Tiếng Việt | English

19/01/2022 - 09:37

Đưa nông sản an toàn lên sàn thương mại điện tử

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Long An. Trước tình hình này, các cấp, các ngành tỉnh tích cực phối hợp để từng bước đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đây được đánh giá là một kênh tiêu thụ mới vừa an toàn, hiệu quả, vừa giúp xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của tỉnh.

Kênh tiêu thụ nhiều tiềm năng

Nhu cầu đưa nông sản an toàn của tỉnh tham gia các sàn TMĐT là chủ trương lớn, đã được thúc đẩy ngay từ cao điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia trên các sàn TMĐT, đặc biệt là sàn giao dịch nông sản an toàn của tỉnh phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và được các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm

Rau là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, diện tích trồng hàng năm trên 10.900ha, năng suất đạt trên 19 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 200.000 tấn/năm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.730ha rau ứng dụng công nghệ cao. Việc xúc tiến, hỗ trợ đưa rau an toàn lên sàn TMĐT là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Với tổng diện tích khoảng 15ha rau các loại, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) dự kiến thu hoạch được 6 tấn rau mỗi ngày. Ngoài việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn phối hợp địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất rau sạch theo đúng quy trình. Với cách làm này, HTX hy vọng thương hiệu rau Cần Đước sẽ ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thị trường.

Giao diện sàn thương mại điện tử Kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Long An

Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy cho biết, được sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, sản phẩm của HTX có cơ hội xuất hiện trên các sàn TMĐT. Qua đó, giúp HTX tiếp cận với nhiều khách hàng hơn và HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản tại TP.HCM và các tỉnh lân cận thông qua việc giới thiệu quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm trên các sàn TMĐT.

“Hiện nay, ngoài thị trường truyền thống thì việc tham gia sàn TMĐT là giải pháp hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thông qua sàn TMĐT, HTX và nông dân được tiếp cận trực tiếp thị trường, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thời vụ, chủng loại, số lượng,... từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân” - ông Giấy cho biết thêm.

Không chỉ riêng cây rau, thời gian qua, có nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh được hỗ trợ đưa lên các sàn TMĐT. Thực tế cho thấy, việc đưa nông sản nói chung lên các sàn TMĐT đang là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay có hơn 48.600 tài khoản đăng ký trên các sàn TMĐT, với tổng số gần 2.400 sản phẩm. Điển hình là các sản phẩm: Rau an toàn, mít, thanh long, gạo Nàng Thơm, chanh không hạt,...

Sản phẩm thanh long Long An trên sàn thương mại điện tử Tiki

Để việc tham gia các sàn TMĐT mang lại hiệu quả thực sự, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp đại diện các sàn TMĐT trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất hàng hóa theo cam kết, bảo đảm nông sản an toàn, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cũng được hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn TMĐT.

Hiện nay, người trồng thanh long gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc ngừng nhập khẩu, thanh long vì thế mà không có nơi tiêu thụ. Trước tình hình đó, Công ty TNHH MPT Safari (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) chủ động phối hợp Sở Công Thương và sàn TMĐT Tiki để tiêu thụ thanh long. Trước mắt, phía Tiki đồng ý hỗ trợ tiêu thụ 4 tấn thanh long. Tuy số lượng này còn ít so với sản lượng thanh long đang tồn đọng nhưng cũng là một tín hiệu tích cực cho đầu ra thanh long trong tương lai.

Giám đốc Công ty TNHH MPT Safari - Nguyễn Minh Phương cho biết: “Chúng tôi nhận thấy thị trường online này rất tiềm năng, nhất là trong thời điểm khó khăn trong việc tiêu thụ như hiện nay. Đây là một hướng đi phù hợp để sản phẩm tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, kích cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, thông qua các sàn TMĐT, chúng tôi còn có cơ hội xây dựng và quảng bá thương hiệu, hướng đến ký kết các hợp đồng tiêu thụ lâu dài trong và ngoài nước”.

Đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, để người sản xuất thích ứng với việc tiêu thụ sản phẩm trong tình hình mới, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh còn được hướng dẫn những kỹ năng quảng bá sản phẩm, giới thiệu và bán hàng qua các kênh mạng xã hội. Qua đó, giúp nông dân chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở ra thêm hướng tiêu thụ mới, bền vững cho các mặt hàng nông sản.

“Về phía Sở Công Thương, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết để đưa hàng nông sản lên các sàn TMĐT. Đồng thời, tiếp tục kết nối, tăng số lượng các sàn TMĐT để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Trước mắt, tăng cường đưa hàng nông sản lên các sàn TMĐT: Postmart, Voso, Sendo, Tiki,...” - bà Lệ cho biết.

Sàn thương mại điện tử giúp sản phẩm của Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai có thêm nhiều khách hàng mới

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trên khắp các miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá trong giai đoạn dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT hiện nay cũng gặp không ít khó khăn bởi đây là phương thức tiêu thụ khá mới mẻ với nông dân.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Hoàng Anh (huyện Tân Thạnh) - Phạm Hoàng Giang chia sẻ, thông qua sự hỗ trợ của Sở Công Thương, HTX đã liên kết được với sàn TMĐT Tiki trong chương trình “Tiki đi cùng nông sản Việt”. Bước đầu, Tiki hỗ trợ HTX tiêu thụ khoảng 1 tấn mít xẻ miếng mỗi ngày. Qua đó, giúp giải quyết được một phần nào khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. “Do chưa có kinh nghiệm nên khi tham gia kết nối với các sàn TMĐT, HTX đã gặp không ít khó khăn. Cụ thể là những quy định của sàn TMĐT về kích thước, chất lượng, mẫu mã và tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Hiện nay, HTX tích cực phối hợp các sở, ngành để hoàn thiện sản phẩm và hướng đến sự kết nối bền vững trong tương lai” - anh Giang chia sẻ thêm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: Tỉnh có nhiều nông sản được người tiêu dùng ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh cao và tạo được chỗ đứng trên thị trường như gạo Nàng Thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, thanh long Châu Thành, đậu phộng Đức Hòa,... Tuy nhiên, thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của tỉnh gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

“Đầu tháng 12/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp VNPT Long An đưa vào hoạt động sàn giao dịch kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Long An. Sàn giao dịch kết nối cung - cầu nông sản an toàn tỉnh Long An có tại địa chỉ https://nongsanantoanlongan.vn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An quản lý và vận hành. Mục đích nhằm giúp gây dựng thương hiệu cho nông dân và các mặt hàng nông sản trên địa bàn, từ đó tìm kiếm đầu ra bền vững cho nông sản” - bà Khanh thông tin thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm, nhu cầu đưa nông sản an toàn của tỉnh tham gia các sàn TMĐT là chủ trương lớn, đã được thúc đẩy ngay từ cao điểm dịch Covid-19 bùng phát. Sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia trên các sàn TMĐT, đặc biệt là sàn giao dịch nông sản an toàn của tỉnh phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và được các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên.

Hiện nay, việc kết nối để đưa nông sản của tỉnh lên các sàn TMĐT được kỳ vọng sẽ là hướng đi hiệu quả, góp phần khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản khi vào cao điểm của mùa thu hoạch, giúp nông dân giữ ổn định giá nông sản, hạn chế sự phụ thuộc vào thương lái. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực kết nối của các cấp, các ngành thì các doanh nghiệp, HTX và người dân cũng cần chủ động trong việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết