Tiếng Việt | English

15/07/2015 - 09:51

Đàn ông Việt cũng đang uống để… chết

Có lẽ từ lâu văn hóa “thưởng rượu” đã không còn nữa mà thay vào đó là văn hóa “nhậu” thì đúng hơn.

Uống rượu là một dạng sinh hoạt văn hóa lâu đời của người Việt. Theo GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, thời xưa, các cụ uống rượu bằng chén mắt trâu (chén nhỏ), nếu có cạn cả chén thì vẫn gọi là “chưa đủ tráng chân răng”. Nhưng cũng không ai cạn cả chén một lần. Uống rượu có văn hóa phải là tay nâng chén rượu lên miệng, nhấp một ngụm nhỏ, khẽ chép miệng cho hương vị của rượu ngấm vào đầu lưỡi rồi mới tiếp tục uống hớp thứ hai, thứ ba… Uống như thế người ta gọi là thưởng rượu, để thấy tinh thần phấn khởi, nỗi mệt nhọc giảm đi, tâm hồn nhẹ nhàng bay bổng, để trò chuyện, chia sẻ tâm tình.

Trong bữa rượu, những người ngang tuổi hoặc có chức sắc được xếp ngồi với nhau, người ít tuổi hơn hoặc người bình dân ngồi riêng một chỗ. Đó là thể hiện sự tôn trọng, đạo lý trong cuộc sống cho có lớp lang, cung bậc.


Ảnh minh họa: Internet

Với người Châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới thì champagne hay rượu vang là những đồ uống không thể thiếu trong những nghi lễ long trọng hay những sự kiện vui mừng. Mỗi chén rượu, ly rượu chúc tụng khách quý, đối tác, bạn bè, người thân là sự ghi nhận những thành công của công việc. Nhấp một chút để chất men nồng từ từ lan tỏa trong vòng miệng, thấm vào lưỡi, xuống họng, đem lại cảm giác hưng phấn, thư thái cho người thưởng thức.

Như vậy, uống rượu là cả một nghệ thuật; uống là để nhâm nhi, bay bổng; là để tăng chất men trong câu chuyện giữa những người tri kỷ; là để tăng thêm hứng cho những lúc xướng, họa, thơ ca; là để mừng vui cho ngày gặp mặt… Thế nhưng ở nước ta bây giờ, dường như nét đẹp văn hóa này đang bị mai một. Có lẽ từ lâu văn hóa “thưởng rượu” đã không còn nữa mà thay vào đó là văn hóa “nhậu” thì đúng hơn.

Từ nông thôn đến thành thị, cả công chức lẫn dân thường, hễ cứ gặp gỡ nhau là bia, rượu uống "tới bến". Bàn chuyện hợp tác làm ăn nhậu, sinh nhật nhậu, đám cưới nhậu, tân gia nhậu, thôi nôi cho con cũng nhậu… thậm chí đến đám hiếu cũng không thiếu phần nhậu.

Xem thêm: << Nhiều người Việt đang ăn để… chết

Uống rượu là để nhâm nhi, thì nay là sự nài ép lẫn nhau “chú không uống tiếp cốc này là chú không tôn trọng anh", "anh không uống hết là không hết lòng với em", "cậu không uống là tớ cho mặc váy đấy".... và “hãi” nhất khi bị “quy kết”: “Em không uống là em coi thường… sếp”. Đã uống thì cứ phải “màn hình phẳng”, phải “1,2,3 dzô”, khi đã “dzô” là phải 100%, phải cạn. Chỉ tội nghiệp cho những người "tửu lượng khiêm tốn", những người có bệnh phải kiêng chất men hay những chị em phụ nữ chẳng may đi dự tiệc “vớ” đúng phải bàn nhậu. Lúc đấy chỉ biết nhìn chén rượu một cách ngao ngán và đành gượng ép nâng ly. Thế là việc “tôn trọng” lẫn nhau giờ đây đã biến thành cuộc ganh đo ''tửu lượng'', thành cuộc “đọ sức” rượu bia.

Không hiểu các “đấng mày râu” đang uống để lấy vui hay “uống lấy được”, “uống lấy chết”. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng dạy rằng: “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh nhất trản trà/ Nhật nhật ư như thử/ Lương y bất đáo gia” (Tạm dịch: Buổi tối uống ba chén rượu/ Sáng ra uống ấm trà/ Ngày nào cũng như vậy/ Thầy thuốc khỏi đến nhà). Nhưng với “cách thức” uống bia, rượu như hiện nay chắc hẳn nhiều đàn ông Việt đang uống… để lấy chết.

Được gọi là phái mạnh nhưng khi đã “quá chén” rồi, các “đấng mày râu” không còn giữ được vẻ thanh lịch, phong độ, tràn trề sinh lực nữa mà thay vào đó là triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, lơ mơ… thậm chí là những hành vi thiếu kiểm soát.

Đơn cử, mới đây nhất là việc phóng viên một tờ báo khi tìm đến xác minh thông tin theo phản ánh của người dân đã “rất không may” gặp phải người đứng đầu một cơ quan về địa chính của Hà Nội đang “bước đi loạng choạng, mặt đỏ bừng, sặc mùi rượu bia”, khi phóng viên làm việc thì ông này liên tục văng tục khiến phóng viên phải “xin phép không làm việc và sẽ liên hệ sau”.

Hay như trường hợp ông Phạm Văn Phan, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã phải nhận kỷ luật bằng hình thức giáng chức làm phó giám đốc vì say rượu. Trong văn bản kỷ luật nêu rõ: Ông Phan đã không kiểm soát được thái độ, lời nói và hành vi; có hành vi cản trở, xúc phạm, đe dọa các phóng viên tác nghiệp; phát ngôn và hành động thiếu trách nhiệm, vô văn hóa.

Chỉ vì vài phút bốc đồng trong lúc “quá chén” những “đấng mày râu” này đã làm mất đi sự nghiệp, uy tín của bản thân, mất đi hình ảnh đẹp đẽ của người cán bộ, người thầy thuốc trong mắt quần chúng nhân dân.

Và khi đã “quá chén”, say xỉn thì thường dẫn đến gây gổ, ẩu đả, làm mất trật tự an ninh xã hội và an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng cho bản thân và cho những người khác. Theo công bố của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, thức uống có cồn là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bạo lực gia đình ở Việt Nam với gần 34% tổng số vụ ghi nhận được và tỷ lệ nam giới tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu ở nước ta là hơn 36%.

Đó là chưa kể đến tình trạng rượu giả, rượu được pha chế với công thức sởn gai ốc đang tồn tại trên thị trường hiện nay, thì có lẽ uống để… lấy chết đang đến rất gần với đàn ông Việt. Theo điều tra của phóng viên Báo Người đưa tin, chủ một cơ sở chuyên nấu rượu đế ở Thuận Thành, Bắc Ninh, tiết lộ nhiều gian thương mua cồn công nghiệp về và "chế" rượu siêu tốc theo công thức: nước lã, cồn công nghiệp, hương liệu tinh nếp, tinh chuối, tinh trái cây, bột màu. Chỉ cần cho nước lã vào thùng nhựa, rót khoảng 50 ml cồn vào rồi lắc đều, lập tức có ngay sản phẩm "rượu đế" mùi vị thường gặp ở các quán nhậu bình dân.

Tương tự, dùng cồn công nghiệp pha vào nước lã, cho thêm tinh nếp rồi lắc đều, lập tức có rượu nếp đục, mùi thơm ngào ngạt. Nếu muốn làm rượu chuối hột, rượu trái cây, cách làm cũng tương tự. Như vậy, chỉ trong tích tắc đã “nấu” được rượu đủ loại, thơm ngát. Trong khi đó, nếu nấu rượu bằng men truyền thống của Việt Nam, không kể thời gian nấu cơm, từ khi ủ men cho đến khi rượu ra lò mất đúng 10 ngày.

Còn tìm đến với rượu ngoại ư? Cũng tương tự, khi Đội CSĐT Công an TP.Pleiku phát hiện, bắt quả tang ông Nguyễn Thái Hào (40 tuổi, trú tại phường Phù Đổng, TP.Pleiku) có hành vi sản xuất, chế biến rượu giả tại nhà. Hào đã khai nhận, để làm được rượu ngoại giả không khó, chỉ cần khéo tay. Công cụ để sản xuất đơn giản gồm: máy bấm keo, ruột bút bi, dao hai lưỡi, phễu, chất tạo màu… và một vài loại rượu kết hợp. “Chỉ cần pha chế rượu Hankey với Wall Street và một phần rượu Vodka là thành rượu Chivas. Tùy vào tỉ lệ pha các loại rượu khác nhau để cho ra mỗi loại Chivas 12, Chivas 18 hay Chivas 25 năm… Nếu là Chivas 12 năm chỉ cần cho ít Hankey. Khâu đóng nắp chỉ cần dùng tay đóng lại, vặn kỹ rồi dán tem lên và dùng ruột bút bi ép vào nắp để tạo vân cho giống chai rượu thật. Đặc biệt, để rót rượu vào được vỏ chai Chivas thật, chỉ cần dùng dây đàn kéo viên bi lên miệng chai, sau đó từ từ chế rượu vào”.

Theo tính toán, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng rất nhanh, mỗi năm tăng từ 8 - 10%.

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, số bệnh nhân loạn thần do rượu điều trị nội trú tăng từ 5% năm 2000 lên 13% hiện nay. Nguy hiểm nhất là các bệnh lý nội khoa như gan chiếm hơn 33%, bệnh lý tim mạch đường tiêu hóa, tim mạch.., đều gia tăng ở những đối tượng nghiện rượu. Trong khi đó, khoảng hơn 55% người nghiện rượu mắc hội chứng run tay và khoảng 4% bị tai biến mạch máu não. Một nghiên cứu 282 bệnh nhân nghiện rượu vào khoa cấp cứu, chống độc và điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho thấy các bệnh nhân nghiện rượu thường vào khoa hồi sức cấp cứu vì: Giãn vỡ tĩnh mạch thực quản: 26,2%; Hôn mê gan: 12,4%; Tai biến mạch não:12,4%. Bệnh ít gặp hơn là: xuất huyết dạ dày tá tràng 10,6%; viêm tụy 5,3%. Đáng chú ý, đã có 71,7 % nam giới tử vong do Xơ gan có liên quan đến rượu bia./.

Trương Hồng Lan/VOVTV

Chia sẻ bài viết