Tiếng Việt | English

17/08/2015 - 09:14

Doanh nghiệp Việt: kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Nhiều doanh nghiệp Việt bội thu lợi nhuận, trong khi không ít công ty bê bết trong nợ nần, thua lỗ...

Tình hình kinh doanh của nhiều công ty thuộc nhóm ngành chứng khoán, chăn nuôi cho thấy bức tranh sáng màu do lợi nhuận và doanh thu tăng vọt. Trong khi gam màu tối được thấy rõ trong một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và vận tải.

Nhiều doanh nghiệp công bố lãi "khủng"

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2015 và 6 tháng đầu năm với kết quả kinh doanh khá khả quan. SSI báo lãi hơn 449 tỷ đồng trong quý II nhờ hoàn nhập dự phòng chứng khoán hơn 231,9 tỷ đồng, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trụ sở của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SSI đạt doanh thu 761,6 tỷ đồng, thu lợi nhuận trước thuế 679,6 tỷ đồng, tăng 13,9%.

CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng "nể" trong quý II. Cụ thể, doanh thu bán hàng quý II đạt 10193,16 tỷ đồng, tăng 79,54% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ ô tô tăng mạnh.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, THACO thu về 17.872,7 tỷ đồng doanh thu và 3.203,31 tỷ đồng lãi ròng. So với kế hoạch 24.308 tỷ đồng doanh thu và 3.268 tỷ đồng lợi nhuận, ô tô Trường Hải đã hoàn thành tới 98% kế hoạch đề ra.

CTCP Dabaco Việt Nam (DBC) vừa công bố doanh thu thuần đạt hơn 1.499 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng 23%, đạt gần 1.333 tỷ đồng, điều này giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng mạnh 43%, đạt mức 166,5 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, DBC đã hoàn thành 50,64% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tập đoàn Vingroup (VIC) ghi nhận mức doanh thu thuần hợp nhất đạt 6.031 tỷ đồng, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh đạt 2.132 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 572 tỷ đồng trong quý II.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần hợp nhất đạt 12.426 tỷ đồng, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh đạt 4.375 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.264 tỷ đồng.

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) công bố báo cáo tài chính quý 2/2015 với lãi ròng tăng 3% lên hơn 61 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của PNJ đạt 227 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ, tương đương khoảng 60% kế hoạch năm.

Doanh thuần quý II của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đạt 1.985,66 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp quan trọng vào kết quả đột biến này của HAGL phải kể đến đến doanh thu từ việc bán bò (766 tỷ đồng), chiếm 39% tổng doanh thu công ty và doanh thu từ hoạt động xây dựng (438 tỷ đồng).

Ngành chăn nuôi đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho HAGL.

Ngoài ra, các mảng khác như Bắp, hàng hóa, cao su, dịch vụ, căn hộ cũng có mức tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, HAGL ghi nhận doanh thu 3.035 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 825 tỷ đồng, tăng tưởng lần lượt 87% và 30% so với cùng kỳ 2014.

Không ít doanh nghiệp bê bết trong thua lỗ, nợ nần

Lột xác với tốc độ tăng vốn chóng mặt không lâu, nhiều ngân hàng chìm đắm trong nợ nần, không thoát khỏi kết cục bị sáp nhập, hợp nhất, mua với giá 0 đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, có tới 3 ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng để thoát cảnh phá sản, bao gồm OceanBank, VNCB và GP Bank.

Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) vừa được mua lại với giá 0 đồng.

Rủi ro cũng đeo bám CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) khi doanh nghiệp này vừa công bố lỗ hơn 83 tỷ đồng trong quý II. Doanh thu thuần hợp nhất của VOS đạt 410 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, VOS lỗ gần 188 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 87 tỷ đồng).

CTCP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long (VLF) cũng ghi nhận doanh thu thuần quý II là 70,3 tỷ đồng, lỗ ròng 61 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp VLF thua lỗ. 6 tháng đầu năm, VLF lỗ ròng 72 tỷ đồng. Theo giải trình của Ban lãnh đạo VLF, nguyên nhân chính là do tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, giá bán cũng liên tục sụt giảm.

Trước đó, một số DN đã ghi nhận lỗ liên tiếp trong nhiều quý như CTCP Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (SQC) khi lỗ ròng 31,6 tỷ đồng trong quý II và lỗ 35,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đây là quý thứ 8 liên tiếp SQC báo lỗ, hay như CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) lỗ gần 4 tỷ đồng trong quý II/2015 và lỗ 5,2 tỷ trong 6 tháng đầu năm nay.

Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt công cộng vừa cầu cứu lãnh đạo tỉnh “cứu” bằng cách tạo điều kiện ngừng bán đấu giá hàng chục phương tiện, kéo dài thời gian trả nợ…

Theo Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh của cả nước là 5.456 doanh nghiệp. Trong đó, ngành thông tin và truyền thông có số doanh nghiệp “ra đi” nhiều nhất. Phần lớn các doanh nghiệp giải thể có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng./.

Trần Ngọc/VOV.VN
Tổng hợp

 

Chia sẻ bài viết