Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, phụ huynh và học sinh (HS) quan tâm khi thông Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) sẽ được áp dụng từ ngày 14/02/2025. Theo đó, nhiều HS cho rằng các lớp dạy thêm sẽ bị cấm trong khi rất có nhu cầu học thêm để củng cố, nâng cao kiến thức.
Thông tư này có 2 điểm mới: Thứ nhất, không cho phép các trường tổ chức DTHT có thu phí trong nhà trường và việc dạy thêm chỉ dành cho: HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Việc dạy thêm trong nhà trường sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp tác khác, không được thu phí từ phụ huynh, HS.
Thứ hai, nghiêm cấm giáo viên (GV) đang dạy học tại các trường tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học.
Ngoài ra, không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. GV thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Những thay đổi này nhằm bảo đảm tính công bằng trong giáo dục, hạn chế tình trạng GV o ép, buộc HS phải học thêm, nhất là quy định GV đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Như vậy, hoàn toàn không có việc cấm GV tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường mà chỉ không cho phép GV đang giảng dạy tại các lớp nhận dạy thêm HS của chính mình.
Thực tế, ngoài việc học thêm tại GV trực tiếp đứng lớp, HS còn có nhiều lựa chọn khác khi chọn học tại các lớp dạy thêm của những thầy cô lớp khác, trường khác nên quy định này hoàn toàn không ảnh hưởng đến nhu cầu học thêm củng cố, nâng cao kiến thức của các em. Ngược lại còn tránh được những tiêu cực như tình trạng o ép HS, dạy trước chương trình, cho biết trước đề kiểm tra,... của một số GV.
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát tốt hơn tình trạng DTHT tràn lan, hướng đến mục tiêu bảo đảm tính công bằng trong giáo dục, giảm gánh nặng học tập cho HS và nâng cao chất lượng dạy học tại trường. Tuy nhiên, điều đặt ra là cần quản lý DTHT như thế nào cho hiệu quả bởi trước đây cũng có nhiều quy định về việc DTHT nhưng công tác quản lý, giám sát, xử phạt còn bỏ ngỏ.
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT cũng chỉ rõ trách nhiệm của UBND từ cấp tỉnh đến cấp xã, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng nhà trường, trách nhiệm của cơ sở dạy thêm cũng như công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm,... Thế nhưng, để quản lý tốt việc này, ngành GD&ĐT cần thiết lập một hệ thống giám sát toàn diện, nâng cao vai trò của các cơ quan chức năng quản lý địa phương và các tổ chức xã hội trong việc phối hợp nhà trường kịp thời phát hiện các trường hợp tổ chức DTHT sai quy định tại Thông tư; đồng thời, kết hợp cả cơ chế giám sát cộng đồng để bảo đảm tính minh bạch trong quản lý hoạt động DTHT.
Quản lý tốt việc DTHT theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT sẽ giúp giảm thiểu tình trạng chạy đua điểm số, tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, giảm áp lực cho cả HS và GV; đồng thời, tạo điều kiện cho các em có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và phát triển toàn diện thay vì phải theo nhiều lớp học thêm cùng một lúc vì sợ GV o ép. Để thực hiện thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, phụ huynh và xã hội để hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, tạo điều kiện cho HS phát triển toàn diện./.
Tâm An