Tiếng Việt | English

31/03/2018 - 16:50

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận tín dụng

Hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy nhỏ và vừa rất cần vốn đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, ngân hàng không rộng mở đối với các doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Làm gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế?

Theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra, đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp được thành lập mới. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, cả nước có gần 126.900 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1.296 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Tuy nhiên, số doanh nghiệp phá sản trong năm vừa qua cũng lên đến hàng chục nghìn.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều rủi ro trong kinh doanh vì phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo thống kê, có đến 90% doanh nghiệp khởi nghiệp không có lãi trong vòng 3 năm đầu. Hiện nay, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa, tương đương với khoảng gần 400.000 doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Đây là thực trạng đáng buồn đối với sự phát triển kinh tế nước ta.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận tín dụng. (Ảnh: kt)

Ông Nguyễn Nguyễn Duy Dũng, Thành viên Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm cho biết: “Muốn vay Ngân hàng thì phải có cái gì để thế chấp, giá trị được vay rất thấp. Vì vậy, sản lượng chỉ nhỏ lẻ, ý tưởng của doanh nghiệp thì rất nhiều, nhưng chưa chắc đã vay được vốn để mở rộng sản xuất”.

Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cho rằng, hầu hết doanh nghiệp tư nhân có quy nhỏ và vừa, rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khả năng tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế. Do tình hình sức khỏe không tốt, việc sản xuất kinh doanh bấp bênh nên cánh cửa ngân hàng không rộng mở đối với các doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, lãi suất Ngân hàng hiện nay còn cao, khiến các doanh nghiệp không dám mạnh tay vay để ở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không dám mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn nên sử dụng nguồn vốn tự có để đảm bảo an toàn.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, phải xác định rõ điểm nghẽn hiện nay là gì? Phải chăng là thiếu thông tin, hay là thiếu vốn hay là khâu quản trị, năng lực điều hành, hay là chính sách thuế, hay là vấn đề lien quan đến đổi mới sáng tạo. Từ đó, chúng ta sẽ tăng cường tính phối hợp giữa các bên có liên quan để tăng tính tiếp cận cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng như: Đẩy mạnh kết nối giữa Ngân hàng và doanh nghiệp, từ tháng 7/2017, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm. Các tổ chức tín dụng cũng chủ động tiếp cận doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp này, xem xét miễn giảm lãi suất cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các bộ, ngành, địa phương cũng thường xuyên cập nhật thông tin, hỗ trợ kịp thời khi cho các doanh nghiệp khi cần thiết.

Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn đưa ra cơ chế để chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa minh bạch thông tin. Ví dụ như thông tin từ cơ quan thuế, từ cơ quan thống kê, từ cơ quan đăng ký kinh doanh hay địa phương có thể cung cấp được những thông tin gì cho doanh nghiệp”.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các Ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các Ngân hàng cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp./.

Thành Trung/VOV.VN

Chia sẻ bài viết