chóng, kịp thời, sâu, rộng trong nhân dân, đưa công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Nhiều kết quả nổi bật về cải cách tư pháp
Theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, qua triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trong đó, công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm đối tượng, nhu cầu của người dân, góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bổ trợ tư pháp được quan tâm thực hiện, đội ngũ luật sư được đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cả về số lượng và chất lượng, các tổ chức giám định tiếp tục được kiện toàn cơ bản đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử.
Một trong những điểm sáng trong công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh khi đến nay đã thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, đấu giá tài sản, được xã hội đồng tình, đánh giá cao. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp các ngành liên quan tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực, đưa hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp./.
|
Kiên Định