Tiếng Việt | English

11/08/2015 - 14:20

Khoảng 32% doanh nghiệp phải chi phí “lót tay” cho cán bộ thuế

Theo khảo sát của VCCI, số doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức nhiều nhất, tiếp đến là doanh nghiệp dân doanh.

Sáng nay (11/8), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014.

Theo báo cáo này, trung bình có 49% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ gặp phiền hà về thủ tục hành chính thuế; khối doanh nghiệp FDI có tỷ lệ gặp phiền hà nhiều hơn cả, tới 57%; đáng chú ý nữa là doanh nghiệp dân doanh thường gặp phiền hà (49%) nhiều hơn so với doanh nghiệp nhà nước (46%), và doanh nghiệp dân doanh cũng phải bỏ “phí bôi trơn” nhiều hơn trong quá trình làm các thủ tục về thuế.

Doanh nghiệp vẫn phải chi phí "lót tay" cho cán bộ thuế (Ảnh minh họa:KT)

Doanh nghiệp có doanh thu càng lớn thì khả năng bị thanh tra thuế càng cao

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, có 2 nhóm thủ tục khiến doanh nghiệp gặp phiền hà nhiều nhất là đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế (32%) và khai thuế (28%). Đa số các doanh nghiệp cho rằng, phiền hà lớn nhất mà họp gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi (trên 70%). Loại phiền hà thứ hai là cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều thông tin, giấy tờ không cần thiết (đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh). Bên cạnh đó, phần lớn DN FDI mất thời gian nhất khi làm thủ tục miễn giảm thuế hoặc hoàn thuế.

Một điểm rất đáng chú ý nữa trong báo cáo này là vấn đề thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại liên quan đến thủ tục hành chính thuế cũng cho nhiều chỉ số đáng buồn. Đó là trung bình 52% doanh nghiệp phải tiếp đón đoàn thanh tra thuế trong năm 2014. Đặc biệt, “các doanh nghiệp có quy mô doanh thu càng lớn thì khả năng bị thanh tra, kiểm tra thuế càng cao”- ông Tuấn nhấn mạnh. Bởi nếu 37% doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng bị tranh tra, kiểm tra, thì tỷ lệ này lên tới 62% ở doanh nghiệp doanh thu trên 50 tỷ đồng...

Song, đánh giá về công tác này, các doanh nghiệp đánh giá về cơ bản là tích cực. Có tới 90% doanh nghiệp cho biết thời gian thanh, kiểm tra đúng với thời gian trong quyết định, thanh kiểm tra. 80% doanh nghiệp cho biết thái độ của cán bộ thuế đúng mực, và 87% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra cho biết luôn được giải trình về các vấn đề còn chưa rõ.

Bên cạnh đó, có 26% doanh nghiệp nhận thấy nội dung thanh, kiểm tra còn trùng lắp; 26% doanh nghiệp phải chi trả các khoản chi phí không chính thức trong các lần thanh, kiểm tra thuế. Và có 32% doanh nghiệp từng bị thanh, kiểm tra cho biết cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh, kiểm tra có xu hướng diễn ra bất lợi cho doanh nghiệp.

Chỉ 13% doanh nghiệp đã từng phát sinh khiếu nại đối với hoạt động của cơ quan thuế. Phần lớn các doanh nghiệp chưa từng khiếu nại với cơ quan thuế vì họ không phát sinh vấn đề khiếu nại (63%). Tuy nhiên, có 32% doanh nghiệp không khiếu nại vì lo ngại về những rủi ro trong quan hệ sau này và 31% ngại tốn kém.

Không “bôi trơn” sẽ bị phân biệt đối xử

Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc điều tra doanh nghiệp để có được câu trả lời về chi phí không chính thức của họ liên quan đến thủ tục hành chính thuế là rất khó khăn. Để có kết quả chính xác hơn, khách quan hơn thì cần có những khảo sát sâu hơn nữa.

Kết quả khảo sát này cho thấy, trong khi chỉ khoảng 19% doanh nghiệp nhà nước cho biết chi trả không chính thức trong khi có tới 33% doanh nghiệp dân doanh phải chi trả khoản này trong khi có tới 41% doanh nghiệp FDI cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho công chức thuế. 

Về thái độ, tác phong của công chức thuế, có 53% doanh nghiệp đồng ý công chức thuế có thái độ giao tiếp lịch sự, đúng mức và tôn trọng doanh nghiệp. Nhưng chi phí không chính thức vẫn ám ảnh cộng đồng này, khi trung bình có 32% doanh nghiệp cho biết họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế.

Trung bình có tới 40% doanh nghiệp tin rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí không chính thức. Tỷ lệ lo ngại cao nhất ở doanh nghiệp FDI lên tới 48%, tiếp đến là doanh nghiệp dân doanh 42%. Riêng doanh nghiệp nhà nước chỉ 29% cho biết họ có thể bị phân biệt đối xử trong trường hợp này. Trong số doanh nghiệp cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không chi, 50% cho biết sẽ bị bổ sung, giải trình hồ sơ; 37% lo ngại bị kéo dài thời gian làm thủ tục và khoảng 15% cho biết công chức thuế sẽ có thái độ không văn minh lịch sự khi tiếp xúc.

Về kết quả khảo sát này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá: "doanh nghiệp rất công tâm”./.

Xuân Thân/VOV.VN

Chia sẻ bài viết