Hôm ấy chồng tôi dáo dác nhìn ra ngoài đường và hỏi: "Có xe liên tỉnh nào chạy không hè?". Má chồng tôi nhanh nhảu: "Để gửi lan hay món gì?".
Nghe má hỏi, chồng tôi như bị chạm tự ái nên gạt đi: "Con đang tính công chuyện chứ lan gì má?". Má chồng tôi lườm một cái rồi bỏ đi. Lúc đi ngang qua tôi, má nói ngán ngẩm: "Làm như lan là cái gì xấu lắm!".
Tôi cười trong bụng. "Lan" chính là hoa phong lan, là những giò hoa lan vẫn ship đều đều về nhà tôi mỗi ngày. Nhưng quan trọng hơn, nó chính là sở thích mới của chồng tôi, khiến anh ấy mất ăn mất ngủ suốt ngày coi livestream rồi… chốt đơn hà rầm.
Chuyện mấy giò lan đã trở thành đề tài nóng bỏng trong gia đình suốt mấy tháng nay. Chồng tôi vốn là công chức mẫu mực, sáng đi tối về, không nhậu nhẹt chơi bời. Với tiền bạc thì anh rất tiết kiệm, lương tháng chuyển thẳng cho vợ.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Còn vợ anh, là tôi đây, hễ để dành được chút tiền là lại… chuyển thẳng cho mẹ chồng, nhờ cất hộ. Mẹ có mỗi chồng tôi là con, lại thân thiết và lo liệu cho con dâu mọi đằng nên tôi nhờ mẹ làm tay hòm chìa khóa. Và chính vì làm tay hòm chìa khóa, nên chuyện mua lan của cậu quý tử khiến mẹ khổ tâm.
Chuyện bắt đầu từ… mấy anh đồng nghiệp. Khi thị trường đảo điên với lan đột biến, trong thế giới của chồng tôi cũng rầm rộ phong trào "sắm một giàn lan trong nhà".
Từng giò lan đầu tiên được ship tới được cả nhà chia vui vì "đẹp ghê, rẻ quá!". Nhưng ngay trong những lần hưởng ứng đầu tiên đó, cả tôi và má chồng đều không ngờ cứ phải nghe "đẹp và rẻ" suốt nửa năm trời.
Thế là sau chừng một tháng, má chồng tôi từ chỗ trầm trồ sang thắc mắc "mua gì lắm vậy", rồi giãy nảy mỗi lần nhận hàng. Vợ chồng đều đi làm, một mình má tiếp "shipper". Ngày nào cũng tiếp.
Hễ nghe điện thoại xong má liền hỏi: "Gửi lan hay gì?". Nếu là hàng hóa gì khác, má sẽ vui vẻ thể hiện sự lịch sự. Còn nếu là lan, má vừa đi vừa cau có, lúc nhận hàng còn cằn nhằn vô lý: "Gửi gì mà gửi miết!".
Thúy, cô bạn tôi cũng khốn đốn vì ông chồng trót mê… gốc cây. Vào nhà bạn, ai cũng tá hỏa vì nhà phố mà chất đầy những hàng "mỹ nghệ" là gốc cây xù xì như phòng trưng bày vật phẩm núi rừng.
Hỏi ra thì Thúy ngán ngẩm tâm sự, ông chồng tự dưng một năm nay sa vào "livestream núi rừng" của các nhà buôn ở tận Tây Nguyên.
Các nhà buôn đó chuyên bán những thân cây biến dạng, hay gốc cây có hình thù "đẹp mắt". Thế là những chuyến hàng lũ lượt gửi xuống. Mỗi khúc cây vài trăm, vài triệu đồng, có khúc cây đặc biệt giá đến hàng chục triệu đồng.
Nghe Thúy kể chuyện, ai nấy cười ra nước mắt. "Tui thấy gốc nào cũng giống gốc nào, cũng u u cục cục, nhưng ổng thì luôn thấy nó… khác. Ổng cứ nói em nhìn nó đặc biệt chưa nè, rồi gốc khác thì năn nỉ vợ nhìn kỹ hàng độc, có một không hai!".
"Cơn lũ" mua gốc cây của chồng Thúy chỉ dừng lại vào đợt giãn cách xã hội, khi việc vận chuyển khó khăn. "Giãn cách" được với bên bán hàng một thời gian, anh mới nhận ra rằng mình cũng… không có nhu cầu lắm.
Thế là anh dồn niềm vui thú vào những gốc cây có sẵn, thỉnh thoảng lên Facebook giao lưu với bạn bè trên một nhóm có cùng sở thích.
Tôi kể chuyện nhà Thúy cho chồng nghe. Anh lý giải: "Em thấy chưa, phụ nữ mua hàng, còn đàn ông thì mua… đam mê!".
Ảnh minh họa
Tôi thấy lời biện minh hợp lý, cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nhưng đam mê của chồng quả thật nhất quán và… không có điểm dừng. Má chồng tôi cứ nhăn nhó cằn nhằn nhưng vẫn phải nhận hàng. Chồng tôi nghe càu nhàu thì bực, chuyển khoản thanh toán cũng… xót, nhưng anh cũng chẳng ngăn nổi thú vui xem livestream và chọn hàng.
Sau vài lần tôi nhắc nhở, anh cũng gật gù: "Ừ cũng… tốn kém", nhưng buổi livestream sau đó lại cồn cào một nhu cầu: "Em ơi cây lan này dáng lạ quá, giống lan này nhà mình chưa có", thế là lại mua.
Tôi ở bên chồng thì… phân thân, một đằng cũng nhắc nhở kèm cặp, mặt khác cũng phiên phiến cho qua, vì xem như đó là một "cái tật" cũng… thơ mộng, còn đỡ hơn tật rượu chè ăn chơi. Lúc ở bên mẹ chồng, tôi lại hùa vào trách cứ chồng cho… ra vẻ hiểu chuyện.
Còn với nạn "sốp-ping" đam mê kia, tôi chỉ lịch sự hoạch định cho chồng một khoản tiêu vặt, muốn đam mê gì thì cũng chỉ trong số tiền ấy. Rồi khi lão chồng coi livestream và vò đầu bứt tai cân nhắc hầu bao thì tôi thủng thẳng, lịch sự: "Anh nghĩ cho kỹ, thích lắm thì hẵng mua nhé…"./.
nld.com.vn(Theo phunuonline.com.vn)