Tiếng Việt | English

16/08/2023 - 14:27

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc: Phân biệt giới ở Afghanistan là tội ác chống loài người

Đặc phái viên giáo dục toàn cầu của Liên Hợp Quốc Gordon Brown ngày 15/8 đã kêu gọi Tòa hình sự quốc tế (ICC) nên công nhận tình trạng phân biệt giới tính ở Afghanistan là tội ác chống lại loài người và điều tra nhằm truy tố những người chịu trách nhiệm về việc này.

Nhân thời điểm tròn 2 năm ngày Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, ông Brown đã viết thư gửi công tố viên ICC Karim Khan để bày tỏ quan điểm của mình. "Đây là minh chứng tồi tệ nhất về việc lạm dụng nhân quyền đối với trẻ em gái và phụ nữ trên thế giới. Nếu chúng ta cho phép điều này xảy ra và nhắm mắt làm ngơ thì những quốc gia khác có thể sẽ làm điều tương tự mà không lo sợ hậu quả", ông Brown nói.


Một thẩm mỹ viện tại thủ đô Kabul. Ảnh: Reuters

Từ khi Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan, các bé gái trên 12 tuổi hầu như không được đến trường. Taliban cũng đã cấm các nhân viên nữ Afghanistan làm việc tại các cơ quan viện trợ nhân đạo, đồng thời đóng cửa các thẩm mỹ viện. Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên và không được đi lại nếu không có người thân là nam giới đi cùng.

"Tòa án Hình sự Quốc tế nên công nhận sự phân biệt giới tính này là một tội ác chống lại loài người và tiến hành điều tra nhằm buộc tội và truy tố những người phải chịu trách nhiệm", ông Brown – người từng giữ cương vị thủ tướng Anh nói.

Văn phòng của công tố viên Tòa hình sự quốc tế Karrim Khan chưa đưa ra bình luận về việc này. Hiện nay, ông Khan đang điều tra các tội ác chiến tranh đã xảy ra ở Afghanistan trong 20 năm qua.

Bất chấp chỉ trích từ dư luận quốc tế, Mohammad Sadiq Akif, người phát ngôn Bộ Tuyên truyền đạo đức và phòng chống tệ nạn Taliban vẫn khẳng định: “Chúng tôi tôn trọng quyền của phụ nữ Afghanistan nhưng phải phù hợp với luật Hồi giáo Sharia”.

Ông Brown tin rằng đã có sự chia rẽ trong Taliban khi một số quan chức ở Kabul ủng hộ việc cho phép các bé gái trở lại trường học, trong khi các nhà lãnh đạo ở Kandahar - nơi khởi nguồn của Taliban và là quê hương của nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Hibatullah Akhundzada - vẫn phản đối.

Ông Brown cho biết: “Chúng tôi phải thuyết phục các giáo sĩ này rằng, việc phụ nữ và trẻ em gái không được hưởng những quyền cơ bản mà nam giới được hưởng là một cách giải thích sai lầm về đạo Hồi”.

Ông kêu gọi các quốc gia có đa số người Hồi giáo cử một phái đoàn đến Kandahar để tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo Taliban "dỡ bỏ lệnh cấm giáo dục cho trẻ em gái và việc tuyển dụng phụ nữ, vốn không có cơ sở trong kinh Koran hoặc đạo Hồi”./.

CTV Ngọ Nguyễn/VOV.VN

Chia sẻ bài viết