Tiếng Việt | English

21/06/2017 - 12:13

Để cây chanh mãi “ngọt” trên vùng đất khó

Từ giá trị kinh tế mang lại, những năm qua, diện tích trồng chanh ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, thực trạng cây chanh phát triển nhanh ở huyện vẫn tiềm ẩn nhiều nỗi lo, nhất là đầu ra của sản phẩm chưa ổn định.


Chanh ở Đức Huệ vẫn chưa có đầu ra ổn định

Vượt quy hoạch

Những năm gần đây, cây chanh phát triển nhanh trên địa bàn huyện Đức Huệ. Theo người dân, chanh là loại cây khá dễ trồng, có thể thích nghi được cả những vùng đất trũng, nhiễm phèn. Ông Lê Văn Nam, ngụ ấp 2, xã Bình Thành cho biết: “Mấy năm trước, tôi chuyển 3ha đất lúa sang trồng chanh. Có lúc bán được với giá 20.000-30.000 đồng/kg nhưng cũng có lúc chỉ vài ngàn đồng/kg. Có năm, 1ha chanh, người trồng lời từ 200-300 triệu đồng, khi giá thấp cũng vài chục triệu đồng/ha. Ở xã, hiện có nhiều hộ chuyển sang trồng chanh”.

Hay ở xã Bình Hòa Nam, 5 năm trước, lúa vẫn là cây trồng chủ lực thì hiện nay, lúa nhường chỗ cho cây chanh. Diện tích cây chanh ở Bình Hòa Nam nhiều nhất huyện, gần 1.800ha, trong khi đó, diện tích lúa chỉ còn khoảng 1.100ha. Nhiều hộ “ăn nên làm ra” nhờ cây chanh, như hộ ông Huỳnh Văn Tài, ngụ ấp 1; ông Nguyễn Văn Sang, ngụ ấp 1; ông Nguyễn Văn Thượng, ngụ ấp 3;... Theo thống kê của UBND xã, năm 2010, Bình Hòa Nam là xã nghèo của tỉnh khi có số hộ nghèo lên đến 33%, hiện nay chỉ còn 118 hộ (chiếm 6,68%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh có đóng góp quan trọng từ cây chanh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Huệ nhiệm kỳ 2015-2020 chọn xây dựng vùng chuyên canh chanh ở xã Bình Hòa Nam và Bình Thành là 1 trong 2 chương trình đột phá. Theo quy hoạch, mục tiêu đến 2020, xã Bình Hòa Nam có 1.500ha, còn Bình Thành có 500ha chanh. Thế nhưng, hiện nay, xã Bình Hòa Nam có gần 1.800ha chanh (vượt chỉ tiêu), còn Bình Thành có gần 300ha. Và theo thống kê, toàn huyện có gần 2.800ha chanh (gần 2.400ha chanh có hạt, gần 400ha chanh không hạt), trong đó có khoảng 2.300ha cho thu hoạch. Các xã có diện tích chanh nhiều: Bình Hòa Nam (gần 1.800ha), Bình Hòa Bắc (252ha), Bình Thành (gần 300ha), Mỹ Bình (185ha), Bình Hòa Hưng (154ha).


Những năm gần đây, cây chanh phát triển nhanh trên địa bàn huyện Đức Huệ

Đầu ra vẫn chưa ổn định

So với các cây trồng khác trên địa bàn huyện thì rõ ràng, cây chanh đang mang lại giá trị kinh tế tốt hơn. Thế nên nhiều diện tích đất trồng tràm, lúa được chuyển sang trồng chanh. Diện tích chanh phát triển nhanh, vấn đề lo nhất vẫn là chưa có đầu ra bền vững. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến điệp khúc “trồng - chặt”, “được mùa - rớt giá”. Hiện nay, việc thu mua chanh ở huyện chủ yếu qua thương lái chứ chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Việc đầu ra thiếu ổn định cũng làm cho giá chanh bấp bênh.

“Thương lái ở địa phương chỉ thu mua với số lượng nhỏ. Không có đơn vị bao tiêu thì nông dân cũng dễ bị ép giá. Vấn đề đầu ra ổn định cho cây chanh trên địa bàn đang là một bài toán cần được tìm ra lời giải sớm” - Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành - Lại Thanh Phú Quý cho biết.

Tìm hiểu tại xã Bình Hòa Nam, hiện có gần 10 thương lái địa phương mở cơ sở thu mua chanh. Thế nhưng, quy mô cũng khá khiêm tốn, có nơi chỉ mua 2-3 tấn/ngày và tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Campuchia hoặc ở các chợ đầu mối.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nam - Lê Thị Kim Ngân, thời gian qua, cây chanh mang lại giá trị kinh tế cao và được xác định là cây trồng chủ lực ở xã nhưng chính quyền và người dân cũng vừa mừng, vừa lo. Lo vì thị trường tiêu thụ còn hạn chế, bấp bênh và ngày càng chịu sự cạnh tranh cao; người dân vẫn trồng mang tính tự phát.

“Chưa có đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu thu mua với số lượng lớn nên trái chanh ở địa bàn nhiều khi cũng bị chính thương lái thu mua nhỏ, lẻ ép giá; thậm chí tự họ định đoạt “cho giá” rất thấp chứ không theo giá thị trường. Còn người dân biết vậy nhưng phải bán, nếu không thì bán cho ai. Cũng vì đầu ra không ổn định, nhiều khi lệ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh” - bà Ngân chia sẻ thêm.

Ngoài ra, người trồng chanh ở địa bàn huyện cũng chưa có sự liên kết chặt chẽ mà mạnh ai nấy trồng. Đến thời điểm hiện nay, ở huyện vẫn chưa có hợp tác xã trồng chanh. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Phạm Văn Luốc cho biết: “Thời gian qua, các ngành liên quan ở tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ huyện trong việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho cây chanh; tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa địa phương và doanh nghiệp để kết nối giao thương. Thực tế cũng có đơn vị, doanh nghiệp về địa phương khảo sát, tìm hiểu mặt hàng chanh nhưng dường như họ chưa mặn mòi. Vì thế, vấn đề đầu ra cho chanh ở địa bàn huyện vẫn gặp nhiều khó khăn và mong muốn các ngành liên quan ở tỉnh có nhiều hỗ trợ giúp huyện tìm kiếm đầu ra ổn định”./.

Lê Đức

 

Chia sẻ bài viết