Tiếng Việt | English

13/06/2016 - 15:55

Donald Trump đòi Obama phải từ chức sau vụ xả súng ở Orlando

Ông Donald Trump ngày 12/6 đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Obama “phải đề cập đến cụm từ khủng bố Hồi giáo cực đoan” đối với vụ xả súng ở Orlando.

Thậm chí, ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa này còn lên tiếng cho rằng, Tổng thống Mỹ “phải từ chức ngay lập tức”.

Tổng thống Obama đang vấp phải nhiều chỉ trích sau vụ xả súng ở Orlando. Ảnh AP
Không đề cập đến “khủng bố Hồi giáo cực đoan”

Trong khi đó, theo Yahoo, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không dùng cụm từ này trong bài phát biểu của mình liên quan đến vụ xả súng ở Orlando khiến hơn 50 người thiệt mạng.

Thay vì thế, Tổng thống Mỹ gọi vụ thảm sát này là “hành động khủng bố và hành động của hận thù”, tuy nhiên, ông Obama cũng cho biết: “Giới chức Mỹ vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về động cơ của kẻ sát nhân”.

“Tôi yêu cầu giới chức Mỹ phải nỗ lực hết mình để xác định xem điều gì đã thôi thúc tên sát nhân thực hiện vụ này hoặc liệu hắn có liên quan đến một tổ chức khủng bố nào hay không”, ông Obama tuyên bố chiều 12/6.

Đáp lại, tỷ phú Mỹ đã đưa ra yêu cầu rằng Tổng thống Mỹ Obama nên từ chức sau vụ xả súng tại Orlando: “Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ đã từ chối nhắc đến cụm từ Hồi giáo quá khích.

Chỉ nội điều này cũng khiến ông ấy phải từ chức. Nếu bà Hillary Clinton [ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ-ND] sau vụ này cũng không thể nhắc đến cụm từ “Hồi giáo quá khích” thì bà ấy cũng lên từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng”.

Trong khi có nhiều thông tin cho rằng, nghi can tiến hành vụ xả súng đã thề trung thành với IS, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama mới chỉ dừng ở việc cho biết, giới chức Mỹ đang điều tra xem có nhóm khủng bố nào lên kế hoạch hoặc chỉ đạo vụ tấn công này. Thậm chí, ông Obama còn không nhắc dích danh tổ chức khủng bố IS trong phát biểu của mình.

Những người chỉ trích Tổng thống Obama khác, chủ yếu là ở Đảng Cộng hòa và có một vài người ở Đảng Dân chủ đã cho rằng, việc ông Obama từ chối đề cập đến cụm từ “khủng bố Hồi giáo cực đoan”- mà họ cho là khởi nguồn cho vụ thảm sát tại Orlando cho thấy một phần “sự ngờ nghệch về chính trị” của ông và điều này có thể ngáng trở nỗ lực trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố Hồi giáo hiện nay.

Lợi thế để ông Trump tiến bước

Trước đó, sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Brussels hồi tháng 3/2016, ông Trump đã nhắc lại giọng điệu chống chủ nghĩa khủng bố mạnh mẽ của mình- bao gồm cả việc cấm người Hồi giáo đặt chân đến Mỹ và khẳng định “đó là lý do tại sao tôi dẫn đầu trong các cuộc thăm dò liên quan đến cuộc đua vào Nhà Trắng”.

Ông Trump không phải không có lý, hồi tháng 2/2016, một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành cho thấy, 65% cử tri Đảng Cộng hòa và cử tri trung lập thiên về bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa muốn Tổng thống tiếp theo “phải nói thẳng và thậm chí phải chỉ trích trực tiếp Đạo Hồi”.

Đối với những cử tri Đảng Dân chủ và cử tri độc lập thiên về ủng hộ cho Đảng này, con số này chỉ dừng ở mức 22%. Ứng viên mặc định của Đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng có phản ứng hoàn toàn giống như ông Obama trong vụ xả súng ở Orlando. Bà coi đây là hành động khủng bố nhưng cũng không đề cập đến mối liên hệ trực tiếp với IS.

Dù vậy, trong tuyên bố của mình, bà cựu Ngoại trưởng nhấn mạnh, việc “giữ cho nước Mỹ an toàn đồng nghĩa với việc đánh bại các nhóm khủng bố quốc tế, hợp tác với các đồng minh và đối tác để truy lùng chúng, ngăn chở chúng tuyển mộ người và tăng cường an ninh trong nước”.

Tuy nhiên, đây không chỉ là những tranh cãi về từ ngữ vô nghĩa. Hồi năm 2015, Tổng thống Obama đã công khai yêu cầu Quốc hội cho phép ông nắm quyền điều hành quân đội để thực hiện cuộc chiến chống IS và “những lực lượng có liên quan”.

Việc “những lực lượng có liên quan” được định nghĩa như thế nào sẽ có tác động đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, điều này cũng giúp xác định xem các binh sĩ Mỹ sẽ phải chiến đấu chống lại ai?./.

Trần Khánh/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết