Tiếng Việt | English

04/08/2020 - 10:32

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm

Những năm qua, đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn nhiều khó khăn, cần có nhiều giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cách đây 7 năm, chị Lê Thị Hồng Thắm, ngụ ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An phải đi làm phụ hồ xa nhà, trong khi gia đình có 2 người con nhỏ cần người lớn chăm sóc. Đang băn khoăn định nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình nhưng lại lo không có thu nhập trang trải cuộc sống thì chị Thắm được UBND xã tạo điều kiện học nghề may công nghiệp. Sau khi học xong, chị được giới thiệu vào Tổ hợp tác (THT) May gia công Từ Xuyên (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh) làm việc.

Chị Lê Thị Hồng Thắm, ngụ ấp Tây Bắc, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, có việc làm ổn định sau khi học nghề may công nghiệp

Chị Thắm trải lòng: “Những năm trước, người dân xã Tân Hòa sống chủ yếu dựa vào nghề nông nên qua mùa vụ không có việc làm. Riêng gia đình tôi không có đất sản xuất, kinh tế càng khó khăn hơn. Vì vậy, tôi phải rời quê lên TP.HCM làm phụ hồ. Công việc vừa vất vả, vừa xa gia đình nên lúc nào tôi cũng mong học được cái nghề và có việc làm ở quê. May mắn, ở địa phương có cơ sở may gia công; đồng thời, tôi được xã tạo điều kiện học nghề may công nghiệp miễn phí. Sau khi học nghề, tôi được giới thiệu vào làm việc tại cơ sở may gia công đến nay, với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Số tiền này tuy không cao hơn so với làm phụ hồ nhưng được gần nhà, có điều kiện chăm sóc gia đình nên tôi vui lắm!”.

Xác định đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những giải pháp góp phần giảm nghèo bền vững, huyện Tân Thạnh quan tâm khảo sát tình hình thực tế ở địa phương gắn với giải quyết việc làm. Hiện nay, huyện thành lập được nhiều THT, hợp tác xã như THT đan ghế nhựa, đan giỏ, may gia công,... góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương, trong đó tiêu biểu là THT May gia công Từ Xuyên, xã Tân Hòa.

Nhiều người dân sau khi học nghề may công nghiệp đã vào làm việc tại Tổ hợp tác May gia công Từ Xuyên

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa - Võ Minh Dương chia sẻ: “Năm 2007, THT May gia công Từ Xuyên thành lập với khoảng 10 thành viên tham gia. Biết tổ may gia công có thể phát triển, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, xã phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở các lớp may công nghiệp. Hiện nay, tổ đang làm hồ sơ phát triển lên hợp tác xã, góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động nhàn rỗi ở địa phương, với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng”.

Những năm trở lại đây, huyện Cần Đước “nổi tiếng” là địa phương có nhiều dịch vụ nấu ăn phát triển. Thời gian qua, huyện mở nhiều lớp dạy nấu ăn cho LĐNT, trong đó, thị trấn Cần Đước có hơn 100 người làm trong lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Vốn, ngụ thị trấn Cần Đước, cho biết: “Năm 2018, tôi được tạo điều kiện tham gia lớp dạy nghề nấu ăn do địa phương tổ chức. Tôi được học cách chọn, bảo quản thực phẩm, cách bố trí, sắp xếp nhà bếp hợp lý. Sau khi học, tôi mạnh dạn thuê mặt bằng bán thực phẩm chay, từ đó có thêm thu nhập, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên”.

Nhờ học nghề nấu ăn, bà Nguyễn Thị Vốn biết cách bảo quản thức ăn, cách chọn thực phẩm và bố trí, sắp xếp nhà bếp hợp lý

Tại huyện Tân Trụ, thanh long là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xác định được vấn đề này, huyện đã mở nhiều lớp kỹ thuật trồng thanh long theo hướng VietGAP. Qua đó, giúp nông dân trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long như khâu chọn đất, đắp mô, làm hệ thống tưới, sử dụng phân bón,... Nhờ vậy, nông dân chuyển từ canh tác theo tập quán sang áp dụng khoa học - kỹ thuật nên chi phí giảm, năng suất tăng.

Còn nhiều khó khăn

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2010-2019, tỉnh đào tạo nghề cho gần 57.000 LĐNT, nữ chiếm 45%; trong đó, đã hỗ trợ gần 7.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo; có 1.457 người có công với cách mạng, 22 người dân tộc thiểu số, 183 người khuyết tật và 397 người thuộc hộ bị thu hồi đất được hỗ trợ học nghề. Đa số học viên sau học nghề tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Dự kiến năm 2020, tỉnh đào tạo nghề cho trên 4.000 LĐNT, trong đó bảo đảm 80% học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm.

Bên cạnh kết quả, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn nhiều khó khăn. Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Huệ - Trần Quốc Bảo chia sẻ: “Hiện nay, huyện rất khó trong việc vận động người dân tham gia học nghề. Trường hợp vận động được chủ yếu ở độ tuổi từ 40-50, trong khi đó, những người này không muốn đi làm việc xa nhà. Vừa qua, huyện phối hợp một doanh nghiệp mở lớp may công nghiệp, tuy nhiên khi hoàn thành lớp học, nhiều người lại không chịu vào doanh nghiệp này làm việc. Đây là vấn đề nan giải của huyện trong thời gian qua, trong khi đó địa phương lại không có nhiều công ty, doanh nghiệp”.

Đây không chỉ là khó khăn riêng của huyện Đức Huệ mà còn của nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Bởi, một số huyện như Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Tân Thạnh,... có số lượng công ty, doanh nghiệp rất ít nên nhu cầu sử dụng lao động các nghề phi nông nghiệp không nhiều, vì vậy địa phương khó triển khai đào tạo các nghề phi nông nghiệp; một số lao động có hoàn cảnh khó khăn phải lo kiếm sống nên tham gia các lớp học nghề chưa đều; nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của đào tạo nghề đối với phát triển KT-XH. Ngoài ra, công tác tuyên truyền đào tạo nghề cho LĐNT tuy được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm phối hợp thực hiện nhưng có lúc, có nơi chưa thường xuyên; hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên hiệu quả chưa cao; việc tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT, tuyển dụng của doanh nghiệp ở một số địa phương chưa chính xác nên việc triển khai đào tạo một số nghề chưa phù hợp với nhu cầu lao động và giải quyết việc làm chưa bền vững,...

Để giải quyết khó khăn trên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Thời gian tới, ngành tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn các địa phương phải chặt chẽ trong khâu tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát hợp, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, không chạy theo số lượng. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm: Không tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau học nghề. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của học nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo nghề cho LĐNT có hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho LĐNT bảo đảm thực chất, hiệu quả. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉnh có lao động qua đào tạo đạt 71%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 55%”.

Khi công tác đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng nâng chất sẽ góp phần xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là đạt kế hoạch, chỉ tiêu về đào tạo nghề đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết