Tiếng Việt | English

21/08/2023 - 11:22

Giải pháp công trình có phải là 'chìa khóa' trong phòng, chống sạt lở?

Dù địa phương thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp nhưng tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Long An vẫn tiếp diễn, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đe dọa đến cuộc sống của người dân.

Nhiều điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm

Tầm 2 giờ ngày 09/6/2023, “mẹ thiên nhiên” nổi giận, nhấn chìm 7 căn nhà (dạng ki-ốt) của người dân xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc xuống sông. Vụ việc xảy ra trong đêm, may mắn không có thương vong về người nhưng gây thiệt hại về tài sản của các hộ dân. Theo thống kê của chính quyền địa phương, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 1,2-1,4 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm (một trong những hộ dân có ki-ốt bị nhấn chìm dưới lòng sông) thở dài: "Mất hàng trăm triệu đồng chỉ trong một đêm. May là mọi người đều bình an, tiền mất rồi thì mình cố gắng kiếm lại".

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng lãnh đạo các ngành, địa phương kiểm tra thực tế sạt lở tại huyện Cần Giuộc

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng chiều dài các sông, kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh là trên 8.200km. Trong đó, chiều dài các sông, kênh, rạch lớn có nền đất mềm yếu và dòng nước chảy xiết có nguy cơ cao xảy ra sạt lở trên 800km. Tính từ năm 2020 đến nay, tỉnh ghi nhận có khoảng 35 điểm (khu vực) sạt lở lớn, nhỏ với tổng chiều dài trên 4,1km. Các vụ sạt lở gây thiệt hại lớn về tài sản, nhà cửa, đất đai của người dân, đường giao thông bị cuốn trôi xuống sông.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình sạt lở, sụt lún đất tại các địa phương trên địa bàn vẫn tiếp diễn, có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Tính đến đầu tháng 8/2023, toàn tỉnh ghi nhận 9 điểm sạt lở nguy hiểm (trong đó, có 4/9 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm) tại địa bàn các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Tân Trụ, Cần Đước với tổng chiều dài sạt lở gần 2km, tài sản bị thiệt hại ước tính hàng tỉ đồng.

Trong 4 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm được ghi nhận, huyện Cần Giuộc có 2 điểm. Điểm thứ nhất ghi nhận tại vị trí sạt lở nằm trên bờ sông Cần Giuộc (Đường tỉnh 826C), xã Phước Lại, cách bến đò Tân Thanh khoảng 500m, thuộc lý trình từ Km6+300-Km6+620. Chiều dài sạt lở khoảng 1,2km, trong đó, có đoạn 42m (đoạn từ nhà ông Nguyễn Thanh Nhãn và ông Nguyễn Hoàng Lâm) bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi xuống sông Cần Giuộc hoàn toàn 7 căn nhà của 2 hộ dân, độ sâu sạt lở khoảng 6m, bề rộng sạt lở 15m, nhiều khe nứt xuất hiện giữa Đường tỉnh 826C và có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 9 điểm sạt lở nguy hiểm

Điểm thứ hai ghi nhận tại vị trí rạch Bàu Le giáp sông Kênh Hàn (thuộc ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông) bị sạt lở, sụt lún với chiều dài khoảng 80m, trong đó, làm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng một đoạn đường dân sinh khoảng 20m, chiều sâu sụt lún từ 2-3m. Sạt lở lấn sâu từ bờ rạch đến sát mép hàng rào nhà dân khoảng 8m làm cắt đứt hoàn toàn tuyến đường dân sinh (bêtông rộng 1m) của 16 hộ dân sinh sống bên trong (trong khu vực có khoảng 30 hộ dân sinh sống).

“Địa phương đã tuyên truyền, cảnh báo người dân về tình hình sạt lở, khuyến cáo không sinh sống trong vùng sạt lở, nhất là vào ban đêm, vận động họ chuyển đến nơi khác sống để bảo đảm an toàn. Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở, lãnh đạo huyện có mặt tại hiện trường, thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại và chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả” - Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Trương Thanh Liêm cho biết.

Tương tự, huyện Thạnh Hóa ghi nhận 2 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại vị trí thuộc khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây, xã Thủy Đông và tại khu vực cầu Bún Bà Của (Km65+400), Quốc lộ 62 - Quốc lộ N2 thuộc ấp 2, xã Thủy Tây.

Bà Trần Thị Thủy (ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa), chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi chỉ thấy sạt lở qua các phương tiện thông tin nhưng hiện nay đã chứng kiến tận mắt tại khu vực cầu Bún Bà Của. May mắn lúc xảy ra vụ việc, lượng người tham gia giao thông ít nên không có thiệt hại về người. Địa phương triển khai nhanh chóng các biện pháp khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu. Người dân cũng bớt lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất cần có giải pháp về lâu dài để hạn chế tình trạng này".

Triển khai giải pháp công trình

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Phạm Tùng Chinh thông tin: Huyện chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra. Đồng thời, địa phương phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức khắc phục thiệt hại. Về lâu dài, địa phương mong muốn cấp trên bố trí nguồn vốn để thực hiện một số dự án cấp thiết xử lý tình trạng sạt lở. Huyện sẽ rà soát toàn bộ các điểm, khu vực có nguy cơ để đề xuất có phương án phù hợp, góp phần phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân.

Thông tin từ UBND huyện Cần Giuộc, Trung ương và địa phương rất quan tâm, triển khai xây dựng nhiều công trình phòng, chống sạt lở bờ sông Cần Giuộc. Đến nay, các công trình phát huy hiệu quả rất tốt, bảo vệ an toàn cho người dân và hạ tầng trong khu vực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng sạt lở bờ sông Cần Giuộc ngày càng mạnh, nguy hiểm nhất là bờ lõm, đoạn sông cong từ kênh Nghĩa Trang đến khu dân cư An Phước thuộc xã Phước Lại. Đoạn này dài khoảng 1,5km, nhiều vị trí trên bờ sông đã xâm thực cách Đường tỉnh 826C khá gần, hàng chục nhà dân xuất hiện vết nứt cung trượt, có nguy cơ bị sạt xuống lòng sông, buộc địa phương phải cảnh báo và yêu cầu di dời để bảo đảm tính mạng người dân.

Trước sự cấp bách, tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công trình xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc thuộc khu vực xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc (hạng mục xử lý sạt lở đoạn nhà ông Nguyễn Văn Nhãn và ông Nguyễn Hoàng Lâm). Tổng nguồn vốn trên 6,8 tỉ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Công trình góp phần bảo vệ bờ sông, chống sạt lở dưới tác động của dòng chảy và phương tiện thủy nội địa lưu thông trên sông; chủ động ứng phó với nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của các hộ dân và cải thiện diện mạo, cảnh quan cho khu vực.

Tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công trình chống sạt lở bờ sông Cần Giuộc thuộc khu vực xã Phước Lại

Đại diện đơn vị thi công công trình - Trần Văn Cường cho biết: Chúng tôi hiểu tính cấp bách của dự án nên tổ chức huy động nhân lực, thiết bị, máy móc nhanh chóng triển khai, thực hiện theo kế hoạch. Công trình đã hoàn thành hạng mục giảm tải, gia cố nền đường bị sạt lở để bảo đảm an toàn cho xe lưu thông. Thi công xong 28/28 cọc tròn ứng suất trước D400C, 36/36 tim cừ ván dự ứng lực SW500B; đóng cừ tràm gia cố nền. Sau khi thi công các hạng mục trên, tình hình sạt lở tại vị trí này cơ bản được kiểm soát, không có dấu hiệu tiếp tục sạt lở khi quan trắc tại vị trí thi công. Đơn vị chuẩn bị thi công dầm mũ, sàn giảm tải; đồng thời, bảo đảm chất lượng cũng như tiến độ thực hiện.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh tranh thủ, huy động các nguồn lực để triển khai và hoàn thành nhiều hạng mục, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh hoàn thành 4 công trình, hạng mục với tổng chiều dài gần 8km, tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng. Theo đánh giá, các công trình phát huy hiệu quả, nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai (PCTT), sạt lở, triều cường, góp phần chỉnh trang diện mạo địa phương, thúc đẩy KT-XH phát triển. Hiện tại, tỉnh triển khai nhiều công trình chống sạt lở, xâm nhập mặn và chỉnh trang đô thị như Kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến tiếp giáp vịnh Đá Hàn), TP.Tân An; Kè chống sạt lở xâm nhập mặn sông Vàm Cỏ Đông, huyện Bến Lức; Kè chống sạt lở bờ sông, bảo vệ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức;...

Bên cạnh đó, để phát huy tính chủ động, thực hiện tốt hơn công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh nguồn kinh phí thực hiện các công trình cấp bách để PCTT. Trong đó, kiến nghị xem xét tăng mức hỗ trợ thực hiện công trình PCTT theo Nghị định số 78/NĐ-CP; hỗ trợ đầu tư các dự án phòng, chống sạt lở ven sông, kênh, rạch để bảo đảm ổn định đời sống, tinh thần của người dân.

Người dân trong vùng sạt lở cần nhiều hơn những biện pháp, giải pháp thật sự có thể giải quyết nguy cơ sạt lở, trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn “loay hoay” trong việc tìm ra các phương án hữu hiệu nhất để thực hiện. Với những giải pháp công trình đã được triển khai, liệu “bài toán” về sạt lở có được giải quyết triệt để, hiệu quả, mang lại sự an tâm cho người dân hay mới chỉ dừng ở mức giải quyết các vấn đề trước mắt?

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết