Năm 2018, các lực lượng chức năng triệt phá nhiều đường dây vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới, từ đó kéo giảm hoạt động buôn lậu
Hoạt động buôn lậu giảm mạnh
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, năm 2018, hoạt động BL trên tuyến biên giới của tỉnh cơ bản được kiểm soát, kiềm chế và giảm mạnh so với năm 2017. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, các lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ và xử lý 1.161 trường hợp BL, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, nhập lậu, giảm 591 trường hợp. Số lượng thuốc lá (TL) ngoại bị bắt giữ trên 1,9 triệu gói, giảm hơn 715.000 gói so với năm 2017; một số mặt hàng nhập lậu khác cũng giảm so với năm 2017. Các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố 55 vụ/62 đối tượng BL, tàng trữ, kinh doanh TL ngoại nhập lậu, trong khi đó, năm 2017 không khởi tố. Ngoài ra, cơ quan công an tiến hành lập danh sách 71 đối tượng đầu nậu, 437 đối tượng tham gia vận chuyển thuê, cảnh giới, tiến hành triệt xóa 7 đường dây BL với 22 đối tượng trong 3 chuyên án đã xác lập.
Tại một số địa bàn, luồng, tuyến là điểm nóng về BL trước đây được lực lượng chức năng chốt chặn, triệt phá; đồng thời, không để phát sinh, hình thành các tụ điểm, luồng, tuyến BL mới. Theo Đại tá Phan Văn Phúc - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, năm 2018, hoạt động BL mặt hàng TL điếu nhập lậu qua địa bàn biên giới giảm trên 40% so với năm 2017. Kết quả đó thể hiện sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh, phòng, chống BL, GLTM, HG.
Theo quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Long An - Phạm Đức Chinh, hoạt động BL giảm mạnh nhưng vẫn còn diễn ra chủ yếu trên tuyến biên giới huyện Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Mặt hàng nhập lậu chính vẫn là TL điếu, đường cát, nước giải khát do nước ngoài sản xuất và mới phát sinh thêm tình trạng nhập lậu các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh.
Đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, sẵn sàng chống đối
Ông Phạm Đức Chinh cho biết, hiện nay, các đối tượng BL thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, gây khó khăn cho lực lượng chức năng và các đối tượng này rất manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
Trong đó, đối tượng hoạt động BL hiện nay mở rộng do có một số đối tượng ngoài tỉnh móc nối với các đối tượng tại địa phương để thực hiện hành vi BL. Đặc biệt, mặt hàng TL lậu được các đối tượng mang vác qua biên giới rồi sử dụng xe môtô, ôtô vận chuyển chớp nhoáng vào nội địa tiêu thụ. Thời gian hoạt động chủ yếu từ 5-7 giờ hoặc 17-20 giờ, thời điểm có nhiều phương tiện tham gia giao thông để phân tán sự chú ý của lực lượng chức năng. Trong lúc hoạt động, các đối tượng luôn cho người theo dõi lực lượng, canh đường. Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển, các đối tượng còn thường xuyên thay đổi biển kiểm soát hoặc sử dụng các biển kiểm soát giả nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Cụ thể: Vào lúc 17 giờ, ngày 2/8/2018, tại khu vực ấp 1, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, Công an huyện Đức Huệ tổ chức mật phục và bắt giữ xe ôtô mang biển kiểm soát 51G-453.16 vận chuyển trái phép 9.000 gói TL nhập lậu. Qua xác minh, chiếc xe này sử dụng biển số giả và có biển kiểm soát đăng ký là 51G-393.58.
Ngoài việc sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng, đối tượng BL rất manh động khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Vào lúc 23 giờ, ngày 13/9/2018, lực lượng quản lý thị trường phát hiện phương tiện vận chuyển hàng nhập lậu lưu thông trên địa bàn huyện Tân Hưng nên ra tín hiệu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng không chấp hành mà liều lĩnh lái xe tông vào xe của lực lượng để trốn chạy khiến phương tiện của tổ tuần tra hư hỏng nặng. Hoặc trong nhiều vụ việc khác, khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng chạy xe với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, thậm chí bỏ hàng hóa, phương tiện để chạy thoát thân.
Bên cạnh đó, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, GLTM trong lĩnh vực thuế, hải quan còn diễn ra khá phổ biến, tình hình sản xuất, kinh doanh HG, hàng kém chất lượng, nhất là trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tinh vi, gây thiệt hại cho nông dân.
Kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Trước thực trạng BL, GLTM, HG vẫn diễn biến khá phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng: “Các lực lượng tham gia đấu tranh chống BL, GLTM, HG được trang bị lực lượng chính quy, tinh nhuệ nhưng chưa phát huy hết hiệu quả, trong khi các đối tượng BL lại canh đường được lực lượng của mình. Cán bộ của mình đi đâu đối tượng cũng biết. Lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính liên quan đến xử phạt các đối tượng BL rất bất cập, chưa hiệu quả. Năm 2018, huyện Đức Huệ tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định xử phạt các đối tượng BL số tiền trên 5 tỉ đồng nhưng đến nay, các đối tượng mới chỉ đóng phạt trên 150 triệu đồng. Các đối tượng BL vẫn không chấp hành quyết định xử phạt hành chính, do đó, các ngành chức năng cần tiếp tục tham mưu để UBND tỉnh nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Đây cũng là cách để đấu tranh hiệu quả hơn trước hoạt động BL, GLTM, HG”. Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu các ngành chức năng, địa phương trên tuyến biên giới cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết đấu tranh chống BL, GLTM, HG. Trong đó, các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an trong quá trình đấu tranh cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, phối hợp các lực lượng chống BL, GLTM, HG của các địa phương lân cận như Tây Ninh, TP.HCM để tăng tính hiệu quả. Các cấp, các ngành cần tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào những người tham gia vào hoạt động BL, vận chuyển BL trên tuyến biên giới, tạo việc làm cho người dân biên giới. Đặc biệt, đối với 3 lực lượng nòng cốt: Công an, biên phòng, quản lý thị trường cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống BL, GLTM, HG.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh là không có vùng cấm trong công tác đấu tranh chống BL, GLTM, HG. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện tiêu cực, tiếp tay cho BL, sản xuất, kinh doanh HG, hàng kém chất lượng. Mặt khác, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem xét xử lý công khai trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cơ quan chức năng và cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra BL, GLTM, HG phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân mà không có biện pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả”./.
Kiên Định