Kết quả khả quan
Theo báo cáo PCI năm 2017, Long An đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 66,7 điểm; tăng 11 bậc và tăng 6,05 điểm so với năm 2016, cả 10 chỉ số thành phần đều tăng điểm. DN cho rằng, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, ngày càng năng động, thân thiện và giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của DN.
Tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, ngày càng năng động, thân thiện và giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Mai Hương
Ở chỉ số Thiết chế pháp lý, Long An có điểm số cao hơn 3 tỉnh, thành phố top 3: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp. Theo nhiều DN, các thiết chế pháp lý là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp, DN có thể khiếu nại hành vi nhũng nhiễu của công chức. Ở chỉ số gia nhập thị trường, thời gian giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư về đăng ký thành lập DN và thay đổi nội dung đăng ký DN được rút ngắn; giảm các giấy phép không cần thiết để DN chính thức hoạt động; việc ứng dụng công nghệ thông tin và niêm yết đầy đủ, công khai các TTHC tại bộ phận “một cửa” được thực hiện tốt; cán bộ bộ phận “một cửa” có trình độ chuyên môn, phục vụ nhiệt tình, thân thiện.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đánh giá, kết quả PCI năm 2017 là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Những nỗ lực này được ghi nhận qua sự hài lòng, đánh giá cao của cộng đồng DN. Từ đó, lãnh đạo các địa phương nhận rõ những điểm mạnh, điểm yếu để tiến hành cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Còn những khó khăn
Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh chia sẻ: Thời gian qua, TP.Tân An có nhiều giải pháp nâng cao Chỉ số PCI. Năm 2017, tuy tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính của thành phố đạt 98% (tăng 15% so với năm 2016) nhưng còn hồ sơ trễ hẹn, nhất là lĩnh vực đất đai. Thành phố kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện nhanh chóng giải quyết hồ sơ trên lĩnh vực đất đai, khắc phục tình trạng trễ hẹn theo quy trình được UBND tỉnh ban hành.
Các ngành, các cấp luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phát triển đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ (Đức Hòa)
Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - Võ Minh Thành thông tin: Công tác phối hợp giữa các sở, ngành với trung tâm còn hạn chế, còn tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn trên các lĩnh vực: Tài nguyên nước, đầu tư, lý lịch tư pháp. Khi trễ hẹn chưa có văn bản xin lỗi hoặc thực hiện chưa đầy đủ (hầu hết ở các huyện), còn tiếp nhận TTHC tại phòng chuyên môn mà chưa đưa vào bộ phận “một cửa”.
Ngoài ra, quá trình thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP, ngày 06/02/2017 của Chính phủ, nhiều địa phương còn gặp khó khăn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC cho người dân và DN còn vướng mắc, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng rất lớn từ biến động giá đất, nhất là những tháng đầu năm, dẫn đến việc triển khai các dự án còn khó khăn, ảnh hưởng thu hút đầu tư. Hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật được ban hành còn phức tạp, chưa chỉnh sửa kịp thời, nhất là lĩnh vực đất đai,...
Phát huy vai trò người đứng đầu
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết: Huyện Bến Lức nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nên tập trung khá nhiều khu, cụm công nghiệp. Huyện thường xuyên đối thoại DN bằng nhiều hình thức để tiếp nhận yêu cầu chính đáng của DN. Đặc biệt, lãnh đạo huyện tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị từ phòng, ban cấp huyện đến cấp xã; nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bộ phận “một cửa”.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh: Năm 2018, Long An phải quyết tâm vươn lên hạng 3 trong cả nước về chỉ số PCI. Năm 2017, chỉ số PCI của tỉnh đứng thứ 4 trong cả nước nhưng vẫn chưa thật sự bền vững. Các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần nỗ lực hành động, kịp thời hỗ trợ DN. Bởi, qua theo dõi điểm số và thứ hạng năm 2016, 2017 của 63 tỉnh, thành phố, địa phương nào quyết liệt thì điểm số, thứ hạng tăng; địa phương nào có chỉ số PCI không ổn định, không cải thiện thì điểm số từng chỉ số cũng như thứ hạng tiếp tục giảm. Các chỉ số có điểm số thấp cần có sự quan tâm, đối chiếu với thực thi nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình, có giải pháp cụ thể để khắc phục, thực hiện tốt hơn nhằm hỗ trợ DN duy trì, phát triển đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
► Chánh Thanh tra tỉnh - Phan Hữu Hạnh:
Ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt chủ trương không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra DN
quá 1 lần/năm theo Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Qua tổng hợp, có 23 đơn vị gửi dự thảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 với 2.783 DN về Thanh tra tỉnh để rà soát. Kết quả, có 408 DN trùng lắp. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị thống nhất không kiểm tra trùng lắp ở 408 DN.
► Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - Võ Minh Thành:
Cấp huyện thành lập 10/15 trung tâm Hành chính công. Hiện, có 4 trung tâm chính thức đi vào hoạt động và 4 trung tâm vận hành thử nghiệm kết nối với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong việc hướng dẫn, giám sát, đôn đốc giải quyết TTHC.
|
Mai Hương