Tiếng Việt | English

11/05/2022 - 16:58

Đến đầu tháng 5/2022, Long An ghi nhận 34 ca tay chân miệng  

Bên cạnh sốt xuất huyết thì bệnh tay chân miệng cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tay chân miệng chưa có vắc-xin nên công tác phòng bệnh là vô cùng quan trọng.

Thường xuyên vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ để phòng bệnh tay chân miệng

Tuần lễ từ ngày 25/4 đến 01/5, toàn tỉnh ghi nhận 11 ca mắc tay chân miệng, tăng 3 ca so với tuần liền kề trước đó và giảm 123 ca so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 là 134 ca). Tính từ đầu năm đến ngày 01/5, toàn tỉnh có tổng cộng 34 ca mắc tay chân miệng, giảm 1.335 ca so với cùng kỳ (1.369 ca). Tuy số ca mắc giảm so với năm trước nhưng nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, do đó, người dân cần chú trọng phòng ngừa dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – BS CKII Huỳnh Hữu Dũng, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Thời điểm dịch được ghi nhận có số ca mắc cao là từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 11.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da với dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm, tử vong.

Khi điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không bảo đảm sẽ tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Do đó, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn là biện pháp hữu hiệu, dễ thực hiện để phòng bệnh; bảo đảm ăn chín, uống chín; thường xuyên lau dọn bề mặt tiếp xúc, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang; vệ sinh cá nhân;... Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đến cơ quan y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết