Đào tạo nghề, giải quyết việc làm được xem là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Qua đó, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề, xuất khẩu lao động,… Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở Long An có những kết quả nhất định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời, cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp. Tỉnh còn tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu, liên kết với các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm nhằm giúp người lao động có thu nhập ổn định. Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề cũng như mở rộng mạng lưới các trường nghề giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Người lao động có điều kiện thực hành với máy móc, thiết bị hiện đại; chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề vẫn còn một số hạn chế, chưa thu hút đối tượng theo học. Một số lao động nông thôn sau khi học nghề chưa ứng dụng được vào thực tế; ngành nghề đào tạo chưa đa dạng,…
Phát huy kết quả đã đạt, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch giảm nghèo - giải quyết việc làm; tạo điều kiện giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, triển khai hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, vận động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện các điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Huệ Chi