Trang thiết bị y tế luôn được quan tâm đầu tư, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại địa phương (Trong ảnh: Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa chụp X-quang chẩn đoán chấn thương xương bàn tay cho bệnh nhân)
Nhiều giải pháp thiết thực
Ngày DS Thế giới (11/7) năm 2024 với chủ đề “Đầu tư cho công tác DS là đầu tư cho phát triển bền vững” nhằm kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về DS và phát triển, Cairo 1994. Đây là dịp để nhìn nhận lại những thành tựu đã đạt của công tác DS trong 30 năm qua và đưa ra giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức thời gian tới.
Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác DS và Phát triển tỉnh - Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác DS và phát triển. Tỉnh tập trung ổn định quy mô, cơ cấu DS hợp lý và nâng cao chất lượng DS, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS được triển khai nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và mang lại kết quả rõ rệt.
Các thiết bị y tế luôn được quan tâm đầu tư giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân”.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi luôn được các địa phương quan tâm
Điển hình như Đề án “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; các mô hình: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và tư vấn tiền hôn nhân; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; Cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho công nhân cụm, khu công nghiệp. Hoạt động đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố luôn được chú trọng.
Ban DS và Phát triển cấp xã tùy theo tình hình từng địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp trong tuyên truyền, vận động, quản lý đối tượng nhằm duy trì và xây dựng mô hình 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con.
Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) được duy trì thực hiện hàng năm, giúp phụ nữ tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại ngay tại cơ sở.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Thông qua tuyên truyền, vận động giúp tôi nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bản thân và chế độ ăn uống phù hợp.
Khi địa phương tổ chức chiến dịch cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, tôi đều tham gia. Chiến dịch giúp tôi tầm soát các bệnh thường gặp ở phụ nữ và điều trị kịp thời”.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số trẻ sinh tăng 1.004 trẻ so cùng kỳ, ước đạt chỉ tiêu tăng sinh vào cuối năm. Tỷ số giới tính trẻ sinh là 2.921 nam/2.921 nữ, ước đạt chỉ tiêu vào cuối năm.
Theo DS mục tiêu: Có 5.748 trẻ sinh ra được tầm soát sơ sinh 5 bệnh đạt 98,39% so số trẻ sinh; 5.763 lượt thai phụ được tầm soát trước sinh 4 bệnh, đạt 98,65% trên tổng số thai phụ được sàng lọc trước sinh. Tỷ lệ nam, nữ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân là 1.048 cặp nam nữ, đạt 98,96%.
Nâng cao chất lượng dân số
Chất lượng DS là một trong những yếu tố hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH của địa phương, đất nước. Vì vậy, đầu tư nâng cao chất lượng DS chính là đầu tư cho tương lai, góp phần tạo nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Cũng như các địa phương khác, Ban Chỉ đạo công tác DS và Phát triển huyện Thạnh Hóa thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giải quyết tốt vấn đề về cơ cấu DS và phân bố dân cư, đặc biệt là nâng cao chất lượng DS. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hàng năm vượt chỉ tiêu đề ra.
Việc cải thiện SKSS, duy trì vững chắc mức sinh thay thế luôn được quan tâm. Tỷ số giới tính khi sinh đạt 103,4 bé trai/100 bé gái, từng bước đưa về mức cân bằng tự nhiên. Hoạt động giám sát việc thực hiện phong trào DS-SKSS được quan tâm. Hàng năm, huyện thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về công tác chăm sóc SKSS-KHHGĐ tỉnh giao.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa - Lê Văn Thanh, xác định nâng cao chất lượng DS là “chìa khóa vàng” để phát triển bền vững, Trung tâm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các đề án, mô hình nhằm nâng cao chất lượng DS.
Viên chức DS cấp xã và đội ngũ cộng tác viên DS - Gia đình và Trẻ em thường xuyên họp rút kinh nghiệm, kịp thời đưa ra các giải pháp thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách về DS và phát triển.
Nhờ đó, nhận thức của người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản chủ động thực hiện các biện chăm sóc SKSS-KHHGĐ.
Siêu âm cho phụ nữ tham gia Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện Đức Huệ
Những năm qua, Ban Chỉ đạo công tác DS và Phát triển huyện biên giới Đức Huệ thực hiện tốt công tác tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai, thực hiện nghị quyết của Huyện ủy về công tác DS và phát triển, đặc biệt là nỗ lực để “Nâng cao chất lượng DS vùng biên giới”.
Bên cạnh sự tận tâm, nhiệt huyết của đội ngũ làm công tác DS, từng ban, ngành, đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xác định các chỉ tiêu khó để tập trung thực hiện.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ - Lê Thành Công thông tin: “Ban Chỉ đạo công tác DS và phát triển từ cấp huyện đến cấp xã bám sát nhiệm vụ được phân công, tích cực theo dõi, đôn đốc, khuyến khích đội ngũ làm công tác DS, đặc biệt là lực lượng cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đối với những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 1 con hoặc 2 con một bề thì tích cực vận động sinh đủ 2 con, không sinh con thứ 3 trở lên”.
Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hàng năm, Trung tâm Y tế huyện phối hợp các trường THPT và THCS tổ chức lồng ghép các buổi sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt câu lạc bộ tiền hôn nhân nhằm cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS và sức khỏe tình dục cho hơn 5.000 trẻ vị thành niên và thanh niên; phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện kiểm tra 3 nhà sách không có các loại tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung lựa chọn giới tính khi sinh. Với nhiều giải pháp thiết thực, các chỉ tiêu về công tác DS của huyện hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch.
Bên cạnh kết quả đã đạt, công tác DS và phát triển của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.
Mức sinh ở địa phương có điều kiện kinh tế phát triển có xu hướng giảm và ở nhóm DS khó khăn vẫn cao. Tốc độ già hóa DS nhanh và sớm trở thành thách thức lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục.
Bên cạnh đó, xu hướng kết hôn muộn, nhóm người trong độ tuổi lao động giảm;... tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nâng cao chất lượng DS là nhiệm vụ chiến lược, cấp thiết, lâu dài, là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng cần nâng cao trách nhiệm, chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc SKSS-KHHGĐ cũng như các giải pháp nâng cao chất lượng DS./.
|
UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác dân số năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024.
|
Ngọc Mận