Tiếng Việt | English

05/11/2019 - 20:40

Doanh nghiệp hài lòng về biện pháp cải thiện PCI

Thông qua nhiều biện pháp để cải thiện chỉ số PCI, hiện nay nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) tương đối hài lòng và đánh giá cao về môi trường đầu tư, kinh doanh mà lãnh đạo tỉnh tạo lập. Phóng viên Báo Long An ghi nhận ý kiến của nhà đầu tư, DN nhỏ và vừa bày tỏ quan điểm của họ về những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, các sở ngành trong cải thiện chỉ số PCI.

Lãnh đạo tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ doanh nghiệp vào đầu năm 2019

Lãnh đạo tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ doanh nghiệp vào đầu năm 2019

Ông Đoàn Văn Phước - Chủ cơ sở đậu rang Hữu Lộc (Đức Hòa)

Doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp khó khăn về vốn, tiếp cận các đối tác cung ứng đầu vào, phân phối sản phẩm, thuê mặt bằng, nhân sự, vận chuyển hàng hóa,... những vấn đề này làm gia tăng chi phí khá lớn, trong khi khả năng huy động nguồn vốn đầu tư rất hạn chế. Tất cả nguyên nhân này khiến chi phí bình quân trên mỗi sản phẩm của DN khởi nghiệp cao hơn những DN có thời gian hoạt động nhiều năm.

Tuy nhiên, với sản phẩm đậu phộng rang Hữu Lộc khi bắt tay vào sản xuất đều tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm nên được khách hàng ưu chuộng. Đặc biệt, thời gian qua, Sở Công Thương tổ chức nhiều chương trình để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực sản xuất có thể tham gia để tiếp cận thị trường như hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh,... Từ đó, doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối với nhiều DN khác trong việc tiêu thụ sản phẩm. Điều này giúp DN nhỏ và siêu nhỏ giảm rất nhiều chi phí gia nhập thị trường nhưng vẫn bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề. 

Tôi đánh giá khá cao các chương trình trợ giúp DN nhỏ và siêu nhỏ của tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, theo tôi, đối với hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, vẫn còn một số trường hợp, việc tổ chức các phiên chợ, hội chợ tại địa phương chưa đạt yêu cầu. Hàng hóa trưng bày của tỉnh chưa phong phú, đa dạng, việc tổ chức xây dựng gian hàng tại một số nơi chưa gây ấn tượng tốt, phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ chỉ tập trung vào giới thiệu, quảng bá mà chưa chú trọng vào việc mời khách hàng dùng thử sản phẩm, bán sản phẩm, thăm dò nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Suthichai Srihawan - Giám đốc Công ty Solvay Peroxide Vietnam (Khu công nghiệp Phúc Long)

Công ty Solvay Peroxides Vietnam trực thuộc Công ty Solvay Bỉ - một công ty đa quốc gia, kinh doanh các sản phẩm hóa chất đặc biệt và vật liệu tiên tiến, cung cấp các giải pháp xử lý nước thải, tẩy trắng, làm sạch và thanh lọc trong ngành dệt may, ngành bột giấy, giấy, bao bì, chế biến thực phẩm,... 

Nhà đầu tư, doanh nghiệp tương đối hài lòng và đánh giá cao về môi trường đầu tư tại tỉnh

Nhà đầu tư, doanh nghiệp tương đối hài lòng và đánh giá cao về môi trường đầu tư tại tỉnh

Chúng tôi chọn Long An để đầu tư vì lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi. Ngoài ra, Long An còn có chính sách ưu đãi thuế, điều này rất cần thiết trong quá trình phát triển kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, vị trí của tỉnh rất thuận lợi để tiếp cận nguyên liệu đầu vào từ cảng biển và đầu ra sản phẩm đến các nhà phân phối và khách hàng của chúng tôi.

Khi đầu tư vào Long An, chúng tôi cảm thấy chính quyền tỉnh làm việc rất chuyên nghiệp, rõ ràng và minh bạch. Các cơ quan nhà nước hỗ trợ trong đầu tư, thành lập DN, đồng thời họ bảo vệ và hỗ trợ tạo sự phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Đặc biệt, Long An tổ chức buổi họp mặt tôn vinh doanh nhân rất trang trọng, đây cũng là cơ hội gặp mặt cho cả nhà đầu tư mới lẫn nhà đầu tư hiện tại, cùng chia sẻ và phối hợp để tăng cường hợp tác phát triển với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Là DN mới đầu tư tại Long An, chúng tôi mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh hỗ trợ và kết nối chúng tôi với các nguồn lực sẵn có của địa phương như nguồn nhân lực, nguyên liệu.

Ông Nguyễn Công Hồng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland

Doanh nghiệp (DN) chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc, làm việc với các cấp chính quyền của tỉnh hơn 1 năm qua để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, góp phần vào sự phát triển của tỉnh. Chúng tôi đánh giá rất cao phương pháp làm việc và sự ủng hộ của chính quyền Long An đối với các DN. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh rất rõ ràng trong việc giới thiệu các vị trí, khu vực, dự án cho DN nghiên cứu đầu tư; thông báo cụ thể cho DN các thông tin về ranh giới, định hướng và mục tiêu quy hoạch phát triển. 

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh tổ chức kết nối các DN cùng nghiên cứu trong từng khu vực để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, kết nối giao thông, hỗ trợ phát triển giữa các dự án liên quan và mời DN tham gia góp ý vào chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển từng giai đoạn của địa phương. 

Chúng tôi cho rằng, lãnh đạo Long An rất năng động trong quản lý, điều hành, nhất là trong việc hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Khi DN gặp khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo tỉnh luôn dành thời gian trao đổi, giải quyết, xác định rõ các mục tiêu cùng hướng phát triển cho từng dự án cũng như cả khu vực, vùng phụ cận. Từ đó giúp DN có thể xác định chính xác các vấn đề về kế hoạch và quy hoạch phát triển. Những nội dung tôi vừa nêu trên đang diễn ra với Quy hoạch của vùng huyện Bến Lức. Với tầm nhìn, quy mô, chiến lược phát triển như Quy hoạch vùng Bến Lức đang trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội vàng để Long An “cất cánh” nếu Quy hoạch vùng Bến Lức có được một chiến lược và kế hoạch phát triển phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Bảnh  - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Khai thác và Quản lý Khu công nghiệp Đặng Huỳnh (chủ đầu tư Khu công nghiệp  Tân Kim mở rộng)

Khi đầu tư, các DN thường cân nhắc giữa hai lựa chọn: Gần vùng có tài nguyên hay vùng nguyên liệu hoặc gần thị trường - nơi có quy mô cầu lớn. 

Trong thực tế, hiếm có địa phương nào đạt đồng thời cả hai điều kiện này. Nếu phải lựa chọn một địa điểm “nằm giữa” hai yếu tố đó, rõ ràng, Long An có nhiều ưu thế vì là 1 trong 8 tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với sức hấp dẫn về vị trí địa lý, là cửa ngõ nối liền TP.HCM, miền Đông Nam bộ với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này giúp các nhà đầu tư tại Long An dễ dàng tiếp cận những tiện ích về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, thị trường của TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Ngoài đường bộ, Long An còn thuận lợi cả về đường thủy, cảng biển quốc tế tiếp nhận tàu 30.000DWT và tương lai từ 50.000-70.000DWT, là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam, góp phần giảm tải cụm cảng tại TP.HCM và giảm chi phí vận chuyển cho DN khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, giá thuê đất tại Long An còn phù hợp với mặt bằng chung trong khu vực, hình thức thuê đất linh động, thuận lợi trong khâu giải phóng mặt bằng,...

Đơn vị chúng tôi đánh giá về chỉ số PCI của Long An tổng điểm là 73. Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường 8 điểm; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất 8 điểm; tính minh bạch 8 điểm; chi phí thời gian 6 điểm; chi phí không chính thức 6 điểm; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh 7 điểm; cạnh tranh bình đẳng 8 điểm; dịch vụ hỗ trợ DN 8 điểm; đào tạo lao động 6 điểm; thiết chế pháp lý 8 điểm.

Chúng tôi đề xuất, để tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số PCI, thời gian tới, Long An phải đánh giá các thủ tục hành chính hiện hành: Thống nhất các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước (thuế, ban quản lý khu kinh tế,…) để tránh sự chồng chéo cho DN khi thực hiện. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, lấy người dân, DN làm trung tâm; tiếp tục duy trì các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hành chính,... cho cán bộ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ.

Ông Đặng Trung Tín - Giám đốc Hành chính - Quản trị khu công nghiệp Hòa Bình (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa)

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 với tên gọi Khu công nghiệp Long Hậu-Hòa Bình, nay là Khu công nghiệp Hòa Bình, có tổng diện tích gần 118ha. Đơn vị luôn được các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Lãnh đạo tỉnh cũng kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho đơn vị. 

Khu công nghiệp Hòa Bình về hoạt động tại Long An từ năm 2008 và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ địa phương

Khu công nghiệp Hòa Bình về hoạt động tại Long An từ năm 2008 và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ địa phương

Chỉ số PCI của tỉnh luôn đứng ở tốp đầu cả nước, đây là kết quả đáng mừng sau những nỗ lực, cố gắng. Thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong giải quyết công việc liên quan. Các dữ liệu về đất đai cũng được công khai rộng rãi giúp DN dễ dàng nắm bắt, tìm hiểu thông tin khi cần thiết. DN mong muốn, thời gian tới, Long An tiếp tục duy trì kết quả đã đạt và có thêm những giải pháp mới nhằm rút ngắn hơn nữa các hồ sơ, thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số PCI, góp phần vào sự phát triển KT-XH tỉnh nhà./.

Gia Hân - Thanh Mỹ(ghi)

Chia sẻ bài viết