Tiếng Việt | English

12/04/2017 - 09:19

Đồng loạt lấy lại vỉa hè

Thời gian gần đây, các địa phương trong tỉnh Long An đồng loạt thực hiện chiến dịch cao điểm lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, lấy lại vỉa hè với sự quyết liệt cao.


Cắt bỏ phần mái che lấn chiếm, lấy lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ

Cần sự quyết liệt

Lấy lại vỉa hè không phải là việc mới làm mà thực tế được triển khai từ nhiều năm qua; thế nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chỉ dừng lại ở từng đợt cao điểm, lễ, tết,... Từ đó, dẫn đến tình trạng vỉa hè bị tái chiếm để kinh doanh buôn bán, đậu xe. Nguyên nhân của tình trạng này rất nhiều, trong đó có phần thiếu quyết liệt của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và ý thức chấp hành của người dân còn thấp; cùng với đó là cuộc sống mưu sinh dựa vào vỉa hè của người dân, nhất là người nghèo,... Tuy nhiên, từ “cú hích” của TP.HCM và nhiều địa phương khác, Long An quyết liệt hơn trong chiến dịch lấy lại vỉa hè.

Việc lấy lại vỉa hè ở Long An được triển khai mạnh từ tháng 3 đến nay, dù không “nóng” như nhiều địa phương khác nhưng hứa hẹn mang lại kết quả. Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn cho biết: “Bí thư phường, xã phải chịu trách nhiệm trước Bí thư Thành ủy và Chủ tịch các xã, phường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, xây dựng trái phép,...”.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Thanh Sơn, khi cả nước đồng loạt thực hiện việc lấy lại vỉa hè có nghĩa việc làm này trở thành một chủ trương lớn. Điều đó là cơ sở góp phần để các cấp, các ngành, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt hơn. Về phía người dân cũng không bị bất ngờ vì chủ trương đã rõ, kế hoạch được tuyên truyền trước đó. “Thế nhưng, để tránh tình trạng tái chiếm vỉa hè, lòng, lề đường thì việc này phải làm kiên quyết, liên tục và xuyên suốt chứ không phải làm một thời điểm rồi lơ là, buông xuôi. Đồng thời, phải gắn với giao trách nhiệm cho xã, phường, thị trấn trong việc quản lý các tuyến đường” - ông Nguyễn Thanh Sơn nói.


Hàng hóa, biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè trên Quốc lộ 62, đoạn qua TP.Tân An

"Phương châm lấy lại vỉa hè ở các địa phương trong tỉnh không phải là đưa lực lượng ra tháo dỡ, xử phạt ngay mà tuyên truyền, vận động, tiếp đó là nhắc nhở,... nếu người dân không chấp hành mới tiến hành xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ." 

Tuyên truyền, nhắc nhở rồi mới phạt

Chiến dịch lấy lại vỉa hè lần này ở các địa phương quyết liệt nhưng việc thực hiện rất mềm mỏng nên được người dân đồng tình. Theo ghi nhận của phóng viên, phương châm lấy lại vỉa hè ở các địa phương trong tỉnh không phải là đưa lực lượng ra tháo dỡ, xử phạt ngay mà tuyên truyền, vận động, tiếp đó là nhắc nhở,... nếu người dân không chấp hành mới tiến hành xử phạt, cưỡng chế tháo dỡ. Có thể nói, biện pháp cuối cùng là cách làm “bất đắc dĩ” khi các bước thực hiện “mềm” trước đó không hiệu quả.

Tại thị xã Kiến Tường, từ ngày 28/3 đến 03/4, các cấp, ngành tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân sắp xếp hàng hóa đúng quy định, tự tháo dỡ những hàng rào, mái che, biển hiệu,... lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè. Đến ngày 04/4, ngành chức năng mới ra quân kiểm tra, xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm. Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Kiến Tường - Nguyễn Hữu Trọng cho biết, từ ngày 04 đến 10/4/2017, đoàn kiểm tra của UBND thị xã tiến hành kiểm soát 9 lượt trên các tuyến đường: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Hùng Vương và Quốc lộ 62. Theo đó, lập biên bản xử lý 75 trường hợp, thu phạt 12 triệu đồng, tháo dỡ nhiều biển hiệu và 115 mái che lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.

Ngày 10/4/2017, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - La Văn Dân cho biết: “Chiến dịch ra quân lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thị xã Kiến Tường được đa số người dân đồng tình, ủng hộ và chấp hành bằng việc chủ động sắp xếp hàng hóa bên trong vạch sơn được tạm sử dụng trên vỉa hè, tháo dỡ hàng rào, biển quảng cáo, mái che lấn chiếm hành lang vỉa hè. Hiện nay, các tuyến đường chính trên địa bàn phường 1 cơ bản ổn định, không còn tình trạng lấn chiếm. Thời gian tới, đoàn liên ngành tiếp tục ra quân lập lại trật tự trên các tuyến đường còn lại ở phường 2, phường 3 và các xã trên địa bàn thị xã”.


Dựng xe lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn phường 2, TP.Tân An

Trong khi đó, tại TP.Tân An cũng có kế hoạch thực hiện vào ngày 28/3 và yêu cầu các xã, phường triển khai. Trong đó, phường 2 chủ động thực hiện trước khi có kế hoạch của UBND thành phố. Theo thống kê, từ ngày 03/4 đến 08/4, đoàn kiểm tra phường 2 xử phạt 24 trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè với số tiền trên 10 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND phường 2 - Nguyễn Phúc Toàn cho biết: “Phường 2 đề ra các bước thực hiện: Đợt 1 từ ngày 15/3 đến 02/4 tuyên truyền, vận động; đợt 2 từ 03/4 đến 01/5 ra quân lập lại trật tự, xử phạt. Nhìn chung, bước đầu, người dân chấp hành tốt và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn cảnh quan đô thị, trật tự lòng, lề đường, vỉa hè. Đến ngày 09/5, Ban Chỉ đạo của phường họp sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới”.

Theo ghi nhận, các tuyến đường thời gian qua "nổi tiếng" về tình trạng buôn bán lộn xộn lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn phường 2: Huỳnh Việt Thanh, Lê Văn Tao (vào chợ phường 2) cơ bản được chấn chỉnh, các hộ sắp xếp hàng hóa đúng nơi quy định. Theo thông tin từ UBND phường 2, năm 2017, phường phấn đấu xây dựng 4 tuyến đường văn minh đô thị, trong đó có đường Huỳnh Việt Thanh và đường Lê Văn Tao.

Phường 1, TP.Tân An cũng vào cuộc ngay sau khi có kế hoạch của UBND TP.Tân An. Phương châm thực hiện của phường 1 cũng theo các bước tuyên truyền, vận động, nhắc nhở rồi mới xử phạt. Theo đó, đến ngày 12/4/2017, thời gian tuyên truyền kết thúc và bước vào giai đoạn kiểm tra, nhắc nhở,... Nếu các tiểu thương không khắc phục, phường tiến hành xử phạt, tháo dỡ. Sau khi lấy lại vỉa hè, các tuyến đường được giao cho khu phố, đoàn thể quản lý để từ đó có trách nhiệm chung.

Theo Trung tá Bạch Văn Thức - Trưởng Công an phường 1, qua rà soát, phường có hơn 600 hộ buôn bán thường lấn ra vỉa hè; ngoài ra, có khoảng 40 trường hợp chuyên buôn bán trên vỉa hè. Từ đầu tháng 4 đến nay, Công an phường tổ chức gần 10 cuộc họp với hơn 400 người dân, hộ kinh doanh để tuyên truyền, vận động, ký cam kết không vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường. Việc mời hộ dân họp sẽ được Công an phường tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

“Vỉa hè trên các tuyến đường của phường 1 không đồng bộ, đoạn có, đoạn không rồi lại nơi rộng, nơi hẹp nên cũng khó khăn trong việc chấn chỉnh, xử lý. Thông qua các cuộc họp, người dân, hộ kinh doanh kiến nghị các phương án chọn những vỉa hè nào cho xe ôtô đậu hoặc cũng tính toán chừa một phần phía trong của vỉa hè để dựng xe máy. Ngoài ra, với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống bằng nghề buôn bán trên vỉa hè thì đề xuất thành phố lập khu buôn bán riêng cho họ vào đây mưu sinh” - Chủ tịch UBND phường 1 - Hồ Phong Vũ cho biết.

Đối với thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, việc lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, vỉa hè được tăng cường. Bước đầu, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại một số tuyến đường chính: Nguyễn Hữu Thọ, Võ Công Tồn, Huỳnh Châu Sổ, Phan Văn Mảng,... cơ bản được chấn chỉnh, người dân và các hộ kinh doanh có ý thức chấp hành tốt hơn. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Bến Lức - Nguyễn Minh Hùng, việc lập lại mỹ quan đô thị, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè được thị trấn quan tâm thực hiện nhiều năm qua và đẩy mạnh thực hiện từ đầu năm 2017 đến nay. Tháng 3/2017, Đảng ủy thị trấn ban hành Nghị quyết số 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng các tuyến đường trật tự, sáng, xanh, sạch, đẹp.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong quá trình thực thi nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tuyến đường, quyết tâm không để tình trạng tái chiếm vỉa hè xảy ra. Cùng với kiểm tra, xử phạt thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương chung là rất quan trọng nên phải đặc biệt được quan tâm thực hiện tốt” - ông Nguyễn Minh Hùng cho biết thêm./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích