Tiếng Việt | English

08/08/2019 - 08:41

Đừng để trẻ em nghiện công nghệ số

Công nghệ số mở ra cơ hội cho sự phát triển KT-XH, mang đến cho con người nhiều tiện ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc lạm dụng công nghệ số mang lại những hệ lụy đáng tiếc cho nhiều gia đình, nhất là ảnh hưởng đến tâm, sinh lý và cách giáo dục trẻ trong gia đình hiện nay.

Những điều đáng tiếc

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ số như điện thoại, máy tính bảng, chơi game trên máy tính,… sẽ tác động xấu đến tâm, sinh lý của trẻ. Trẻ có nguy cơ béo phì lên đến hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55%, suy giảm hệ thống miễn dịch do tiếp xúc với vi khuẩn trên các thiết bị, gây ra các bệnh tim mạch, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung của trẻ.

Cha mẹ phải định hướng cho con, tránh để trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ số, truy cập Internet quá nhiều giờ

Đồng thời, tổ chức này cũng xếp nghiện game vào nhóm bệnh tâm thần dựa trên các bằng chứng khoa học. Cụ thể, não người nghiện game bị kích thích tương tự như khi sử dụng ma túy. Hiện nay, nhu cầu điều trị chứng nghiện game đang tăng cao khắp nơi, đặc biệt là châu Á.

Thời gian qua, nhiều phụ huynh đưa trẻ đến Bệnh viện Tâm thần Long An khám và điều trị ngoại trú. Theo đó, nhiều trẻ có triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như mất ngủ, tinh thần hoảng loạn, cọc cằn, cáu gắt, không thích ứng với môi trường gia đình, nhà trường, ngại tiếp xúc với bạn bè và “thu hẹp” với chính mình.

Tháng 9/2018, tại Bệnh viện Tâm thần Long An, một ca nhập viện là tâm thần trẻ em (học sinh lớp 7, 13 tuổi). Khi nhập viện, trẻ trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, mất ngủ kéo dài. Tại gia đình, trẻ có những hành vi tự hủy hoại bản thân (dùng lửa châm vào người, dùng mảnh vở thủy tinh cắt bàn tay, chân). Vào bệnh viện, trẻ được chẩn đoán rối loạn tâm thần cấp do chơi game. Sau thời gian điều trị hơn 1 tháng, trẻ cân bằng sức khỏe thể chất - tinh thần và hòa nhập lại với gia đình, bạn bè.

Bé C.T.Đ (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa ) năm nay hơn 3 tuổi. Khi tiếp xúc với người lạ hay những người thân không phải là cha mẹ, có biểu hiện khá linh hoạt và hòa đồng. Tuy nhiên, khi ở cạnh cha mẹ và chiếc điện thoại, bé C.T.Đ trở nên khác lạ. Chị Đ.T.T.H (mẹ bé C.T.Đ) kể, 2 vợ chồng đều làm công nhân. Một thời gian dài trước đây, mỗi khi đi làm về, 2 vợ chồng chị thường cho bé mượn điện thoại chơi game để rảnh tay lo cơm nước, làm công việc nhà. Ban đầu chơi điện thoại, bé còn trả chị khi có cuộc gọi đến nhưng thời gian sau, bé không chịu trả mà khóc ré lên và có biểu hiện như ngất xỉu.

“Tệ hơn nữa là mỗi lần cầm điện thoại, xem clip và chơi game, con tôi như một người khác lạ và có biểu hiện như trẻ bị tự kỷ. Khi đó, bất kỳ ai kêu đến tên đều không nghe thấy, không ăn cơm, nhịn đi vệ sinh. Thậm chí, bé thức cả đêm để chơi game, nếu điện thoại hết pin thì khóc vật vã, ngất đi. Để bé có thể trở lại tâm trạng bình thường phải mất 2 -3 giờ đồng hồ” - chị Đ.T.T.H cho biết. Bây giờ, khi hai vợ chồng về đến nhà là tắt điện thoại và cất thật kỹ để bé C.T.Đ không nhìn thấy và không dùng.

Đừng để trẻ em nghiện

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Huỳnh Cao Chánh chia sẻ, hàng năm, Sở TT&TT có tổ chức các hội nghị phổ biến pháp luật, tuyên truyền cho cán bộ Đoàn, Đội ở các trường học những chuyên đề về Internet, game online, mạng xã hội. Sở cũng khuyến nghị các website, game phù hợp cho trẻ em. Qua đó, mở rộng tuyên truyền, giáo dục đến lực lượng thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức về mặt lợi, hại của mạng để có hành động đúng.

Một trong những cách tốt nhất là nên hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vận động, giải trí bổ ích như sinh hoạt trại hè, chơi thể thao, các hoạt động ngoài trời khác

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vì điều kiện mưu sinh ít có thời gian dành cho con, thường cho con sử dụng điện thoại, máy tính bảng, xem đó là phương tiện để dụ dỗ trẻ... Thói quen này gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Theo các nhà khoa học, việc trải qua nhiều giờ liên tục sử dụng máy tính, máy tính bảng, điện thoại hay tivi sẽ ảnh hưởng đến não và làm rối loạn nhận thức, vận động, rối loạn khả năng chú ý, ảnh hưởng chất lượng học tập của trẻ. Về lâu dài, trẻ sẽ bị nghiện, xuất hiện triệu chứng rối loạn như mất ngủ kéo dài, ăn uống kém, lười biếng trong sinh hoạt, học tập, ngại tiếp xúc, dễ cáu gắt,... rất khó điều trị.

Theo chuyên viên tâm lý Trần Văn Phương, Khoa Tâm lý Trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Long An, tùy theo cấp bậc lứa tuổi mà trẻ có các hình thức nghiện khác nhau. Các tác hại của việc “nghiện” đi kèm như trẻ chậm nói, có thể bị nói ngọng, tự kỷ, dễ cáu gắt, giảm sự tập trung chú ý, béo phì,… rất khó điều trị. Ngoài ra, trẻ sẽ bị giảm chức năng của vị giác; mất ngủ; rối loạn các hành vi trong cuộc sống; bệnh lý tim mạch; giáo dục trẻ ngày một khó khăn hơn; nguy cơ tử vong do vừa sạc pin, vừa sử dụng thiết bị gây cháy nổ và đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng bạo lực luôn tiềm ẩn với trẻ. Do đó, phụ huynh cần ngăn chặn trẻ từ lúc đầu. Bởi, một khi đã “nghiện” thì việc chữa trị sẽ khó khăn hơn, nguy cơ tái phát rất cao..

Theo ông Huỳnh Cao Chánh, trên thực tế, phụ huynh không thể cấm đoán hoàn toàn việc trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ số vì không phù hợp xu thế phát triển và không khả thi. Muốn trẻ sử dụng một cách an toàn, trước tiên, phụ huynh phải định hướng cho con, tránh để trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ số, truy cập Internet quá nhiều giờ, xem những nội dung không phù hợp với lứa tuổi,… dẫn đến mức độ nguy hại, nhất là nghiện. Nghiện game online dẫn đến tinh thần, thể trạng trẻ em bị ảnh hưởng, có thể bị hoang tưởng và không kiểm soát được hành vi của mình.

* Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Huỳnh Cao Chánh: Một trong những cách tốt nhất là hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vận động, giải trí bổ ích như sinh hoạt trại hè, chơi thể thao, các hoạt động ngoài trời khác. Các hoạt động này giúp hình thành thói quen tốt, các em hòa nhập môi trường. Phụ huynh hãy chọn ra vài hoạt động lành mạnh, hấp dẫn mà các em hứng thú để luyện thành thói quen hữu ích, thay thế nghiện game online. 

* Ông Trần Văn Phương - Chuyên viên tâm lý, Khoa Tâm lý Trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Long An: Việc điều trị cho trẻ bị nghiện game, nghiện thiết bị công nghệ số đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân, gia đình, nhân viên y tế, xã hội và nhà trường. Tại Bệnh viện, trẻ được điều trị hóa dược với các thuốc an thần kinh, tư vấn tâm lý và các tâm lý liệu pháp thích hợp. Tuy nhiên, gia đình phải quan tâm các vấn đề về sức khỏe tâm thần của trẻ, giám sát chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị công nghệ số, tránh lạm dụng làm ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ.

* Lê Thị Ngọc Hiếu, ngụ phường 3, TP.Tân An: Sau giờ tan việc ở cơ quan, tôi thường dành thời gian đọc sách cho con nghe, cùng con làm các vật dụng trang trí cho bàn học, nhà cửa. Nếu cho con chơi điện thoại thì giới hạn thời gian. Thông thường tôi cho con xem clip dạng vừa chơi, vừa học như dạy học tiếng Anh, cách làm đồ chơi bằng giấy,... và hạn chế chơi các trò chơi điện tử./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết