Tiếng Việt | English

26/08/2016 - 10:16

Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh đẩy mạnh và nhân rộng phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Nhờ vậy, nhiều hội viên cựu chiến binh có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Lãnh đạo hội đến tham quan DNTN Sang Duyên do cựu chiến binh Ngô Hoài Phong làm chủ. Ảnh: Trung Dũng

Hiệu quả của phong trào

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh Long An - Đặng Xuân Hòa cho biết: 5 năm qua, Thường trực Hội Hội Cựu chiến tỉnh luôn xác định giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, phong trào có sự chuyển biến nhanh, từ chỗ xóa nghèo là trọng tâm nay chuyển sang xóa nghèo nhanh, bền vững. Các Huyện hội có tốc độ giảm nghèo nhanh là: Vĩnh Hưng, Cần Đước, Đức Hòa, Bến Lức, Châu Thành và thị xã Kiến Tường. Trong nhiều gia đình cựu chiến binh, các con được học hành đến nơi, đến chốn, có điều kiện mua sắm phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần.

Cũng theo ông Đặng Xuân Hòa, từ phong trào này, số doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ cũng tăng lên hàng năm. Đến nay, trong Hội có hơn 50 doanh nghiệp do cựu chiến binh làm giám đốc. Từ đó, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hơn 2.500 lao động. Các doanh nghiệp còn chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học-công nghệ mới để cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước nên hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như Công ty (Cty) TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An do hội viên cựu chiến binh Nguyễn Đức Thanh làm giám đốc đã cải tiến công nghệ trong sản xuất, chế biến hạt điều từ chỗ sử dụng 2.000 công nhân, nay còn 750 công nhân, lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, Cty có tổng doanh thu 972 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu 40,9 triệu USD và nộp thuế 6,2 tỉ đồng.

Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An do cựu chiến binh Nguyễn Đức Thanh làm Giám đốc. Ảnh: Trung Dũng

Hay Cty TNHH Tân Thành Lợi, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa do hội viên cựu chiến binh Lê Thanh Hồng làm giám đốc, có thành lập chi bộ thuộc Đảng bộ huyện Thủ Thừa, số lao động hàng năm đều tăng, lương bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp này được UBND tỉnh tặng bằng khen là doanh nghiệp an toàn lao động, có thành tích trong sản xuất, kinh doanh, đạt Cúp vàng doanh nghiệp tiêu biểu.

Thời gian qua, các cấp Hội vận động trong và ngoài Hội xây dựng 299 nhà tình nghĩa, 339 nhà đồng đội, sửa chữa 291 nhà dột nát cho hội viên với tổng số tiền 19,7 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hội viên tham gia đóng góp các loại quỹ như: Quỹ bão lũ thiên tai, Vì người nghèo, Khuyến học, Nghĩa tình đồng đội với tổng số tiền trên 3,6 tỉ đồng. Đặc biệt, cán bộ, hội viên cựu chiến binh vận động nhân dân hiến trên 294.000m2 đất và trên 5.000 ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Qua đó, góp phần cùng các địa phương xây dựng thành công xã văn hóa, xã nông thôn mới trên địa bàn.

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” thể hiện sự đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hội viên cựu chiến binh phát huy ý chí tự lực, tự cường, tính tích cực, năng động, sáng tạo và có cách sản xuất theo thế mạnh của địa phương.

Điển hình như cựu chiến binh Nguyễn Cao Trí, ở ấp 3, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước là chủ DNTN Hiệp Trí Đạt. Theo lời kể của ông, sau khi xuất ngũ, ông trở về địa phương với đôi bàn tay trắng. Sau đó, ông lên TP.HCM làm thuê kiếm sống và tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất.

Năm 2011, phong trào “cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” còn nhỏ, lẻ nên số hội viên khá, giàu chỉ 15.188 hộ, đạt 66,8%; số hộ hội viên nghèo 739 hộ. Đến năm 2016 , số hộ khá, giàu là 18.153 hộ; Số hộ nghèo theo tiêu chí cũ đã xóa 672/739 hộ, đạt 90,9%. Trong 5 năm, có 18.200 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã; 2.150 hội viên đạt danh hiệu cấp huyện; 980 hội viên đạt danh hiệu cấp tỉnh và 165 hội viên đạt danh hiệu cấp Trung ương.

Được sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ông quyết định sử dụng số tiền này sản xuất mặt hàng dép xốp. Đến năm 2010, ông trở về quê mua nguyên liệu làm tại nhà, đồng thời thuê đất xây dựng nhà xưởng và thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất - thương mại - gia công giày dép.

Ban đầu, doanh nghiệp chỉ có 3 lao động, nay lên đến 150 lao động. Thời gian qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp do ông làm chủ vẫn có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2011, doanh thu là 11 tỉ đồng, năm 2012 là 25 tỉ đồng thì đến năm 2015 là 30 tỉ đồng. Sản phẩm do doanh nghiệp ông làm ra không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn tích cực ủng hộ các hoạt động tại địa phương, giúp đỡ gia đình chính sách, người nghèo, tiếp sức học sinh đến trường,... trên 300 triệu đồng.

Ông Trí chia sẻ: “Bản thân là Bộ đội Cụ Hồ, phải có ý chí tự lực, tự cường, sẵn sàng đương đầu với mọi gian khó mới có thành công. Phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là chủ trương đúng đắn của các cấp Hội. Phong trào giúp hội viên xây dựng gia đình hạnh phúc và hỗ trợ đồng đội cùng vươn lên làm giàu chính đáng”.

Hay cựu chiến binh Trần Ngọc Sung, ở ấp An Hòa 1, xã Bình An, huyện Thủ Thừa là gương điển hình phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ.

“Năm 1998, theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương, tôi đến vùng đất Bo Bo khai hoang 5ha đất. Diện tích này, tôi trồng khóm, chanh, dừa,... Ban đầu, tôi trồng thử nghiệm 300 trụ thanh long ruột đỏ trên vùng đất phèn. Cây thanh long dần bén duyên với vùng đất khó và mang lại hiệu quả. Năm 2012, tôi tham gia Hội thi trái ngon, quả đẹp Đồng bằng sông Cửu Long và đoạt giải nhất. Sau khi tích lũy được kỹ thuật canh tác, tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất trồng chanh, khóm, dừa sang trồng thanh long. Từ đó, giúp gia đình vươn lên làm giàu chính đáng”, ông Sung cho biết: .

Ngoài làm kinh tế, ông còn tham gia công tác xã hội và gương mẫu đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động. Thời gian qua, ông vận động xây tặng 3 căn nhà đại đoàn kết cho hội viên, tặng 57 bộ đồ cho cựu chiến binh trên địa bàn xã Bình An.

Ông Sung cho rằng: “Đẩy mạnh hoạt động nghĩa tình, giúp nhau thoát nghèo, làm giàu bền vững, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương chính là nguyện vọng của bản thân tôi. Để đạt mục tiêu này, bản thân là cựu chiến binh phải dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thách thức”.

Mô hình xe nhang của cựu chiến binh Dương Hoàng Việt

Ngoài cựu chiến binh Trần Ngọc Sung, Nguyễn Cao Trí, Nguyễn Đức Thanh, Lê Thanh Hồng, từ phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” xuất hiện nhiều gương điển hình nêu cao ý chí vượt khó làm giàu như: Cựu chiến binh Dương Hoàng Việt, ở khu phố 4, thị trấn Tân Thạnh với mô hình xe nhang; cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Châu, ở ấp Lộ Đá, xã An Lục Long, huyện Châu Thành với mô hình nuôi bò; cựu chiến binh Trương Văn Tho, xã Bình Hòa Hưng, huyện Mộc Hóa với việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất lúa; DNTN Sang Duyên do cựu chiến binh Ngô Hoài Phong ở thị xã Kiến Tường làm chủ với dịch vụ buôn bán thủy hải sản;...

Thời gian tới, Hội tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động các cấp Hội, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giúp hội viên áp dụng hiệu quả vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, tranh thủ tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, phát huy hiệu quả sản xuất của câu lạc bộ doanh nhân, các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác do cựu chiến binh làm chủ,...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh tỉnh Long An - Đặng Xuân Hòa

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết