Tiếng Việt | English

06/11/2023 - 11:27

Cạm bẫy rình rập trẻ em trên không gian mạng

Theo thống kê, có tới 1/3 số người sử dụng Internet trên thế giới là trẻ em. Ở nước ta, riêng đối với học sinh ở bậc THPT, mỗi em tham gia ít nhất 1 mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo, YouTube,... để phục vụ giải trí, học tập. Bên cạnh những tiện ích mà MXH đem lại, trẻ em cũng phải đối mặt với muôn vàn tác động xấu từ MXH.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần có sự chung tay của toàn xã hội

Tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro trên mạng

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 28 triệu trẻ em dưới 18 tuổi, 96,9% trẻ em sử dụng Internet. Thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số cũng chỉ ra rằng, có 36,5% trẻ em phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực; trên 13% trẻ em bị tiếp xúc với các phim, ảnh, tài liệu khiêu dâm. Do nhận thức ở độ tuổi trẻ em chưa phân biệt được các nội dung độc hại, cùng với đó là sự thiếu kiểm soát, quan tâm của gia đình, nhà trường khiến vấn nạn này càng trở nên trầm trọng.

Internet và MXH biến trẻ em thành nhóm đối tượng dễ bị tổn thương với những rủi ro tiềm ẩn mà trẻ em phải đối diện trên không gian mạng gồm: Sự riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ em; văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em, mại dâm trẻ em và buôn bán trẻ em; bắt nạt trực tuyến; trẻ em tiếp cận những nội dung có hại qua công nghệ thông tin và truyền thông; sử dụng quá mức và nghiện như “câu like”, “câu view”, “đu trend”, nghiện game.

Vấn đề sử dụng Internet, công cụ trực tuyến để tấn công, lạm dụng tình dục trẻ em đang trở thành vấn nạn khi kẻ xấu tiếp cận, làm quen và gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm. Chúng có thể dùng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến các em phải vâng lời làm theo các yêu cầu của chúng. Cùng với các thủ đoạn khác như đánh cắp bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; gửi, cung cấp nội dung độc hại cho trẻ em; lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền; phát tán tin nhắn, hình ảnh, âm thanh, video có nội dung xâm hại tình dục trẻ em.

Thay vì bị bắt nạt trực tiếp, hiện nay, trẻ rất dễ bị bắt nạt qua MXH khi một người hay một nhóm người cố ý đăng, gửi hoặc chia sẻ, truyền đạt liên tục thông tin cá nhân mà không được phép, thông tin tiêu cực, đe dọa, sai sự thật của trẻ trên mạng, gây tổn thương sâu sắc về tâm lý, tình cảm của trẻ. Theo thống kê, cứ 10 học sinh thì có 3 em bị bắt nạt qua mạng, nhiều trẻ liên tục 365 ngày đều có nguy cơ bị bắt nạt nhưng không có nơi nào để trốn thoát. Nhiều học sinh do quá áp lực vì bị bắt nạt trên mạng nên tự khép mình, sợ đi học và thậm chí tìm đến cái chết.

Tự tử vì… mạng

Với mục đích kết nối mọi người lại với nhau, MXH ra đời và ngày càng trở nên phổ biến. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, người ta lại dần biến MXH thành “lưỡi hái tử thần” với sự xâm phạm đời tư, những trò đùa ác ý cùng những bình luận tiêu cực.

Những cái chết đau lòng chỉ vì không chịu nổi áp lực từ MXH ngày càng nhiều, gióng hồi chuông báo động về cách hành xử trên thế giới ảo. Trường hợp P.U.N. - nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở TP.Đà Nẵng, đã uống thuốc ngủ tự tử. Người nhà may mắn phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được tiết lộ sau đó, chỉ vì N. bị fanpage B.M.T.C.C.H.Đ.T. viết bài vu khống để thóa mạ, bôi nhọ lên Facebook. Nhiều cư dân mạng đã a dua chỉ trích, xúc phạm N. thậm tệ. Quá mệt mỏi, N. tìm đến cái chết.

Hay trường hợp N.T.C.L. - nữ sinh lớp 12 ở huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội), bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên Facebook. Các thành viên trên MXH vào giễu cợt, thậm chí miệt thị L. khiến nữ sinh này uất ức tìm đến cái chết. Mới đây (ngày 15/4/2023), nữ sinh N.T.Y.N. - học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh, đã tìm đến cái chết vì bị lập nhóm “anti” trên mạng và bị cô lập, bạo lực học đường.

Những áp lực mà các nữ sinh gặp phải phần lớn là từ những bình luận mang hàm ý “ném đá hội đồng”, cố tình mạt sát, thóa mạ của dân mạng. Những bình luận ác ý ấy đã dồn nạn nhân vào bước đường cùng. Vì còn khá trẻ, tâm, sinh lý chưa vững vàng, các em không đủ bình tâm, bản lĩnh và kỹ năng, kiến thức để đối đầu với những sóng gió từ MXH cũng như cách để vượt qua áp lực. Các em cảm thấy không còn lối thoát rồi dại dột tìm đến cái chết.

Làm gì để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không là nhiệm vụ của riêng ai mà phải có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó, biện pháp hiệu quả nhất là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng, thầy cô, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản khi tham gia môi trường mạng.

Để giúp con em không gặp phải rắc rối khi tham gia vào môi trường mạng, các bậc phụ huynh cần thực hiện các quy định như không sử dụng điện thoại thông minh trong phòng ngủ, đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình (phòng khách). Đồng thời, các bậc phụ huynh cần cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em; giám sát thời gian nhưng cần tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ trên không gian mạng, quan tâm, lắng nghe ý kiến của trẻ, trau dồi, cập nhật kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con em mình kỹ năng sử dụng thiết bị, MXH an toàn, cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích