Tiếng Việt | English

13/07/2023 - 08:23

Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định

Theo phản ánh của cử tri, thời gian qua, tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định còn diễn ra nhiều trên địa bàn tỉnh. Thậm chí có trường hợp một số giáo viên (GV) tổ chức dạy thêm cho học sinh (HS) không đúng đối tượng, cá biệt có tình trạng GV ép buộc HS học thêm gây bức xúc cho phụ huynh.

Đại biểu HĐND tỉnh - Nguyễn Phước Hùng chất vấn việc dạy thêm, học thêm hiện nay đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Theo đại biểu HĐND tỉnh - Nguyễn Phước Hùng (đơn vị huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), việc tổ chức dạy thêm, học thêm diễn ra tại nhiều nơi, không đúng quy định, gây bức xúc, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Do đó, để xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần xây dựng các giải pháp căn cơ khắc phục, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm.

Thông tin đến đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Quang Thái cho rằng, việc dạy thêm, học thêm không xấu nếu chúng ta hiểu và thực hiện đúng mục đích. Bởi thực tế, ngoài những kiến thức cơ bản được trang bị ở các buổi học chính khóa, khi tham gia học thêm, HS được bổ sung thêm những kiến thức nâng cao. Việc học thêm cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế khi phụ huynh muốn con em mình có kết quả học tập tốt hơn các bạn khác cùng trang lứa. Vì vậy, sau những giờ học chính khóa, phụ huynh cho con em đến các thầy, cô giáo trong và ngoài trường để học thêm nhằm củng cố kiến thức, rèn thêm các kỹ năng, giúp phụ huynh an tâm hơn.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh cũng khẳng định việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định xảy ra ở một số nơi, một số GV tổ chức dạy thêm cho HS không đúng đối tượng, cá biệt có tình trạng GV ép buộc HS học thêm gây bức xúc. Ông cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng dạy thêm phổ biến như hiện nay do hoạt động dạy thêm, học thêm không phải là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm được quy định trước đây nay không còn hiệu lực.

Giám đốc Sở GT&ĐT - Nguyễn Quang Thái cho biết: “Với quan điểm học thêm và dạy thêm là nhu cầu có thật của HS, GV, do đó chúng ta không nên cấm mà cần tìm giải pháp để quản lý hiệu quả hoạt động này, để học thêm, dạy thêm trở về với đúng nghĩa là bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho những HS có nhu cầu. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành hay chương trình giáo dục phổ thông mới, khung chương trình học chỉ là những kiến thức cơ bản, phổ thông, để không tạo áp lực cho HS trong học tập, rất cần sự phối hợp của 3 môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình quan tâm, động viên, theo dõi việc học của con em mình. Nhà trường, thầy, cô giáo tận tâm, hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu để có thể lĩnh hội tốt những kiến thức cơ bản, cần thiết. Xã hội cần chung tay xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện. Có như thế mới nâng cao được chất lượng giáo dục và không xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định như hiện nay”.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư quy định về dạy thêm, học thêm thay thế thông tư hiện hành có nhiều điểm bất cập. Trên cơ sở đó, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm sự thống nhất và thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, Sở tiếp tục đề xuất Bộ GD&ĐT giảm tải nội dung cơ bản để GV có thể chuyển tải hết nội dung kiến thức cơ bản trên lớp cho HS; đẩy mạnh đổi mới kiểm tra, đánh giá phù hợp với năng lực HS, tránh sa vào việc kiểm tra kiến thức hàn lâm làm việc học trở nên quá tải dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm kéo dài. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét thay đổi cách đánh giá GV, không tập trung đánh giá GV bằng thành tích của HS để tránh việc tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định./.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út: Giám đốc Sở GD&ĐT phải tăng cường chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm

Chương trình, đề án cải cách giáo dục hiện nay rất phù hợp nhưng có tình trạng một môn học ở trường GV có dạy nhưng không học thêm GV đó ở nhà thì cũng khó. Trường học môn gì, về nhà phải học thêm thầy cô môn đó để khi vào thi mới bảo đảm đạt điểm cao. Có tình trạng các em học thêm còn hơn học chính thức, 1 em học phải cần 2-3 người đưa đón. Thực trạng này diễn ra tại hầu hết địa phương trong tỉnh. Đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm và Giám đốc Sở GD&ĐT phải chỉ đạo các Phòng GD&ĐT tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay.

Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND tỉnh - Trần Quốc Việt: Cần hiểu đúng về dạy thêm, học thêm

Việc dạy thêm, học thêm cần được sự đồng thuận của xã hội. Đây là một sự tồn tại khách quan, không tự mất đi và không thể cấm hoạt động. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước cần tìm ra cách quản lý phù hợp và hiệu quả. Theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, phải hướng đến phát triển năng lực HS, đưa kiến thức vào sách giáo khoa bảo đảm cơ bản vừa đủ, dạy HS cách học và học thông qua thực hành. Ngoài kiến thức phổ thông, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS. Do vậy, mục tiêu khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, HS không phải học thêm mà chính là cần thực hành thêm, trải nghiệm thêm qua các hoạt động ngoài giờ chính khóa được tổ chức ngay trong nhà trường. Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành GD&ĐT cần tham mưu tỉnh sớm ban hành chính sách đặc thù dành cho nhà giáo, nhất là chế độ dạy buổi thứ 2 đối với GV tiểu học. Có như thế, ngành GD&ĐT mới có điều kiện tăng cường tổ chức dạy bán trú, dạy 2 buổi/ngày ở các cấp học theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Tổ chức tốt được việc này theo đúng mục tiêu, định hướng của Bộ GD&ĐT thì cơ bản sẽ giải quyết được vấn nạn dạy thêm, học thêm trái phép như hiện nay.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết