Song song với cuộc chiến quyết liệt phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An cũng đang tích cực đối phó với tình hình hạn, mặn đang tác động đến đời sống và sản xuất của người dân.
Do năm nay lượng mưa ít, mùa khô đến sớm nên thời gian xuất hiện mặn sớm hơn những năm trước. Từ giữa tháng 11-2019, xâm nhập mặn đã bắt đầu xuất hiện và xâm nhập sâu vào hệ thống sông Vàm Cỏ. Hiện nay, mặn xâm nhập trên 100km trên sông Vàm Cỏ Đông và gần 90km trên sông Vàm Cỏ Tây.
Theo dự báo của ngành chức năng, diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn khoảng 15.343ha. Nhiều nơi, cây lúa đang phát triển đã bị thiếu nước trầm trọng, có nguy cơ giảm năng suất, thậm chí mất trắng, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng hạn, mặn.
Trước tình hình này, các ngành chức năng, địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô. Việc chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt luôn được các cấp, các ngành, địa phương, người dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên hàng đầu. Trước hết, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hợp lý và chủ động dự trữ nước để bảo đảm không bị thiếu hụt vào mùa khô, nhất là nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dự trữ nước ngọt trong các ao, hồ, kênh, rạch, đồng ruộng,... Ở những khu vực chưa nhiễm mặn thì chủ động đắp bờ bao, đập tạm để trữ nước ngọt. Nơi có điều kiện thì khoan giếng để bảo đảm nguồn nước. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm. Đồng thời, vận động nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương; ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn. Các khu vực không bảo đảm nguồn nước ngọt thì vận động không được gieo sạ.
Bên cạnh đó, ngành chức năng phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên lấy mẫu nước tại các sông để kiểm tra độ mặn, có giải pháp kịp thời để xử lý. Thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn trên sông chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng. Kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước vào đồng khi độ mặn giảm.
Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp công trình: Lắp đặt các cửa cống ngăn mặn; đắp đê quay kết hợp ngăn mặn; thi công đắp các đập tạm ngăn mặn trên các kênh, rạch; tập trung nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; lắp đặt, vận hành tối đa các trạm bơm phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt, kể cả thuê máy bơm tập trung bơm nước nhiều cấp để trữ nước, bổ sung nguồn nước trữ bảo đảm phục vụ trong cả mùa khô. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hệ thống đê bao, cống đầu mối để xử lý kịp thời, chống xâm nhập mặn vào nội đồng. Thi công các đập tạm đầu các kênh cấp 1, 2, 3 nội đồng,…
Tỉnh cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cung cấp, bổ sung, tăng lượng nước ngọt xả về sông Vàm Cỏ Đông khi độ mặn lên cao để kịp thời đẩy mặn, tranh thủ lấy nước ngọt phục vụ sản xuất. Xây dựng các phương án kịp thời cung cấp nước uống, nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân vùng bị thiếu nước. Ngoài ra, tỉnh Long An còn kiến nghị bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi để điều tiết, tích trữ nguồn nước.
Việc phòng, chống hạn, mặn được triển khai cùng lúc với phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm,… do vậy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, người dân tích cực tham gia hưởng ứng nhằm hạn chế thiệt hại./.
Tân An