Những ngày này, nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang “gồng mình” chống hạn, mặn. Tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân, gây thiệt hại hàng chục ngàn hécta lúa, hoa màu và gần cả trăm ngàn hộ dân gặp khó khăn vì thiếu nước ngọt sản xuất, sinh hoạt.
Trước diễn biến phức tạp của hạn, mặn, Long An đã khảo sát thực tế tại các địa phương để nắm bắt thông tin về nguồn nước, đồng thời nhờ sự chi viện của tỉnh Tiền Giang cho mở các cống để dẫn nước ngọt từ hệ thống Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp về vùng Bảo Định, tạo nguồn nước cho trên 10.000ha thanh long. Đồng thời, tiến hành lắp đặt 16 cống ngăn mặn nằm dọc tuyến Quốc lộ 62, thi công 2 cống và đắp các đập tạm ngăn mặn trên các kênh rạch cắt ngang Quốc lộ 62; khoanh vùng các khu vực khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối để bơm tạo nguồn nước vào hệ thống thủy lợi.
Hạn, mặn không những gây thiệt hại trong sản xuất mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân khi nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Để giải quyết tình trạng cấp bách này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chở nước ngọt đến với người dân vùng hạn, mặn. Ấm áp biết bao hình ảnh bộ đội chở nước về với dân. Từng bình nước ngọt không chỉ là sự sẻ chia mà còn chứa đựng cả tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên ra quân nạo vét các tuyến kênh, rạch, dẫn nước ngọt về cứu lúa.
Long An là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn, xâm nhập mặn. Bên cạnh những giải pháp trước mắt, ngành chức năng cần có những giải pháp lâu dài kéo nước ngọt về với vùng hạn, mặn. Đồng thời, khuyến cáo nông dân không nên sản xuất vào mùa này hoặc chuyển đổi sang một số cây trồng có thể thích nghi với điều kiện hạn, mặn. Như vậy mới có thể giúp nông dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất./.
Thủy Tiên