Tiếng Việt | English

25/12/2022 - 17:00

Dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ

Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên,... là hiệu quả, ý nghĩa của mô hình Xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên mang lại.

Nhiều mô hình, cách làm hay

Xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An là một trong những địa phương nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Để đạt kết quả này, xã đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nhiều cách làm sáng tạo. Cụ thể, hàng năm, xã triển khai, thực hiện các văn bản quy định về chế độ, chính sách dân số (DS) - sức khỏe sinh sản; Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đưa chính sách DS - sức khỏe sinh sản vào quy ước ấp.

Đồng thời, xã duy trì, nâng chất các mô hình: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Hội viên hội nông dân không có người sinh con thứ 3 trở lên; thành lập các câu lạc bộ sinh con một bề;...

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên

Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình - Trần Quang Thơm chia sẻ: “Yếu tố quyết định cho sự thành công của mô hình Xã không có người sinh con thứ 3 trở lên của địa phương là tạo được sự đồng thuận của người dân. Đến nay, xã duy trì được 6 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Nhờ thực hiện tốt mô hình, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần cho xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Khi mỗi gia đình sinh đủ 2 con, cha mẹ có thời gian phát triển kinh tế, chăm sóc các con tốt hơn”.

Bí quyết xây dựng xã nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên và có trên 60% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đủ 2 con của xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa chính là phát huy vai trò nòng cốt của cộng tác viên DS - Gia đình và Trẻ em (CTV). Theo đó, xã xây dựng đội ngũ CTV nhiệt tình, trách nhiệm, sâu sát cơ sở, làm "cầu nối" nắm bắt tâm tư, tình cảm của các gia đình, từ đó phản ánh đến UBND xã để có biện pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Tây - Nguyễn Bé Thùy Lê chia sẻ: “CTV "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại muốn sinh nhiều con, gia đình sinh con một bề, những gia đình khá giả có ý định sinh con thứ 3 trở lên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sinh đủ 2 con,... Đội ngũ CTV chọn thời gian phù hợp đến tư vấn, cung cấp dụng cụ tránh thai đúng đối tượng và vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. CTV còn tư vấn cho phụ nữ các biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp với từng lứa tuổi, hoàn cảnh gia đình. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới CTV, xã duy trì họp lệ CTV hàng tháng cùng lãnh đạo xã tìm các giải pháp khắc phục khó khăn trong tháng, đề ra nhiệm vụ cho tháng sau".

Khi người dân đồng tình hưởng ứng

Theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ sinh con trước 35 tuổi sẽ rất tốt cho mẹ và bé. Còn ở mốc 35 tuổi trở lên, khả năng thụ thai kém; đồng thời, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng đối diện nguy cơ biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp,... Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ do mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards,...

Chị Huỳnh Thị Hồng Vân sinh đủ 2 con để nuôi, dạy cho tốt

Xác định được những lợi ích của việc sinh con trước 35 tuổi, chị Huỳnh Thị Hồng Vân (SN 1993, ngụ ấp 1, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Năm 2017, chị Vân kết hôn. Năm 2018, chị sinh bé đầu tiên. Năm 2021, chị sinh bé thứ 2. Chị Vân bộc bạch: “Tôi làm công nhân, chồng làm thợ hồ. Kinh tế gia đình không khá giả nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết định sinh đủ 2 con. Thời gian này, vợ chồng rất vất vả bởi vừa lo kinh tế gia đình, vừa chăm sóc con nhỏ, nhưng đổi lại chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì sinh được 2 đứa con khỏe mạnh, lanh lợi. Hơn hết, trong khi nhiều gia đình phải tốn kém hàng chục, hàng trăm triệu đồng để thụ tinh nhân tạo, họ mong tìm kiếm được một đứa con vẫn không có thì tại sao mình may mắn có thể sinh con bình thường lại không sinh đủ 2 con”.

Gia đình ông Nguyễn Thành Tài, bà Đặng Thị Điểu (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) sinh được 2 con gái. Dù sinh con một bề là gái nhưng ông bà dừng lại ở 2 con, bởi với họ, con gái hay con trai đều là con. Bà Điểu bộc bạch: “Ông bà ta thường mong muốn có con trai để "nối dõi tông đường", gánh vác gia đình và chăm sóc cha mẹ khi tuổi về già nhưng thời nay đã khác, sinh con gái hay con trai không quan trọng, sinh con ra khỏe mạnh là được”.

Bà Đặng Thị Điểu quan niệm sinh con gái hay con trai không quan trọng, chỉ cần con khỏe mạnh là được

Vượt qua tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", ông Nguyễn Thành Tài luôn đồng hành, chia sẻ với vợ mỗi khi ai đó nhắc đến việc sinh thêm để kiếm con trai. Ông Tài trải lòng: “Sinh con quan trọng là dạy dỗ, chăm sóc các con nên người, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và sống có ích cho xã hội”.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay, tỉnh có rất nhiều xã, phường, thị trấn duy trì nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đây cũng là một trong những "bí quyết" giúp các gia đình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình đẳng; đồng thời, giúp các địa phương ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết