Tiếng Việt | English

12/08/2023 - 10:25

Cuộc gọi, tin nhắn rác vẫn ám ảnh người dùng

Người dân kỳ vọng sau chiến dịch chuẩn hóa thuê bao sẽ ngăn chặn hoặc ít nhất cũng hạn chế tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác. Tuy nhiên…

Chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao được Bộ TT&TT triển khai từ tháng 3-2023. Mặc dù đã mạnh tay với SIM rác cũng như triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng đến nay tình trạng bị “khủng bố” bởi những cuộc gọi, tin nhắn vô bổ vẫn là nỗi ám ảnh với người dùng di động.

Khủng hoảng bởi cuộc gọi rác

Chị Thúy Hồng (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) kể: “Mỗi ngày tôi phải tiếp nhận hàng chục cuộc gọi khi thì giới thiệu thuốc chữa hôi nách, khi thì nói tôi có nhu cầu tìm việc làm online, khi thì rủ cá cược bóng đá, cho vay nóng...”.

Tương tự, chị Nguyễn Loan (quận 12, TP.HCM) cũng bức xúc về việc liên tục phải nhận các cuộc gọi mời chào quảng cáo, lừa đảo làm việc online. Khi các đối tượng này không dụ được thì quay sang dùng những lời lẽ nặng nề, thậm chí hù dọa. “Tại sao họ lại có được số điện thoại, thông tin họ tên và nhà ở của người dân. Những tưởng rằng sau cuộc chuẩn hóa SIM vừa rồi sẽ trị được thực trạng này, thế nhưng người dân vẫn không được bình yên, thậm chí các cuộc gọi rác còn xuất hiện dày đặc hơn với những thủ đoạn tinh vi hơn” - chị Loan nói.

Anh Nguyễn Văn Hà (ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết anh kỳ vọng sau chiến dịch chuẩn hóa thuê bao của ngành chức năng, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác sẽ được xử lý dứt điểm hoặc ít nhất là hạn chế. Thế nhưng thực tế không phải như vậy.

“Tôi thấy phổ biến nhất vẫn là các cuộc gọi quảng cáo về căn hộ, mua bảo hiểm, mở thẻ ngân hàng... Tin nhắn rác thì đủ lời chào mời tham gia từ những dịch vụ thông thường đến những dịch vụ nhạy cảm khác” - anh Hà nói.

Anh Hà cũng cho biết điểm khác biệt là gần đây khi nhận được những tin nhắn hoặc cuộc gọi dạng này, sau khi tắt máy thì điện thoại sẽ nhận được tin nhắn hỏi có phải là tin nhắn rác không? Người dùng có thể báo cáo tin nhắn tại đây bằng cú pháp đơn giản là phím 0 hoặc 1.

Vì sao vấn nạn SIM rác vẫn tăng nhanh?

Phân tích nguyên nhân của vấn nạn cuộc gọi, tin nhắn rác, ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử FPT Polytechnic, cho rằng cũng có trường hợp các đối tượng lừa đảo, quảng cáo đã sử dụng công nghệ lách luật. Điển hình như gửi từ địa chỉ IP khác nhau, thay đổi nội dung tin nhắn hoặc cuộc gọi và giả mạo thông tin nguồn gốc để tránh bị lọc. Các đối tượng này cũng sử dụng nền tảng OTT (dịch vụ viễn thông qua Internet) thay cho cuộc gọi từ SIM số tài khoản, mà việc này hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý dẫn đến việc lừa đảo tăng lên.

Ngoài ra, hiện nay công tác quản lý thông tin thuê bao thông qua hệ thống lọc chưa hiệu quả. “Các lỗ hổng hoặc thiếu sót trong hệ thống xử lý SIM giả và tin nhắn rác cũng có thể bị lợi dụng để phát tán các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo” - ông Huy nói.

Tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác vẫn phổ biến khiến người dùng di động mệt mỏi. (Ảnh: V.THỊNH)

Ông Huy cũng cho rằng hiện nay việc tìm kiếm thông tin cá nhân quá dễ dàng như thông qua việc mua hàng online, làm thẻ khách hàng… đã khiến các đối tượng lừa đảo, quảng cáo dễ dàng thu thập và “spam” cuộc gọi, tin nhắn.

Bên cạnh đó, dù đã chuẩn hóa thông tin thuê bao nhưng trên các nền tảng mạng xã hội, việc mua bán SIM vẫn diễn ra tràn lan. Chính kẽ hở này đã gây ra một lượng lớn SIM rác nhưng đúng pháp luật.

Theo ông Huy, cơ quan chức năng cần tăng mức độ và cơ chế xử phạt cũng như có thêm các quy định rõ ràng về việc chặn cuộc gọi, tin nhắc rác để góp phần giảm thiểu tình trạng “spam” trên dịch vụ thuê bao hiện nay.

Hướng tới xử lý dứt điểm

Đề cập đến tình trạng vẫn phổ biến các cuộc gọi rác và hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, Bộ TT&TT cho biết thời gian qua bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông.

Qua công tác trên sẽ hạn chế và hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác. Đồng thời, bộ sẽ phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng.

Bộ TT&TT cũng cho biết đã chỉ đạo Thanh tra bộ, Cục Tần số vô tuyến điện, ba doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, VNPT, MobiFone thường xuyên rà soát, phát hiện, phối hợp với lực lượng công an bắt giữ, xử lý những trường hợp sử dụng BTS (trạm thu phát sóng di động) giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Về cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng này.

Hiện Bộ TT&TT đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các biện pháp với mục tiêu đến ngày 31-8 cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó./.

Hai cách giúp giảm tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu, chuyên viên an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát an toàn thông tin Việt Nam (NCSC), cho biết ngay cả khi là SIM đã chính chủ thì các đối tượng lừa đảo, quảng cáo rác vẫn có nhiều cách để lách luật như dùng voice IP hoặc dùng dịch vụ cho thuê SIM ảo trong, ngoài nước; hoặc sử dụng thiết bị phá sóng để gửi tin nhắn hàng loạt trong phạm vi nhất định.

“Thực tế, hiện vẫn chưa một quốc gia nào có thể ngăn chặn triệt để tình trạng lừa đảo, quảng cáo rác qua thuê bao di động” - ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, có hai cách giúp làm giảm tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác. Cụ thể, báo cáo lên https://chongthurac.vn hoặc cài đặt ứng dụng thứ ba trong điện thoại như Truecaller để nhận diện cuộc gọi rác.

Người dân đi chuẩn hóa thuê bao. Ảnh: VT

 

VIẾT THỊNH - THU HÀ/plo.vn

Chia sẻ bài viết