Một đoạn kè đang được thi công thuộc công trình kè chống sạt lở, xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức
Còn nhiều khó khăn
Với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, tổng chiều dài trên 8.286km, trong đó, trên 800km nằm trên các sông, kênh, rạch lớn, có nền đất yếu, dòng nước chảy xiết và lượng tàu, thuyền qua lại thường xuyên. Đồng thời, tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tập quán người dân thường xây dựng nhà ở ven sông,... là những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ sạt lở nghiêm trọng thời gian qua.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 9 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 1.920m, cuốn trôi hàng ngàn mét khối đất, 7 căn nhà của người dân cùng nhiều tài sản khác; đường giao thông nông thôn bị chia cắt, ước tổng thiệt hại hàng tỉ đồng. Tình trạng sạt lở, sụt lún đất vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Xác định công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ quan trọng, ngành Nông nghiệp tỉnh luôn quan tâm, thực hiện kịp thời các chỉ đạo của cấp trên; tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác PCTT. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh hoàn thành 4 công trình, hạng mục với tổng chiều dài gần 8km, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Theo đánh giá, các công trình phát huy hiệu quả, nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, sạt lở, triều cường, góp phần chỉnh trang diện mạo địa phương, thúc đẩy KT-XH phát triển. Hiện tại, tỉnh triển khai nhiều công trình như kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến tiếp giáp vịnh Đá Hàn), TP.Tân An; kè chống sạt lở, xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức; kè chống sạt lở bờ sông, bảo vệ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức;...
Hiện một số công trình gặp khó khăn trong công tác GPMB. Đơn cử như công trình kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến tiếp giáp vịnh Đá Hàn). Công trình có tổng chiều dài 1.250m, tổng kinh phí xây dựng trên 129 tỉ đồng. Đây là 1 trong 2 công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn 100 tỉ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Công trình được khởi công từ tháng 3/2023 và dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2024.
Cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Dự án nông nghiệp tỉnh - Phan Trần Thế Hải thông tin: “Đến nay, tiến độ thi công công trình kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây ước đạt 55% so với hợp đồng, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đạt 90% khối lượng công trình. Hiện nay, công tác GPMB còn gặp một số khó khăn. Ban Quản lý Dự án nông nghiệp tỉnh đã phối hợp UBND TP.Tân An, nhà thầu vận động người dân bàn giao mặt bằng để triển khai thi công”.
Ông Võ Văn Hùng (phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Tình hình sạt lở thời gian gần đây trở thành nỗi sợ chung của người dân sống ven sông, kênh, rạch. Vì vậy, công trình kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây được triển khai xây dựng, tôi và người dân xung quanh khu vực rất mừng. Mong rằng, các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng nhìn nhận lợi ích lâu dài của công trình mà sớm bàn giao để nhà thầu thi công đúng tiến độ”.
Công trình kè chống sạt lở, xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức, có tổng chiều dài 1.950m, tổng vốn đầu tư gần 350 tỉ đồng. Công trình được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH là 200 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, hiện nay, UBND huyện Bến Lức vẫn chưa bàn giao mặt bằng sạch để triển khai thi công đúng theo cam kết của UBND huyện Bến Lức, còn vướng khoảng 20m.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Xây dựng Đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương (đơn vị thi công công trình kè chống sạt lở, xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức) - Phạm Văn Quang cho biết: “Công trình dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2024, đến thời điểm này, công trình đạt khoảng 47% khối lượng so với hợp đồng. Hiện tại, nhà thầu thi công và Ban Quản lý Dự án nông nghiệp tỉnh tích cực phối hợp UBND huyện Bến Lức vận động người dân bàn giao mặt bằng để triển khai thi công công trình”.
Ông Phạm Thành Phước (ấp 1B, xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Công trình kè chống sạt lở, xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông là mong ước nhiều năm của người dân nơi đây. Thời gian qua, vấn đề triều cường, sạt lở thường xuyên gây ảnh hưởng đến người dân. Tôi chỉ hy vọng công trình sớm được hoàn thành để người dân có thể an tâm sinh sống, không còn phải lo chuyện ngập nước, sạt lở”.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ
Vừa qua, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát tiến độ thi công công trình kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến tiếp giáp Vịnh Đá Hàn) và công trình kè chống sạt lở, xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức. Nhìn chung, các nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ, tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc trong công tác GPMB.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đơn vị thi công hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân
Qua làm việc với các đơn vị thi công để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ngoài đôn đốc các địa phương sớm bàn giao mặt bằng các đoạn còn lại, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn đề nghị đơn vị thi công bảo đảm an toàn chất lượng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân, quyết tâm đến cuối năm 2023 giải ngân hết nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền (bìa trái) và đơn vị thi công khảo sát ý kiến của người dân đang sống ven công trình kè chống sạt lở, xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức
Để chủ động trong công tác PCTT, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, trong đó lấy phòng tránh là chính.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, quan trọng nhất trong phòng, chống sạt lở là phải tôn trọng thiên nhiên. Do đó, người dân hãy chung tay bảo vệ môi trường, không phá rừng, xây dựng trái phép công trình trên các tuyến sông, kênh, rạch; chủ động di dời nhà ở ven sông, rạch có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn để bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình;...
“Thời gian tới, ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tham mưu tổ chức diễn tập PCTT và tìm kiếm cứu nạn ở những nơi xung yếu; tiếp tục xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai để không bị động hoặc bất ngờ; kiên quyết xử lý những trường hợp xây dựng mới ở các mé sông, kênh; vận động người dân sống ven sông, kênh, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn; hỗ trợ kinh phí, đầu tư trang thiết bị PCTT cho các xã để có thể xử lý kịp thời khi có thiên tai xảy ra; thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTT và Tìm kiếm cứu nạn ở các cấp;...” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết.
Những công trình phòng, chống sạt lở ven sông đang được khẩn trương thi công; các cấp, các ngành liên quan thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát và đôn đốc. Điều này cho thấy sự quyết liệt của tỉnh trong công tác PCTT nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro do biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Qua đó, góp phần bảo đảm sinh kế và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh./.
Bùi Tùng