Tiếng Việt | English

07/12/2021 - 22:27

Long An: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử

Ngày 07/12, Sở Công Thương phối hợp Trung tâm phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức Hội nghị trực tuyến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tỉnh Long An cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Trong năm qua, thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục phát triển nhanh chóng, đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, TMĐT trở thành phương thức giao dịch được lựa chọn phổ biến của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Tại Long An, chỉ số thương mại điện tử tỉnh Long An năm 2021 xếp hạng thứ 13/56 tỉnh, thành phố, tăng 5 hạng so với năm 2020. Trong đó, chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) hạng 12/56 tỉnh, thành; chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) hạng 14/56 tỉnh, thành.

Báo cáo viên trình bày nội dung để các đại biểu tham dự nắm bắt

Phát triển thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu và ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế vì những lợi ích to lớn của nó, nhất là trong việc mở rộng thị trường, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, cải thiện hệ thống phân phối, tăng doanh thu, củng cố quan hệ khách hàng,… cùng với nhiều lợi ích khác cho người tiêu dùng và xã hội. Có thể khẳng định rằng việc ứng dụng TMĐT để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) nước ta nói chung, tỉnh Long An nói riêng.

Song song với việc phát triển mạnh mẽ của TMĐT, thì tình trạng khách hàng mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng nhiều; để bảo vệ người tiêu dùng hạn chế gặp phải mua hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và để bảo vệ thương hiệu, uy tín và giá trị đích thực của những doanh nghiệp tỉnh Long An, những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, Bộ Công Thương và UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương triển khai xây dựng Phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Long An.

Qua sử dụng phần mềm, doanh nghiệp có thể tự tạo mã QR cho sản phẩm của chính doanh nghiệp mình, khách hàng có thể kiểm tra nguồn gốc, quy trình sản xuất của sản phẩm. Qua đó, góp phần hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tạo uy tín, tin tưởng ổn định với khách hàng, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Long An. Đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng tránh mua hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự nghe báo cáo viên Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử trình bày các nội dung xung quanh vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT, các xu thế, một số địa điểm, nội dung chủ yếu của TMĐT,... Bên cạnh đó, một số thắc mắc của các đại biểu cũng được báo cáo viên giải đáp, làm rõ để vận dụng hiệu quả vào công tác của đơn vị./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết