Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH San Hà
Đóng góp lớn đối với tăng trưởng kinh tế
Tổng Giám đốc Công ty (Cty) TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà là người con của quê hương Cần Giuộc. Chị vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống kinh doanh và bén duyên kinh doanh tại Long An vào năm 2008. Lúc ấy, chị thành lập Cty TNHH San Hà chuyên sản xuất, kinh doanh gia cầm tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến. Ngày nay, sản phẩm với nhãn hiệu San Hà được người tiêu dùng biết đến như một nhà cung ứng thịt gia cầm tươi sống hàng đầu TP.HCM.
Chia sẻ về nghiệp kinh doanh của mình, chị Ngọc Hà nói: “Tôi kinh doanh bằng kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống. Mô hình từ trang trại đến bàn ăn là ý tưởng, định hướng của San Hà để xây dựng và phát triển”. Bây giờ, San Hà có 4 nhà máy sản xuất tại địa bàn tỉnh Long An, Đồng Nai, TP.HCM, cung ứng ra thị trường mỗi ngày hơn 120 tấn sản phẩm. Riêng tại Long An (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức), San Hà có 2 nhà máy giết mổ gia cầm với dây chuyền thiết bị hiện đại, đáp ứng an toàn thực phẩm. Bình quân mỗi ngày, tại 2 nhà máy này đưa ra thị trường hơn 40.000 con gia cầm, tương đương 60 tấn sản phẩm. Ngoài nhà máy sản xuất, San Hà đang đầu tư trại gà chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức hơn 7,5ha. Chị Ngọc Hà phấn khởi: “Trang trại chăn nuôi đã khởi công xây dựng, khi hoàn thành, nơi này sẽ cung ứng nguồn nguyên liệu theo chuỗi sản phẩm an toàn. Các dòng sản phẩm hiện nay của San Hà đều tham gia và đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn tại Long An, TP.HCM. Đó là các sản phẩm: Gà ta, gà ta thảo mộc, gà tre, vịt trời, gà công nghiệp, sản phẩm pha lóc các loại”.
Ngoài là đơn vị chủ lực trong cung cấp gia cầm, San Hà còn mạnh dạn mở hàng loạt cửa hàng kinh doanh tiện ích. Đến nay, San Hà có 20 cửa hàng như thế, riêng tại Long An có 2 cửa hàng. Theo chị Ngọc Hà: “Tất cả cửa hàng của San Hà kinh doanh đều là sản phẩm tươi, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nhưng giá cả rất cạnh tranh. San Hà mong muốn người dân dễ dàng tiếp cận thực phẩm đạt tiêu chuẩn như các loại thực phẩm xuất khẩu. Tôi đang lên kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng tại Long An, nhất là vùng nông thôn, nơi có đông công nhân”.
Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại của công ty TNHH San Hà
Trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Long An (Agribank CN Long An) luôn bám sát chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Giám đốc Agribank CN Long An - Nguyễn Kim Thài cho biết: “Phương châm hoạt động của Agribank là bám sát mục tiêu phát triển của tỉnh, phục vụ hộ sản xuất và DN. Gần đây, Agribank tập trung cho vay xây dựng nông thôn mới và phục vụ nông nghiệp xanh, sạch, an toàn”. Đến nay, tổng nguồn vốn của Agribank CN Long An đạt trên 16.530 tỉ đồng, tăng gần 3.000 tỉ đồng so với năm 2016, trong đó, tổng dư nợ gần 16.000 tỉ đồng, tăng trên 21% so với năm đầu năm 2018.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, thời gian qua, DN thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo trong phương thức kinh doanh, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh. Các DN tiêu biểu có thể kể đến: Cty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Long An, Cty Cổ phần Kim loại màu và Nhựa Đồng Việt, Cty Cổ phần May Xuất khẩu Long An, Cty Điện lực Long An, Cty Cổ phần Thép TVP,... Nhờ sự nỗ lực của DN góp phần ổn định kinh tế và chuyển biến tích cực, đúng hướng, tốc độ tăng trưởng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,53%; 6 tháng đầu năm năm 2018 đạt 10,96%, cao nhất trong 3 năm gần đây.
Tiếp thêm động lực
Cty TNHH MTV Hòa Thành Long An (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) là 1 trong 225 DN được Bộ Công Thương bình chọn là “DN xuất khẩu uy tín” năm 2017. Giám đốc Cty TNHH MTV Hòa Thành Long An - Võ Thanh Tú cho biết: “DN tôi làm chủ ban đầu chỉ là cơ sở nhỏ, nhưng hơn 30 năm “chèo lái”, đến nay, có thể làm ra khoảng 1.000 sản phẩm: Chiếu, thảm, giỏ xách, tủ nhà bếp, đĩa đựng trái cây, sọt cắm hoa, kệ đựng rượu, salon, bàn, ghế,... Nếu như trước đây, nguyên liệu dùng làm sản phẩm khá hạn hẹp thì nay rất phong phú: Chiếu cói, lục bình, dây nhựa giả mây, vải,...”. Sản phẩm làm ra từ Hòa Thành được các nước Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản yêu thích vì hoàn toàn thân thiện môi trường, không sử dụng hóa chất. Năm 2017, giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ từ Hòa Thành đạt 3,2 triệu USD và tạo việc làm cho gần 2.000 lao động bán thời gian.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Công ty TNHH MTV Hòa Thành Long An sản xuất
Không chỉ “chèo lái” DN của mình, anh Thanh Tú còn là Chi hội trưởng Chi hội Doanh nhân trẻ huyện Bến Lức. Được thành lập vào năm 2017 chỉ với 30 hội viên, đến nay, chi hội có hơn 100 hội viên hoạt động tích cực. Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi: “Chi hội Doanh nhân trẻ thực sự là điểm tựa của DN trong huyện bởi nhiều hình thức gắn kết. Trong đó, nổi bật nhất là giữa các thành viên gắn kết, sử dụng sản phẩm của nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị trong xã hội”.
Chứng minh điều này, Giám đốc Cty TNHH SX-TM-DV Minh Nhân - Nguyễn Minh Trọng chia sẻ: “Qua các hình thức gắn kết, hiện nay sản phẩm gạch ép Teraro, gạch block,... do Cty tôi sản xuất được các Cty bạn ký kết hợp đồng cung ứng để dùng trong các công trình xây dựng nhà ở, khu dân cư trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, doanh thu ngày càng ổn định và lao động có việc làm thường xuyên”.
Theo nhiều DN, Long An hiện nay là “miền đất hứa” đối với họ, bởi các ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh một cách tích cực, đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Từ đó, DN chủ động, xác định cụ thể hướng đi, giải pháp hợp lý trong chiến lược phát triển. Điển hình như Cty Cổ phần Địa ốc Thắng Lợi đang “thổi làn gió mới” vào thị trường nhà ở tại Long An. Hầu hết các dự án mà Thắng Lợi đầu tư đều đáp ứng nhu cầu an cư, lạc nghiệp của người dân và đầu tư bất động sản sinh lợi của khách hàng. Theo đó, tại Long An, Thắng Lợi phát triển 6 dự án nhà ở với quy mô 100ha.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh: “Long An mong muốn phát triển KT-XH một cách bền vững. Trong quá trình phát triển, Long An rất trân trọng sự đóng góp của mọi nguồn lực, trong đó có lực lượng DN, doanh nhân. Để thực hiện được mục tiêu trên, Long An mong muốn “tiếp thêm động lực”, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư khi đến với Long An sẽ có những cơ hội đầu tư mới, hết sức hấp dẫn và lý tưởng. Chúng tôi cam kết luôn đồng hành cùng DN trong hành trình thực hiện dự án. Chúng tôi sẽ xem khó khăn của các DN là khó khăn của chúng tôi và thành công của DN cũng là thành công của chúng tôi”./.
Toàn tỉnh hiện có gần 11.600 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 267.778 tỉ đồng. Đến nay, tổng số dự án đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư 1.564 dự án với tổng số vốn đăng ký 181.389 tỉ đồng; tổng số dự án đầu tư nước ngoài đăng ký trên địa bàn tỉnh là 941 dự án với tổng số vốn đăng ký 5.950 triệu USD. Hiện nay, có 576 dự án đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động, chiếm 61,2% tổng số dự án đăng ký; tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 3.614 triệu USD, đạt 60,7% so với tổng vốn đăng ký. |
Thanh Tùng