SIM không đăng ký vẫn bán
Theo báo cáo của các nhà mạng, trong hơn 3,84 triệu SIM thuê bao mà doanh nghiệp xác định phải chuẩn hóa do sai thông tin so với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã có 2,17 triệu SIM được chuẩn hóa thông tin cá nhân, chiếm khoảng 56,49%. Và cũng đã có 1,67 triệu SIM bị khóa 1 chiều từ 31/3 do chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
Đại diện một nhà mạng cho hay có nhiều đầu số trong đợt khóa 1 chiều này nghi ngờ là SIM rác do trong tài khoản là 0 đồng và thuê bao không hoạt động, dù đã nhận tin nhắn nhưng không đăng ký lại thông tin cá nhân. Còn lại những thuê bao đang sử dụng nhận được tin nhắn của nhà mạng đã tích cực đi chuẩn hóa thông tin theo quy định. "Nhiều khả năng những SIM rác chiếm số lượng tương đối trong tổng số 1,86 triệu thuê bao chưa đăng ký lại thông tin cá nhân, nên các đại lý sẽ không đăng ký lại nữa", đại diện một nhà mạng cho biết. Sau khi bị khóa một chiều, số thuê bao sẽ tiếp tục bị khóa 2 chiều trong 15 ngày tiếp theo, và sẽ bị thu hồi số sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa 2 chiều.
1,6 triệu thuê bao di động vẫn đang "bất động" (QUANG THUẦN)
Chiều 2/4, tại cửa hàng Viettel trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), bảng hướng dẫn cập nhật thông tin thuê bao được dán ở vị trí ngay lối ra vào. Khi chúng tôi nêu yêu cầu mở lại thuê bao bị khóa vì chưa đăng ký, nhân viên tại đây hướng dẫn điền thông tin và khẳng định sẽ mở lại sau khi cập nhật đầy đủ theo CCCD.
Một số cửa hàng của nhà mạng khác cũng cho biết: "Những thuê bao bị khóa 1 chiều, người sử dụng chủ động nhắn tin tới số 1414 với cú pháp TTTB để biết thông tin thuê bao của mình đúng hay chưa và tiến hành cập nhật. Cửa hàng làm việc cả thứ bảy, chủ nhật". Tuy nhiên, ngày cuối tuần, người đến cập nhật thông tin không quá đông.
Trong khi đó, tình hình mua bán SIM không đăng ký vẫn diễn ra tại các cửa hàng, đại lý cung cấp SIM và linh kiện điện thoại. Ghé vào một cửa hàng bán thẻ SIM trên đường Bạch Đằng, P.14 (Q.Bình Thạnh), chủ tiệm đưa cho chúng tôi một xấp thẻ SIM nghe gọi (không sử dụng data 4G) và khẳng định: "SIM này không cần đăng ký vẫn sử dụng được. Nếu mua về mà không xài được, anh cứ mang ra đổi, giá 150.000 đồng bao gồm 30.000 đồng gọi khác mạng và miễn phí gọi nội mạng". Khi chúng tôi đặt vấn đề SIM không đăng ký sẽ bị khóa, chủ tiệm vẫn khẳng định: "Số lượng SIM bị nhà mạng khóa đợt rồi là những SIM cũ, đã sử dụng từ lâu. Còn những số mới đang phân phối trên thị trường như các đại lý đang bán thì vẫn dùng bình thường". Để chắc chắn, chủ tiệm còn lắp thử SIM trên vào máy và gọi vào số điện thoại của chúng tôi.
Tiếp tục ghi nhận tại một số cửa hàng khác, nhiều nhân viên bán hàng cho biết có những nhà mạng bắt buộc phải đăng ký thông tin CCCD mới sử dụng SIM được, nhưng cũng có nhà mạng không cần đăng ký SIM vẫn dùng được bình thường. Nhân viên tại một cửa hàng trên đường Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh chào bán cho chúng tôi SIM của nhà mạng Vietnammobile không cần đăng ký thông tin, giá 200.000 đồng, gọi nội mạng miễn phí và gọi ngoại mạng 35 phút.
Việc cập nhật thông tin thuê bao di động chính chủ chưa phải là giải pháp triệt để khắc phục nạn tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo (QUANG THUẦN)
Khó chặn được tin nhắn, cuộc gọi rác ?
Tình trạng cuộc gọi rác vẫn diễn ra ngay trong giai đoạn nước rút của việc cập nhật SIM chính chủ thuê bao di động. Trưa 2/4, chị N.T.B.D, ngụ tại P.Cát Lái, TP.Thủ Đức
(TP.HCM), bức xúc kể: "Dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng tôi vẫn nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, chào mời. Đây là số không đăng ký Zalo và được nhà mạng đưa vào diện nghi ngờ phát tán quảng cáo, sau khi kết thúc cuộc gọi trên thì nhà mạng gửi thông tin khảo sát. Tôi cũng đã thực hiện theo yêu cầu nhưng không biết báo cáo của tôi có được xử lý không, vì vài ngày tôi lại nhận được cuộc gọi từ các công ty chứng khoán, bất động sản như thế. Báo cáo nhiều lần nhưng vẫn không chấm dứt được việc bị làm phiền khiến tôi rất băn khoăn và hoài nghi".
Theo Bộ TT-TT, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao/cung cấp đúng thông tin cá nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm của khách hàng theo quy định của pháp luật. Việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để đảm bảo trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết, là quyền lợi của khách hàng, đặc biệt khi sử dụng các dịch vụ hành chính công. Đối với vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi quảng cáo, Bộ TT-TT sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác, phải làm sạch thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội. |
Trả lời Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nhận định: "Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao theo CCCD mới để trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một động thái tích cực, phù hợp với xu thế minh bạch, số hóa việc quản lý, kiểm soát được thuê bao di động và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để nói rằng việc này giúp hạn chế được SIM "rác" hay SIM không đăng ký thì rất khó, vì đây không phải là lần đầu tiên báo chí hay dư luận bức xúc về cuộc gọi rác, tin nhắn rác, nhưng cho đến nay vẫn không khắc phục được". Theo ông Võ Đỗ Thắng, mặc dù gọi là cuộc gọi rác hay tin nhắn rác, nhưng thực tế lượng SIM này mang lại cho các nhà mạng nguồn thu lớn. Đó chính là lý do suốt bao nhiêu năm nay, dù cơ quan quản lý ban hành nhiều biện pháp, nhưng tình trạng này chưa hề thuyên giảm. "Việc khóa SIM không còn sử dụng cũng không thể ngăn được các cuộc gọi "nặc danh" hay cuộc gọi quảng cáo, vì khóa số lượng SIM này thì vẫn còn số lượng SIM khác. Các quy định chế tài hiện nay quá nương nhẹ, chưa quyết liệt, chưa xử lý đến cùng nếu đơn vị hay nhà mạng vi phạm nhiều lần", ông Võ Đỗ Thắng khẳng định.
Đồng tình với nhận định trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: "Theo quy định, việc gửi tin nhắn quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối nhận, tổ chức gửi quảng cáo sẽ bị xem xét xử lý với mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân; phạt từ 80 - 100 triệu đồng đối với tổ chức gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo. Về vấn đề quản lý và kiểm soát, ngăn chặn tin nhắn rác, các tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, vô tuyến điện tử không thực hiện ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì bị phạt tiền từ 140 - 170 triệu đồng. Có thể thấy rằng mức phạt này quá nhẹ, không thấm vào đâu so với nguồn thu khổng lồ mà họ kiếm được. Bên cạnh đó, cũng không thấy có quy định xử phạt mạnh hơn, nghiêm khắc hơn nếu tái phạm nhiều lần.Vì vậy cho đến nay có thể nói việc chống tin nhắn rác, hay tin nhắn quảng cáo chỉ bằng hình thức phạt hành chính, phạt tiền thì không hiệu quả".
Lãnh đạo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho biết: "Các chủ thuê bao có thể phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác bằng cách thực hiện soạn tin nhắn (hoàn toàn miễn phí) theo hướng dẫn chi tiết tại địa chỉ: https://thongbaorac.ais.gov.vn. Đây sẽ là cơ sở để thực hiện ngăn chặn các số điện thoại phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác"./.
Quang Thuần/thanhnien.vn