Từ nguồn vốn vay của Hội Liên hiệp Phụ nữ, chị Phan Thị Thu Trang mở đại lý nước ngọt, cuộc sống dần ổn định
1. Khi chúng tôi đến, chị Phan Thị Thu Trang, ngụ ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chuẩn bị mấy két nước ngọt cho chồng chở đi giao. Vừa xong việc, chị mỉm cười: “Đại lý nước ngọt này mở được 1 năm, nhờ đó mà gia đình tôi đỡ lắm!”. Tiếp khách trong căn nhà tường, chị Trang khoe: “Cất được căn nhà này, tôi mừng hết sức! Ngày trước khổ quá, nhà cũ xập xệ, mỗi lần mưa là bị ngập”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) xã Phước Vĩnh Tây - Trần Thị Tuyết Lan cho biết, gia đình chị Trang trước đây thuộc diện cận nghèo, không có đất sản xuất, vợ chồng chị làm thuê để nuôi con nhỏ. Thấy được khó khăn đó, hội tạo điều kiện cho chị tiếp cận các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội và Quỹ CEP để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn đó, chị mua xe chở hàng cho anh chạy dịch vụ, chị vẫn làm thuê và chăn nuôi nhỏ. Năm 2017, vay được 50 triệu đồng, anh chị quyết định mở đại lý nước ngọt để chị vừa chăm sóc gia đình, vừa buôn bán.
Chị Trang vui vẻ: “Bán nước ngọt, tiền lời thu được cũng bằng, có khi hơn lúc đi làm công nhân, nhưng có thời gian chăm sóc gia đình”. Cuộc sống của gia đình anh chị giờ đây ổn định hơn trước, không còn cảnh thiếu trước, hụt sau.
Chị Tuyết Lan cho biết thêm: “Hội chỉ giúp gia đình chị Trang tiếp cận nguồn vốn vay, nhờ có sự chăm chỉ, quyết tâm mà vợ chồng chị Trang sử dụng vốn vay có hiệu quả, cuộc sống ngày càng ổn định”.
Và trường hợp như gia đình chị Trang không phải là hiếm, chỉ riêng Phước Vĩnh Tây đã có 3 gia đình PN được hỗ trợ thoát nghèo bằng cách đó.
Nhà máy xay xát nhỏ của gia đình chị Cao Thị Út (xã Tân Hiệp,huyện Thạnh Hóa) vừa làm dịch vụ, vừa thu mua cám
2. Để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN chỉ trao “cần câu” và chị em phải nỗ lực kiếm “con cá” từ chiếc “cần câu” đó. Chị Cao Thị Út, ngụ xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, xây dựng được cơ ngơi kha khá từ chiếc “cần câu” do hội hỗ trợ.
Chị Út cùng gia đình từ Bến Tre đến Tân Hiệp lập nghiệp từ năm 1996. Thời gian đó còn nhiều khó khăn, vợ chồng chị chưa có đất sản xuất, chỉ làm thuê kiếm sống qua ngày. Dần dần quen đất, quen người, chị Út trở thành hội viên Hội LHPN VN xã và được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Với nguồn vốn đó, chị đầu tư nấu rượu, nuôi heo, nuôi dê rồi mướn đất trồng lúa,...
“Lấy ngắn nuôi dài”, chăm chỉ và tiết kiệm, giờ đây, vợ chồng chị Út có 10ha đất sản xuất lúa, đàn heo thịt trên 10 con, nhà máy xay xát nhỏ, vừa làm dịch vụ, vừa có cám cho heo ăn. Chị còn mở tiệm tạp hóa.
Gia đình chị Cao Thị Út giờ có cơ ngơi kha khá
Nói về “hành trình” ổn định cuộc sống của mình, ngoài việc khẳng định sự quyết tâm bám trụ vùng đất khó khăn ngày trước, chị Út luôn nhắc đến sự hỗ trợ của Hội LHPN VN xã Tân Hiệp.
Chị nói: “Nhờ có hội làm cầu nối để tôi vay vốn thì mới có cơ hội "đổi đời" như hôm nay. Năm nay, tôi vay 50 triệu đồng để cải tạo đất chuẩn bị cho vụ mùa tới”. Gia đình chị Út hoàn toàn thoát khỏi cảnh “chạy cơm từng bữa” như những ngày mới đến vùng biên giới Tân Hiệp này và có điều kiện nuôi con ăn học.
Chủ tịch Hội LHPN VN xã Tân Hiệp - Lê Thị Ngoan cho biết: “Hiện tại, hội đang quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 13 tỉ đồng. Nguồn vốn đó giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế gia đình. Tân Hiệp là xã còn khó khăn, nhưng nếu gia đình chị em nào quyết tâm, không ngại khó thì dần dần đều ổn định. Hội luôn đồng hành cùng chị em trên hành trình lập nghiệp của mình”.
Chị Phan Thị Dứt hiện có hơn 2ha thanh long đang cho thu hoạch
3. Đồng hành cùng PN lập nghiệp, phát triển kinh tế là chủ trương chung của Hội LHPN VN tỉnh. Tổ chức hội luôn tập trung hỗ trợ PN khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh bằng nhiều hình thức: Tiếp cận nguồn vốn để kinh doanh, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của PN trong tỉnh,...
Chỉ tính riêng vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến nay, các cấp hội trong tỉnh cho hội viên vay trên 1.000 tỉ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Các mô hình tiết kiệm tại chi, tổ hội, số tiền đóng góp hỗ trợ nhau cũng được duy trì.
Nhờ có những hỗ trợ đó, nhiều PN mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế. Như trường hợp chị Phan Thị Dứt, ngụ ấp Xuân Khánh 1, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa. Trước đây, gia đình chị trồng mía, giá cả bấp bênh, thu nhập thấp. Sau khi tìm hiểu, thấy thanh long là cây trồng mang lại lợi nhuận cao, chị và gia đình quyết tâm chuyển đổi.
Hội LHPN VN xã Hòa Khánh Nam hỗ trợ chị tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình chuyển đổi cây trồng của chị. Đến nay, vườn thanh long nhà chị Dứt thu hoạch được 4 mùa, lợi nhuận cao. Trong đợt thanh long rớt giá vừa qua, thanh long nhà chị vẫn giữ ở mức giá gần 20.000 đồng/kg.
Chị Dứt chia sẻ: “Thanh long mang lại hiệu quả gấp nhiều lần cây mía nhưng vốn đầu tư cao. Nếu không có nguồn vốn vay từ Hội LHPN VN xã hỗ trợ, tôi cũng không chắc mình có đủ can đảm chuyển đổi hay không. Giờ đây, tôi có hơn 2ha thanh long, tất cả đều đang cho thu hoạch!”.
Với sự nỗ lực của bản thân, những PN như chị Trang, chị Út, chị Dứt có cuộc sống ổn định hơn. Và các chị không đơn độc trên hành trình lập nghiệp của mình./.
Phương Phương