Tiếng Việt | English

06/06/2017 - 13:47

Đừng để trẻ em là nạn nhân của đuối nước

Theo thống kê, gần đây, năm nào cũng vậy, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Do đặc thù là miền sông nước nên nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ em trong tỉnh luôn tiềm ẩn.


Chơi trên sông nước là một trong những nguy cơ cao xảy ra đuối nước đối với trẻ em

Nỗi lo đuối nước

Những năm gần đây, ở khu vực các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Một trong những vụ đuối nước thương tâm nhất chính là cái chết của 3 học sinh: N.PT, N.Q.T và N.M.K, cùng học lớp 1, Trường Tiểu học Tân Tây, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa vào ngày 06/5/2016 (trong đó có cặp anh em song sinh).

Vào buổi sáng cùng ngày, cả 3 em đến trường để thi, đến khoảng 10 giờ, gia đình đón các em về nhà. Sau khi ăn cơm trưa xong, cả 3 rủ nhau đi chơi. Đến đầu giờ chiều, không thấy các em về, người thân đi tìm thì phát hiện xe đạp và quần áo của các em bên bờ kênh Nam Lộ ở ấp 1. Mọi người mò tìm thì phát hiện thi thể 3 em ở dưới kênh; nguyên nhân tử vong được xác định do đuối nước.

Sáng ngày 09/11/2016, tại xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, bé N.T.Đ (4 tuổi) cũng bị tử vong do đuối nước. Trước đó, bé Đ. chơi trước nhà cùng mẹ. Lúc người mẹ không để ý, bé ra mé kênh chơi rồi rớt xuống nước. Đến khi người nhà phát hiện, mò tìm, đưa bé lên bờ thì quá muộn màng.

Trẻ em ra chơi ở khu vực hầm đất ở ấp Lộc Hưng, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa

Không riêng gì ở những vùng sông nước mà những khu vực có nhiều hầm đất (khai thác lấy đất) cũng luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn đuối nước trẻ em. Chẳng hạn như ngày 06/01/2014, em N.M.T và H.T.N, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, rủ nhau ra hầm đất ở khu vực ấp Bàu Công tắm và cả 2 bị chết đuối. Điều đáng nói, thời điểm đó, hầm đất này đang được khai thác nhưng không được rào chắn cẩn thận.

Hiện nay, khu vực hầm đất xảy ra tai nạn thương tâm này được rào chắn bằng hàng rào thép xung quanh. Có mặt tại một số hầm đất khác khai thác xong tại ấp Lộc Hưng, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, chúng tôi vẫn thấy tiềm ẩn những nguy cơ đuối nước ở trẻ em. Những hầm đất này nằm gần khu dân cư, hiện được lắp hàng rào xung quanh, thế nhưng, nhiều chỗ dây kẽm gai bị hư, có đoạn bị đổ sập nằm trên mặt đất và tạo ra những lối vào, ra “thoải mái”.

Còn ở ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa (cách UBND xã chưa đến 1km) có những hầm đất được rào chắn, nhưng cũng có hầm không có rào chắn. Ngoài ra, khu vực này có một hầm đang khai thác nhưng hệ thống rào chắn đơn giản, trong khi đó, cách đó chỉ chừng 10m là nhà dân, có trẻ em sinh sống.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ 3 năm (2014 đến 2016), trên địa bàn tỉnh có 70 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó, năm 2014 có 29 em, năm 2015 có 16 em và năm 2016 có 25 em.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em là do trẻ không biết bơi, chưa nhận thức được sự nguy hiểm nên trẻ nhỏ vẫn thường ra chơi ở khu vực gần sông, nước; người lớn trong gia đình chủ quan, bất cẩn và thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em,...

Do vậy, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp các ngành, chính quyền địa phương thực hiện các mô hình phòng, chống thương tích ở trẻ em, trong đó có đuối nước; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng về công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Trưởng phòng Trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt

Dạy bơi cho học sinh

Thời gian qua, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống đuối nước trẻ em. Cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa phương được tập huấn nhiều nội dung phòng, chống đuối nước ở trẻ, được trang bị kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước cho trẻ em; kỹ năng xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng;...

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chủ trì tổ chức các lớp dạy bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em độ tuổi từ 9-12 tuổi. Lớp học này hoàn toàn miễn phí và diễn ra trong thời gian 1 tuần, dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên bơi lội đến từ Sở VH-TT&DL. Do không có hồ bơi nên hầu hết các lớp học bơi được tổ chức trên các kênh, rạch, các hồ có sẵn tại địa phương. Ngoài học các kỹ thuật bơi, các em còn được huấn luyện viên dạy lý thuyết cứu đuối, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi đi lại, sinh sống trên sông nước.


Từ năm 2012 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, trường học tổ chức 30 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ từ 9-12 tuổi

“Theo chương trình này, từ năm 2012 đến nay, Sở VH-TT&DL phối hợp các ngành liên quan, chính quyền địa phương, các trường học mở 30 lớp ở các địa phương, mỗi lớp có từ 25-30 em. Các lớp học này được tổ chức trong dịp hè, kinh phí do UBND tỉnh cấp. Hiện, chương trình dạy bơi cho trẻ vẫn được tiếp tục, địa điểm mở lớp cũng tập trung ở địa bàn sông nước” - Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao, Sở VH-TT&DL - Trần Minh Đức cho biết.

Ngoài ra, thời gian gần đây, một số trường học trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư bể bơi di động để học sinh tại trường có điều kiện học bơi như Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu, Trường Tiểu học Gò Đen (Bến Lức), Trường Tiểu học Khánh Hậu (TP.Tân An). Tại Trường Tiểu học Khánh Hậu, hồ bơi mới đưa vào hoạt động khoảng nửa năm nay, cứ chiều tối hàng ngày, nhiều học sinh đến học bơi. Ở hồ bơi luôn có người dạy và hướng dẫn các em bơi, đồng thời trông chừng các em. Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hồng Phúc cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để có thêm nhiều bể bơi trong trường học. Ngành cũng đề ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể để thực hiện./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích