Tiếng Việt | English

05/12/2023 - 10:32

Độc đáo nghệ thuật vẽ thư pháp trên lu đất

Những năm gần đây, nghệ thuật thư pháp chữ Việt ngày càng phổ biến và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Từ đôi bàn tay khéo léo, anh Đỗ Tân Thạnh Đạt (khu phố 3, thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An) và anh Đặng Mai Thanh Tuấn (ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) đã “hô biến” những chiếc lu đất trở thành tác phẩm nghệ thuật sống động.

Anh Đỗ Tân Thạnh Đạt tỉ mỉ viết chữ thư pháp trên lu

Anh Đỗ Tân Thạnh Đạt tỉ mỉ viết chữ thư pháp trên lu

Theo chia sẻ của 2 anh, những chiếc lu được sử dụng để vẽ kết hợp viết chữ thư pháp có thể là lu đã qua sử dụng hoặc lu mới. Viết thư pháp thường ứng dụng trên những chất liệu phổ biến như giấy, vải, gỗ, đá, trái cây, tranh tre, khảm trai và cả trên gốm sứ,... Tuy nhiên, vẽ và viết chữ thư pháp trên lu là thủ pháp nghệ thuật khá lạ với mục đích “khoác áo mới” cho những chiếc lu đã qua sử dụng, tạo nên nét độc đáo.

Anh Đạt chia sẻ: “Vẽ và viết chữ thư pháp trên lu khó hơn trên những chất liệu khác vì lu không bằng phẳng, kích thước lại lớn. Hơn nữa, một số lu bằng gốm có độ thấm hút rất cao nên khi còn ướt, viết thư pháp lên, chữ sẽ bị lem, còn nếu khô quá thì rất hút màu,...”.

Còn anh Tuấn cho biết: “Để hoàn thành tác phẩm vẽ thư pháp trên lu, đầu tiên, chúng tôi sơn nhũ đồng trên lu, lên ý tưởng, vẽ phác thảo những họa tiết khó, sau đó vẽ trước rồi viết. Bước khó nhất theo tôi là lên ý tưởng phù hợp giữa nội dung thư pháp và tranh thực hiện trên lu”.

Bên cạnh lên ý tưởng, pha màu được xem là công đoạn khá quan trọng trong quá trình thực hiện tác phẩm. Theo những người làm nghề, khi thực hiện các họa tiết vẽ cần pha màu đặc, còn khi viết chữ nên pha màu loãng hơn. Màu được sử dụng thường là màu acrylic. Được biết, đối với những tác phẩm đơn giản, người làm tốn khoảng 15 phút, tác phẩm phức tạp từ 30-40 phút. Tùy theo độ khó của các họa tiết mà mỗi tác phẩm có giá bán dao động từ 100.000-300.000 đồng.

Hiện cả 2 anh vẽ, viết chữ thư pháp trên lu theo yêu cầu khách hàng. Những chiếc lu sau khi được thay “áo mới” thường dùng để trồng cây xanh, hoa,... trang trí trong các quán hoặc gia đình, tùy theo nhu cầu sử dụng.

Là giáo viên dạy Mỹ thuật, ngoài hội họa, anh Đạt và anh Tuấn còn có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật thư pháp. Các anh dành thời gian học hỏi, trau dồi kỹ năng. Không chỉ vẽ, viết chữ thư pháp trên lu, vào dịp Tết Nguyên đán, 2 anh còn khắc chữ trên dưa hấu, dừa, tranh tường,... Công việc “tay trái” này không chỉ giúp 2 anh thỏa niềm đam mê mà còn giúp mỗi người kiếm thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết