Ảnh minh họa AI
Gần đây, cụm từ “ngộ độc công nghệ” là lời cảnh báo cho mọi người, mọi lứa tuổi, trong đó đáng quan tâm là lớp trẻ còn ở tuổi đến trường như học sinh THCS, THPT. Đây là lứa tuổi tò mò, thích khám phá những điều mới, lạ, độc,... trên mạng xã hội. Trong khi đó, ở lứa tuổi này, việc nhận thức đúng, sai, nội dung nào cần thiết, hữu ích, đáng xem, nội dung nào xấu, độc, cà khịa, vô bổ còn rất mông lung, khó phân biệt.
Để hạn chế lạm dụng các thiết bị công nghệ, tránh “ngộ độc” công nghệ, nhiều trường học trong và ngoài nước đề ra nội quy nghiêm cấm học sinh bậc THCS và THPT sử dụng điện thoại, laptop,... trong giờ học, kể cả giờ chơi. Điều này giúp các em tập trung hơn trong từng tiết học, môn học. Giờ ra chơi, khi không sử dụng thiết bị công nghệ, các em sẽ cùng các bạn vui chơi, giải trí, giao lưu, trao đổi để thư giãn tinh thần, chuẩn bị vào tiết học mới.
Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã báo động về thực trạng lạm dụng công nghệ mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong lớp trẻ, dẫn đến “thiếu tập trung, xao lãng lao động, học tập và đã có không ít tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bị lừa tiền, lừa tình,... do quá lạm dụng và bị “ngộ độc” công nghệ.
Rõ ràng, trong thời đại thông tin, mọi công dân đều cần có kỹ năng sử dụng công nghệ một cách thành thạo để trở thành công dân số. Mọi người còn sử dụng công nghệ như một công cụ trợ lý, trợ thủ đắc lực trong lao động, học tập, nắm bắt thông tin, xử lý công việc chất lượng và hiệu quả.
Tuy nhiên, chúng ta phải phòng, chống "ngộ độc" công nghệ, sử dụng công nghệ đúng yêu cầu, mục đích và hữu ích, có định lượng thời gian hợp lý. Ngành Giáo dục cần có quy định cụ thể để học sinh từng bậc học có cách tiếp cận, sử dụng công nghệ một cách hiệu quả trong học tập; đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống "ngộ độc" công nghệ cho học sinh.
Hãy sử dụng công nghệ một cách thông minh, hiệu quả chứ đừng biến mình thành nô lệ của công nghệ!./.
Lê Anh Dũng