Tiếng Việt | English

08/11/2023 - 09:17

Dạy thêm, học thêm - không cấm, chỉ chấn chỉnh

Những ngày qua, nhiều phụ huynh (PH), nhất là những PH có con học các lớp cuối cấp hoang mang trước thông tin cấm giáo viên (GV) dạy thêm. Nhiều người vẫn cho rằng dạy thêm, học thêm là việc xấu, thậm chí gọi đó là “vấn nạn”. Thực chất, học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh (HS).

Đối với những HS có sức học dưới trung bình, cách tốt nhất vẫn là học thêm để có thể theo kịp chương trình học ở lớp. Với những em này, tinh thần tự học không cao, nếu cứ để các em tự học, tự nghiên cứu hoặc hỏi thầy, cô, bạn bè thì chắc chắn hiệu quả rất thấp.

Chính PH cũng không thể hướng dẫn con học bởi chương trình học có nhiều kiến thức mới mà không phải PH nào cũng nắm bắt được. Còn đối với những HS giỏi, vượt trội thì chương trình học ở lớp khá “nhẹ” và các em có nhu cầu học những kiến thức nâng cao để có thể vào được các trường chuyên, trường đại học tốp đầu. Tại các lớp học thêm, GV sẽ bổ khuyết thêm phần còn thiếu hụt hoặc nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng HS để các em phấn đấu cho những mục tiêu của mình.

Thế nên, dạy thêm, học thêm không xấu mà biến tướng của việc này đã khiến xã hội có cái nhìn xấu về dạy thêm, học thêm. Đó là tình trạng một số GV mở lớp dạy thêm và có ý ép HS của mình theo học, hay đó còn là việc những HS nào học thêm sẽ được “mớm trước” đề để đạt điểm cao khi kiểm tra,... Việc dạy thêm, học thêm trở nên xấu một phần còn do cách nhìn, cách nghĩ của PH. Từ lâu, PH vẫn ngầm so sánh con mình với “con nhà người ta”.

Mỗi đầu năm học, PH thường tìm hiểu xem thầy, cô nào dạy con mình, nhất là những môn chính để hỏi xin đi học thêm vì sợ không học thì con sẽ bị “đì”. Khi thấy con bị điểm thấp, PH lại tất tả tìm chỗ cho con học thêm. Có một nỗi lo mơ hồ, không căn cứ trong đại bộ phận PH về tình trạng GV “ép”, “đì” con mình vì không học thêm nên xảy ra tình trạng chỉ một môn học nhưng phải học 2-3 nơi, một nơi theo chương trình học, một nơi “mua sự yên tâm” và một nơi học nâng cao. Chính cách nghĩ và cách làm này đã khiến xã hội có cái nhìn không tốt về dạy thêm, học thêm.

Thực tế vẫn có GV ép HS học thêm nhưng đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt, “con sâu làm rầu nồi canh”. Học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật của HS, GV vì thế không nên cấm mà tìm giải pháp để quản lý hiệu quả hoạt động này.

Để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định trên địa bàn tỉnh Long An, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt đội ngũ cán bộ, GV, người lao động và HS về hoạt động dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012; Quyết định số 2499/2019/QĐ-BGDĐT, ngày 26/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công văn số 7106/UBND-VHXH của UBND tỉnh.

Đối với việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thủ trưởng các đơn vị bố trí, sắp xếp lớp học thêm phù hợp với trình độ HS. Tổ chức dạy thêm, học thêm trên tinh thần tự nguyện của PH, HS, tuyệt đối không được o ép HS để tổ chức các lớp dạy thêm, học thêm. Tùy theo nhu cầu học tập của HS, tùy theo điều kiện thực tế của nhà trường, các đơn vị bố trí các lớp dạy thêm, học thêm hợp lý, chú ý bảo đảm sức khỏe, tâm sinh lý HS và kết thúc các lớp dạy thêm, học thêm trước 20 giờ mỗi ngày. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm đúng quy định.

Đặc biệt, thực hiện tốt công tác phối hợp chính quyền địa phương trong việc kiểm tra các nhóm/lớp tổ chức ngoài nhà trường để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các trường hợp dạy thêm trái quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về việc tổ chức dạy thêm, học thêm.

Thời gian qua, vẫn còn một số nơi tổ chức dạy thêm, học thêm chưa đúng tinh thần Thông tư số 17 (vi phạm quy định tại Điều 3, Điều 4 về Nguyên tắc dạy thêm, học thêm và Các trường hợp không được dạy thêm) tạo dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng đến tâm lý của HS và PH. Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh nhằm đưa hoạt động này trở về đúng nghĩa là bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho những HS có nhu cầu./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết