Quản lý thị trường kiểm tra một cơ sở sản xuất mỹ phẩm
“Mặt hàng phát hiện được làm giả, kém chất lượng chủ yếu là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y” - đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An nêu rõ.
Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số đối tượng làm ăn phi pháp còn sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế, găng tay y tế giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây hoang mang dư luận.
Nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng, GLTM cũng được người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm. Đây là vấn đề thường xuyên được cử tri phản ánh trong các đợt tiếp xúc cử tri với HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội và trong các cuộc đối thoại với chính quyền.
“Kiến nghị các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt thị trường, xử lý thật nặng những đối tượng có hành vi gian dối, buôn bán hàng giả, kém chất lượng” - cử tri Nguyễn Hoàng Lắm, ngụ xã Bình Thành, huyện Đức Huệ, nêu ý kiến trong cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình vào ngày 03/10/2020.
Mặc dù GLTM trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng được các đối tượng thực hiện ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, lực lượng chức năng vẫn phát hiện nhiều vụ việc. 9 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng phát hiện 15 vụ buôn bán, kinh doanh hàng kém chất lượng, 11 vụ hàng giả, 15 vụ hàng giả sở hữu trí tuệ và 1.449 vụ GLTM.
Ngày 10/7/2020, Cục Quản lý thị trường (QLTT) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một doanh nghiệp tư nhân tại thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa với số tiền hơn 54 triệu đồng, do có hành vi kinh doanh, tiêu thụ xăng có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. 4 ngày sau, Cục QLTT tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty đóng tại xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa với số tiền 40 triệu đồng do có hành vi bán xăng cao hơn giá niêm yết do thương nhân phân phối quy định.
Còn mặt hàng mỹ phẩm, vào lúc 9 giờ, ngày 14-8-2020, qua công tác quản lý địa bàn, Đội QLTT số 3 phối hợp lực lượng công an kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thuộc ấp Bình Trung, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An, do bà Nguyễn Thị Anh Thư làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn các loại sản phẩm mỹ phẩm nhưng trên nhãn không ghi tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.
Về phía chủ cơ sở kinh doanh không xuất được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hồ sơ công bố chất lượng số lượng sản phẩm mỹ phẩm tại cơ sở. Đội QLTT số 3 quyết định tạm giữ 2.243 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm thành phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Vụ việc đang được cơ quan chức năng liên quan tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Liên quan đến hàng giả, ngày 26/8/2020, Đội QLTT số 6 phối hợp lực lượng công an kiểm tra cơ sở sản xuất tại ấp Tân Điền, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, do ông Châu Kế Cường làm chủ. Theo Cục trưởng Cục QLTT Long An - Phạm Đức Chinh, thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện tại cơ sở có một nhóm người đang sản xuất dầu gió giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng: Eagle Brand, Medicated Oil, Green Herb Oil.
Hàng hóa không rõ nguồn gốc bị tạm giữ
Đoàn kiểm tra tạm giữ 336 chai dầu gió xanh thành phẩm, nhãn hiệu Eagle Brand Medicated Oil; 40 chai dầu gió xanh chưa thành phẩm (chưa có nhãn hiệu); 120 chai dầu gió trắng nắp vàng thành phẩm, nhãn hiệu Green Herb Oil; 990 lít dầu nguyên liệu màu xanh, màu đỏ, màu trắng; 2.588kg vỏ chai dầu thủy tinh; 754kg vỏ hộp giấy, 86kg nắp chai nhựa, 337kg tem, nhãn và một số dụng cụ dùng để sản xuất dầu gió giả: Máy pha trộn nguyên liệu, bàn sang chiết dầu, bình xịt để sang chiết dầu. Hiện vụ việc được Đội QLTT số 6 phối hợp các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ.
Đối với mặt hàng y tế, ngày 08/9/2020, QLTT phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành kiểm tra đối với Chi nhánh Công ty Cổ phần Sản xuất Vật tư y tế Super Antibacterial Mask, địa chỉ ở Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện tại kho hàng chứa 248.000 chiếc găng tay y tế nhãn hiệu Anti Covid không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp. Thượng tá Nguyễn Quốc Cường - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, cho biết: “Đoàn kiểm tra tạm giữ toàn bộ số găng tay y tế trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật”.
Theo dự báo, những tháng cuối năm 2020, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao nên GLTM, hàng giả, kém chất lượng, buôn lậu tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh - Trần Văn Cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong kiểm tra, kiểm soát ổn định thị trường, xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời, chỉ đạo các lực lượng nắm chắc địa bàn để có kế hoạch, phương án đấu tranh, không để hình thành, phát sinh điểm nóng, phức tạp; yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, phòng, chống GLTM, hàng giả, kém chất lượng./.
Lê Đức