Bảo đảm sản xuất nông nghiệp
Từ các nguồn vốn lồng ghép, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương triển khai xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các công trình, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất.
Song song đó, ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm đầu tư nạo vét, nâng cấp hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), hệ thống thủy lợi thuộc huyện Cần Đước; xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ vùng chuyên canh cây thanh long xuất khẩu ở huyện Châu Thành, vùng trồng cây chanh ở huyện Đức Huệ và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Một số dự án lớn được đầu tư kết nối hoàn chỉnh phục vụ cơ bản cho chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như khu tưới Phước Hòa giúp tưới tiêu chủ động cho 10.000ha vùng sản xuất lúa, đậu phộng, rau màu, bắp, nuôi bò,... tại huyện Đức Hòa; dự án thủy lợi Bảo Định giai đoạn 2 cung cấp nước ngọt cho trên 5.000ha đất sản xuất thanh long, 10.000ha đất sản xuất lúa 3 vụ tại huyện Châu Thành và TP.Tân An; các dự án nạo vét kênh: Đồng Tiến, Mỹ Hòa, An Phong, Bắc Đông, 61, 78, 21,... đã dẫn nước ngọt từ sông Tiền về rửa phèn, đẩy mặn phục vụ việc tưới tiêu tại các huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần thông tin: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 8.816km kênh, mương; 869 cống tưới và tiêu nước; 291 khu đê bao chống xâm nhập mặn, ngăn lũ và triều cường. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nước tưới tiêu chủ động đạt trên 90%.
Thời gian tới, tỉnh phấn đấu phát triển hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn, đô thị và các vùng. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi được ưu tiên đầu tư đồng bộ theo hướng phục vụ đa mục tiêu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diện tích vùng rau huyện Cần Đước ngày càng được mở rộng nhờ được quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi
Huyện Cần Đước là địa phương chịu tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, nặng nề, nhất là các xã vùng hạ của huyện. Những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn sớm làm lúa bị thất mùa, vùng chuyên canh rau màu thiếu nước ngọt để sản xuất. Vì vậy, việc xây dựng các cống ngăn mặn, dự trữ nước ngọt được tỉnh, huyện đặc biệt quan tâm đầu tư.
Vùng cù lao Long Hựu của huyện Cần Đước thường bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp địa phương đầu tư sửa chữa đê bao ven sông Rạch Cát, Đường tỉnh 826B và cống Rạch Đào với tổng mức đầu tư trên 7,8 tỉ đồng.
Các công trình hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2023 tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân; đồng thời, ngăn mặn, triều cường cho khoảng 300ha đất canh tác, góp phần phát triển KT-XH vùng cù lao này.
Ông Nguyễn Văn Hải (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Với đặc thù 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn nên vấn đề nguồn nước sản xuất luôn rất khó khăn với người dân vùng cù lao.
Được ngành chức năng tỉnh, huyện quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chúng tôi rất phấn khởi”.
Ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát công trình ngăn mặn tại huyện Tân Trụ
Huyện Tân Trụ cũng là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn, nhất là những tháng mùa khô. Để góp phần bảo đảm đủ lượng nước tưới cho cây trồng, khơi thông dòng chảy, thời gian qua, huyện tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình đê, cống nhằm ngăn mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho hay: Những năm gần đây, huyện luôn ưu tiên dành nguồn lực để triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển KT-XH địa phương. Năm 2023, huyện triển khai thi công và hoàn thành 9 công trình thủy lợi nội đồng.
Ông Bùi Đức Cường (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) bộc bạch: “Thời gian qua, việc canh tác lúa của người dân trên địa bàn xã khá thuận lợi, nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo luôn dồi dào.
Các công trình đê bao, cống ngăn mặn được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp,... góp phần giảm đáng kể những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn, xâm nhập mặn”.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, thủy lợi và phòng, chống thiên tai là tiêu chí hàng đầu, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.
Năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng đề án phát triển hệ thống kênh, mương thủy lợi gắn với XDNTM. Theo đó, các công trình thủy lợi phải đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu của người dân nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
So với các địa phương khác, huyện Mộc Hóa gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, với nội lực của mình, huyện nỗ lực thực hiện tiêu chí khó này để bảo đảm hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa, hiện trên địa bàn huyện có 156 khu đê bao lửng gắn với đường giao thông nông thôn. Tất cả đê bao đều bảo đảm ngăn được lũ về sớm, ngăn được nước mưa tràn cục bộ giúp người dân an tâm sản xuất 2 vụ/năm.
Riêng về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn huyện có khoảng 250ha cây ăn quả các loại nằm trong vùng đê bao khép kín, bảo đảm sản xuất an toàn cả trong mùa lũ.
Nhờ có hệ thống đê bao lửng, người dân an tâm sản xuất lúa trong mùa lũ
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Từ năm 2021-2023, toàn tỉnh đã huy động trên 100.000 tỉ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng cho các địa phương đạt chuẩn tiêu chí về thủy lợi và phòng, chống thiên tai theo lộ trình. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp trên 1.000 tỉ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 3.500 tỉ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp, người dân gần 800 tỉ đồng; vốn tín dụng trên 95.500 tỉ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 152 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai thuộc bộ tiêu chí NTM; 103 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai thuộc bộ tiêu chí NTM nâng cao; 13 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai thuộc bộ tiêu chí huyện NTM.
“Hàng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh đều phối hợp các địa phương rà soát hệ thống kênh, mương để có kế hoạch đầu tư nạo vét, nâng cấp, xây dựng các cống điều tiết nước, nhằm phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu. Qua đó, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin thêm.
Hệ thống thủy lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới là cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và là “đòn bẩy” thực hiện các tiêu chí NTM./.
Bùi Tùng