Tiến trình đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) đang bước vào giai đoạn cuối chuẩn bị cho việc ký kết. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ dường như chưa quan tâm đến TPP, kể cả những doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực có nhiều lợi thế khi vào TPP là dệt may.
Thưc hiện đi tắt, đón đầu để hội nhập kinh tế quốc tế một cách thuận lợi, cách đây 3 năm, Hội Dệt may thêu đan TP HCM đã tổ chức không ít cuộc trao đổi, thảo luận để các hội viên tiếp cận về TPP. Bởi dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP được ký kết.
Ông Phạm Xhf uân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP HCM cho biết, để chuẩn bị cho các Hiệp định mới như TPP, FTA, Hội dệt may thêu đan TP HCM khuyến khích các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, liên kết với nhau, chuẩn bị những điều kiện như nguyên phụ liệu để làm tốt FOB và chuẩn bị tốt cho các hiệp định khác sắp tới.
Tham gia Hiệp định TPP, các doanh nghiệp may cần phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. (Ảnh: Internet)
Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM đã cùng với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố cũng đã liên tục tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo, bàn về TPP. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp Hội doanh nghiệp thành phố, cứ 10 doanh nghiệp chỉ có khoảng 5 doanh nghiệp biết về TPP. Với khoảng 200.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP HCM, nhưng chỉ có khoảng một nửa số doanh nghiệp biết đến TPP thì quả là điều đáng lo ngại.
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM cho biết, doanh nghiệp rất thiếu thông tin về TPP. Sự chuẩn bị cho TPP của các doanh nghiệp vẫn còn rất sơ sài, thậm chí có người không hiểu TPP là gì. Trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và mời doanh nghiệp đến nghe miễn phí, tuy nhiên vẫn không có nhiều các doanh nghiệp tham gia.
Lý giải cho việc thiếu quan tâm đến TPP, nhiều doanh nghiệp cho rằng: Tình hình kinh tế khó khăn, họ đang phải gồng mình để lo cho sự tồn tại của doanh nghiệp, ít có thời gian để quan tâm, tìm hiểu kỹ về TPP. Họ còn có chung tâm lý là tới đâu hay tới đó. TPP còn rất xa vời và không ảnh hưởng nhiều đến ngành nghề của doanh nghiệp đang hoạt động.
Ông Lý Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Kỹ thuật Nguyệt Nhân thừa nhận: “Doanh nghiệp có quan tâm đến TPP nhưng chưa thấu đáo, mặc dù biết rằng nếu hiểu được về TPP thì chắc chắn mỗi doanh nghiệp sẽ có khả năng hưởng lợi từ hiệp định này”.
Việt Nam đang có thế mạnh về dệt may và có nhiều lợi thế hơn hẳn các nước châu Á về tay nghề và kinh nghiệm. Vì vậy, khi hội nhập TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành này.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại mà theo Tập đoàn dệt may Việt Nam là trong tổng số 2.000 doanh nghiệp dệt may của cả nước thì số doanh nghiệp chuẩn bị cho TPP chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn những đơn vị quan tâm đến TPP là các tập đoàn lớn, vì chỉ có những tập đoàn mới có đủ điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị tốt cho hội nhập TPP, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ thì thật sự hết sức khó khăn.
Để hội nhập tốt TPP, những yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam là phải chuẩn bị về nguồn nhân lực, nguồn thiết bị công nghệ mới và đảm bảo về vấn đề sở hữu trí tuệ.
Riêng với ngành dệt may, muốn thắng lợi khi vào TPP thì phải chủ động về nguồn nguyên phụ liệu có xuất xứ từ Việt Nam. Nhà sản xuất phải tự thiết kế mẫu, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu, sản xuất ra sản phẩm của mình và bán thẳng sản phẩm cho những người mua hàng (buyer) tại các triển lãm chào hàng quốc tế, có như vậy mới thắng lớn.
Trong khi đó lâu nay, ngành dệt may Việt Nam chủ yếu làm hàng gia công, chưa tự chủ động sản xuất, khâu thiết kế còn hạn chế, nguồn nguyên phụ liệu sản xuất từ trong nước lại là khâu yếu nhất chưa thể giải quyết được.
Đơn cử, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ tới 6,8 tỷ mét vải, nhưng nguồn cung cấp tại Việt Nam chỉ có 800 triệu mét vải. Vì vậy, 6 tỷ mét vải còn lại doanh nghiệp trong nước buộc phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và mua trôi nổi trên thị trường.
Còn về dệt nhuộm, một doanh nghiệp tại TP HCM chia sẻ: Muốn đầu tư một nhà máy nhuộm phải có diện tích đất 10ha, ngoài ra còn phải mất hàng tỷ đồng để nhập trang thiết bị, máy móc. Thế nhưng, điều này lại nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm đầu tư của nhà nước trong việc quy hoạch, phát triền vùng nguyên liệu và đầu tư cho dệt, nhuộm phục vụ ngành dệt may trong hội nhập.
Được hỏi về TPP, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 2 cho biết, theo thông tin cập nhật mới nhất, 3 – 4 năm đầu tham gia TPP, sản phẩm vào thị trường Mỹ vẫn được hưởng thuế suất 0%, nguồn nguyên liệu cũng được nhập từ nước ngoài vào.
Tuy nhiên ông Toàn cũng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp dệt may đang gặp phải khi hội nhập TPP: “Sau thời gian 3 – 4 năm đâu, các doanh nghiệp phải thực hiện chính sách Yarn Forward tức là nguyên tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Điều này đòi hỏi công nghiệp dệt trong nước phải phát triển đủ mạnh. Đối với lĩnh vực may, ngay từ bây giờ phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Vì may mà không có vải thì không thể thực hiện Yarn Forward được”.
Tại Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Hội đồng thành viên Ủy ban Thương mại Khẩn cấp Hoa Kỳ (ECAT) diễn ra tại Mỹ ngày 15/7 vừa qua, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã khẳng định: Cùng với các cơ hội, lợi ích, TPP mang đến không ít thách thức cho Việt Nam, rõ nhất là nguy cơ doanh nghiệp trong nước không đủ sức cạnh tranh, không tận dụng được cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, thậm chí có thể sẽ phải thua thiệt thị phần ngay trên "sân nhà", ảnh hưởng công ăn việc làm của người lao động.
Nguy cơ đã được chỉ rõ, thế nhưng ở trong nước, công tác thông tin tuyên truyền và nhất là khâu chuẩn bị hội nhập TPP cho doanh nghiệp dường như mới bắt đầu. Các doanh nghiệp - lực lượng chính trực tiếp tham gia thực hiện các quy định của TPP thất sự chưa quan tâm, hoặc là thờ ơ đón nhận, còn số ít doanh nghiệp thì tự mình lên kế hoạch chuẩn bị tham gia. Vì vậy, để hội nhập tốt kinh tế quốc tế, đã đến lúc rất cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị chính sách phù hợp để thực hiện chứ không thể để doanh nghiệp tự bơi./.
Cao Thoa/VOV - TP HCM