Tiếng Việt | English

16/04/2020 - 14:39

Doanh nghiệp mong muốn được xuất khẩu gạo trở lại

Chưa đầy 2 giờ mở cửa khai báo hải quan, hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu (XK) đã báo đủ và đóng cửa. Doanh nghiệp (DN) nào nhanh chóng khai báo, được đưa hàng đi, số đông DN tỏ thái độ khá bức xúc vì hàng tồn đọng, ùn ứ ở cảng, hàng loạt chi phí phát sinh đang chờ.

Bức xúc

Hoạt động trong ngành hàng lúa gạo đã lâu, đến năm 2015, Công ty (Cty) TNHH Phước Thành II (phường Tân Khánh, TP.Tân An) bắt đầu tham gia XK gạo. Công suất nhà máy Cty bình quân có thể chế biến, sản xuất 200 tấn gạo/ngày. Nhiều năm nay, bình quân mỗi năm, Cty xuất khẩu trên 14.000 tấn gạo, nếp. Ngoài tham gia XK, Cty còn tham gia đưa gạo ra thị trường trong nước với nhiều loại, trong đó có phân phối ở các siêu thị tại TP.HCM.

Dây chuyền sản xuất gạo tại nhà máy Công ty TNHH Phước Thành II

Phó Giám đốc Cty TNHH Phước Thành II - Nguyễn Tấn Khoa cho hay, từ đầu năm đến ngày 23/3/2020 (ngày có chủ trương từ Chính phủ tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ, ngày 24/3/2020), Cty XK trên 2.000 tấn gạo các loại tại các thị trường: Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Philippin,... Khi nhận được thông tin Tổng cục Hải quan triển khai cho khai tờ khai XK gạo, Cty nhanh chóng thực hiện khai báo 5 container, tương đương 119 tấn gạo đến đối tác.

Nếu như Cty Phước Thành II khai báo thành công 119 tấn gạo trong tổng số 400.000 tấn theo chủ trương của Chính phủ thì Công ty TNHH Dương Vũ (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) không thể thông quan, XK trong đợt này. Cty Dương Vũ có thể được xem là một trong những DN thu mua, bao tiêu diện tích trồng nếp ở huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa. Cty Dương Vũ cũng là 1 trong 3 DN trên địa bàn tỉnh được phép XK sang Trung Quốc.

Theo Giám đốc Cty Dương Vũ - Nguyễn Quang Hòa, năm 2019, Cty XK gần 200.000 tấn, trong đó nếp chiếm 98%, thị trường chính là Trung Quốc. Từ đầu năm đến ngày 23/3/2020, Cty XK khoảng 50.000 tấn. Thời điểm này, Cty đang tồn kho 30.000 tấn nếp (thu mua trong vụ Đông Xuân), giá trị gần 400 tỉ đồng. Sau thông tin được phép XK 400.000 tấn gạo trong tháng 4, Cty đã chuẩn bị các thứ như in ấn bao bì, khử khuẩn, đóng bao gói, đóng container,... khoảng 13.000 tấn nếp. Phần lớn nếp được kéo về Cảng Cát Lái, phần còn lại để tại sân bãi trong khuôn viên Cty để chờ được khai báo, thông quan, giao đến khách hàng. Tuy nhiên, do không nắm bắt kịp thời thông tin, đợt này, Cty không thể xuất được lô hàng nào.

Điêu đứng

Thông tin từ Sở Công Thương, theo Quyết định của Bộ Công Thương cho xuất 400.000 tấn gạo lúc 0 giờ, ngày 11/4/2020, Tổng cục Hải quan triển khai cho khai tờ khai XK gạo từ 1 giờ đến khoảng 3 giờ sáng ngày 12/4/2020 (chủ nhật). Thông tin này không được thông tin rộng rãi trước đó, Cục Hải quan các tỉnh cũng không biết. Do tổng lượng khai đã lên đến 399.989 tấn gạo (hạn ngạch 400.000 tấn, chỉ còn 11 tấn) nên phần mềm đóng, không cho khai báo hải quan nữa.

Trong 400.000 tấn gạo vừa được khai báo, tại Long An chỉ có 7/24 DN XK gạo của tỉnh thực hiện được khoảng 8.500 tấn gạo. Số lượng gạo XK đã khai chiếm tỷ lệ thấp so với số lượng hợp đồng dự tính xuất trong tháng 4. Có nhiều DN đã đóng container tại cảng nhưng vẫn không khai báo hải quan được do không biết thời gian mở cho khai hải quan.

Hiện tại, tồn kho thực tế của các doanh nghiệp, thương nhân có kho trên địa bàn khoảng 352.322 tấn gạo

Theo ông Nguyễn Quang Hòa, hiện DN XK gạo thiệt hại khá lớn, không ít số lượng gạo, nếp bị ách lại do lệnh tạm dừng XK gạo, trong khi hầu hết các hợp đồng đã ký trước đó và thời gian giao vào tháng 4 đến tháng 6. DN đã chấp nhận thiệt hại lớn để các bộ, ngành rà soát lại theo chỉ đạo của Chính phủ trước khi cho xuất trở lại. Tuy nhiên, số lượng XK gạo cho phép ở mức 400.000 tấn trong tháng 4 là khá thấp so với số lượng gạo mà DN đã ký hợp đồng với đối tác trước đó.

Đơn cử như DN ông làm chủ, đơn hàng đã ký hợp đồng với đối tác nhưng không thể giao hàng vì ách lại do lệnh tạm dừng XK gạo, nay thêm không thể thực hiện tờ khai khiến Cty điêu đứng. Không XK được, ông sẽ đối mặt với việc đền hợp đồng, mất khách hàng. Đi kèm đó là chi phí phát sinh trong việc đóng container, kéo về cảng và giảm chất lượng hàng hóa. Ông Hòa cũng nói thêm, việc không được XK gạo, trong đó có nếp là điều khó khăn cho DN, nhất là DN chuyên doanh về nếp như ông. Bởi, nếp không phải là mặt hàng an ninh lương thực và người tiêu dùng trong nước ít dùng nếp. Nếp được XK sang Trung Quốc để dùng làm nguyên liệu chế biến các loại bánh.

Theo ông Nguyễn Tấn Khoa, đối tác của Cty hầu hết là chuỗi nhà hàng, quán ăn tại nước ngoài nên lượng gạo giữa 2 bên thực hiện hợp đồng cứ 3 tháng/lần. Mỗi một chuỗi nhà hàng mua số lượng không nhiều, vì vậy khi thực hiện thông quan phải có nhiều tờ khai, mất thời gian. Vì vậy, Cty vừa thực hiện được vài tờ khai thì nhận được thông báo đủ số lượng gạo được phép xuất là 400.000 tấn. Không XK gạo được, những hợp đồng với khách hàng hiện Cty không thể giao. Ngoài ra, lượng gạo tồn kho lên đến 7.500 tấn khiến Cty gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính. Bởi, vụ Đông Xuân vừa qua, Cty triển khai mua lúa và ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài khoảng 4.000-5.000 tấn, kéo dài giao hàng đến tháng 6 năm nay.

Ngoài lượng gạo đang tồn kho, trước thông tin trong tháng 4 Chính phủ cho phép xuất 400.000 tấn gạo, Cty đã kéo 45 container tương đương 1.037 tấn đến Cảng Cát Lái để chờ thông quan, đưa gạo đến khách hàng nhưng nay không thể xuất được. Điều lo lắng của Cty hiện nay là gạo để tại cảng với thời tiết nắng nóng sẽ giảm chất lượng. Ngoài ra, Cty còn phải trả chi phí lưu kho 15USD/ngày/container.

Nông dân sẽ gặp khó khăn

Ông Nguyễn Văn Bé Tám - Trưởng ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, cho biết, nhận được thông tin gạo, kể cả nếp tạm dừng XK, nông dân ai cũng đều buồn. Ấp Cầu Lớn có khoảng 300ha đất chuyên canh cây nếp và sản xuất chủ yếu dành cho XK. Bình quân các năm qua, nông dân trồng nếp có lãi từ 25-30 triệu đồng/ha/vụ. Mong rằng, việc XK gạo, nếp được tiếp tục để nông dân nhẹ nỗi lo không bán được sản phẩm, bảo đảm vừa chống dịch bệnh Covid-19 nhưng sản xuất không bị trì trệ.

Còn theo ông Nguyễn Quang Hòa, lệnh tạm dừng XK gạo quá đột ngột, trong khi đó, vụ Đông Xuân vừa qua, hầu hết DN đều dồn lực để thu mua. Bởi, vụ mùa này, chất lượng lúa, nếp rất tốt. Nếu không tiếp tục XK được, khoảng 400 lao động làm việc cho Cty có nguy cơ mất việc. Bên cạnh đó, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong vụ Hè Thu tới.

Hiện tại, hầu hết DN XK gạo đều mong chờ các bộ, ngành họp bàn và có quyết định mở thêm hạn ngạch XK gạo. Hiện các hợp đồng đã ký kết mà chưa giao hàng từ nay đến cuối năm 2020 của DN XK gạo trên địa bàn tỉnh khoảng 204.570 tấn, trong đó thị trường Trung Quốc 44.303 tấn, chủ yếu là nếp.

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho rằng, rất chia sẻ trước những khó khăn của DN. Các khó khăn của DN, Sở đã liên tục phản ánh về Bộ Công Thương để kịp thời nắm bắt, trao đổi với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nhằm đề xuất giải pháp tốt hơn trong triển khai XK gạo, nhất là trong tháng 5 khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Thời điểm này, DN cần tiếp tục theo dõi hạn ngạch XK gạo trong tháng 4, vì trong trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng dồn trở lại số lượng được phép XK trong tháng 4./.

1. Tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2020 đến ngày 31/3 ước đạt 280.841ha, đạt gần 57% kế hoạch năm. Diện tích thu hoạch 228.272ha, sản lượng gần 1,5 triệu tấn. Hiện tại, tồn kho thực tế của các doanh nghiệp, thương nhân có kho trên địa bàn tỉnh khoảng 352.322 tấn gạo.

2. Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, tỉnh An Giang vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho cơ chế xuất khẩu lại loại nếp mã số HS 1006.30 không giới hạn số lượng, nhằm giải quyết lượng tồn trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp tục thu mua nếp trong nông dân với giá thu mua tốt hơn, bảo đảm mục tiêu duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Bởi, mặt hàng này trong nước sản xuất nhiều, chủ yếu dành cho xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước rất ít.

Long An có diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30-32% diện tích trồng lúa của tỉnh. Vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích trồng nếp khoảng 65.000ha. Tồn kho nếp của doanh nghiệp hiện gần 56.000 tấn.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích