Tiếng Việt | English

21/08/2023 - 07:16

Đường ăn kiêng

Bài viết này trên quan điểm của người dược sĩ trả lời cho thắc mắc của người tiêu dùng: Đường ăn kiêng có phải là đường hóa học không? Đường dành cho người đái tháo đường là loại đường nào? Cơ thể chúng ta nên dùng bao nhiêu đường mỗi ngày?

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngày càng phát triển trong tiến trình phát triển nền công nghiệp dược hiện nay. Nó giúp con người nâng cao hiệu quả hơn trong việc cải thiện sức khỏe như có chế độ dinh dưỡng lành mạnh tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật, giúp mọi người sống vui, sống khỏe, sống hữu ích.

Trên thực tế, cùng với sự ra đời và sử dụng rộng rãi của  thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tỷ lệ thiếu hụt chất dinh dưỡng trên toàn cầu đã giảm đáng kể. Ví dụ, sau khi bột mì bổ sung thêm chất sắt được đưa vào sử dụng ở Jordan, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em đã giảm gần một nửa. Thêm Iod vào muối trắng tỷ lệ người bệnh bướu cổ giảm rõ rệt.

Đường ăn kiêng là một trong những thực phẩm bảo vệ sức khỏe hữu ích, là chất tạo ngọt ít calo được khuyến khích sử dụng để thay thế đường thông thường. Theo các chuyên gia y tế, đối tượng thích hợp sử dụng đường ăn kiêng gồm những người có nguy cơ mắc hoặc đang mắc bệnh đái tháo đường, người béo phì và người mong muốn có một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.

Đường ăn kiêng được xếp vào nhóm thực phẩm bổ sung và khi lưu hành trên thị trường phải có số công bố sản phẩm.

Trong tổng năng lượng từ bữa ăn, chất bột đường chiếm đến 55 - 65%, phần còn lại là chất đạm và chất béo. Trong đó, dạng đường đa phân tử nên chiếm 70% tổng lượng đường đưa vào cơ thể, dạng đường đôi và đơn thì chỉ nên nạp dưới 5% tổng năng lượng.

Để giảm bớt nỗi lo tăng đường huyết và đáp ứng cơn thèm ăn ngọt trên người bệnh đái tháo đường, các nhà sản xuất đã cho ra sản phẩm đường ăn kiêng dành cho người đái tháo đường trong đó chứa các chất tạo ngọt nhân tạo có vị ngọt nhưng không làm tăng đường huyết, giúp người bệnh kiểm soát tốt carbohydrate và glucose trong máu.

Đường ăn kiêng không phải là đường hóa học mà là đường có bản chất là các amino axit, có chất tạo ngọt nhân tạo trong phạm vi liều lượng cho phép.

Chất tạo ngọt nhân tạo là chất thay thế đường được chia thành hai loại: Chất tạo ngọt có giá trị dinh dưỡng và chất tạo ngọt không có giá trị dinh dưỡng hoặc “ít calo”. 

- Chất tạo ngọt có giá trị dinh dưỡng: Thông dụng nhất là “Polyhydric alcohol” (Polyols) còn gọi là đường rượu là một loại carbohydrate thay thế cho đường có vị ngọt nhẹ có nguồn gốc từ tự nhiên trong các thực phẩm như rau, trái cây, nấm, rượu, nước tương. Polyols chứa carbohydrate và calo nhưng lượng calo nhỏ và ít ảnh hưởng đến đường huyết người bệnh hơn so với đường Sucrose (đường thường).

- Chất tạo ngọt không có giá trị dinh dưỡng hoặc “ít calo”: Chúng cung cấp vị ngọt của đường và ngọt hơn gấp nhiều lần, chỉ cần một lượng nhỏ chất làm ngọt nhân tạo đã làm cho món ăn có vị ngọt nhiều. Đây là lý do vì sao thực phẩm được làm bằng chất làm ngọt nhân tạo có chứa ít calo hơn thực phẩm được làm bằng đường tự nhiên.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration) mới cấp phép 6 loại chất tạo ngọt được sử dụng trên 150 quốc gia bao gồm:

- Aspartame: Là dẫn xuất của axit amin, axit aspartic và phenylalanin. Aspartame ngọt hơn đường thường khoảng 180 - 200 lần. Nó chứa cùng một lượng calo với Sucrose là 4kcal/g. Mức sử dụng an toàn là 50 mg/kg/ngày.

- Saccharin: Ngọt gấp 300 - 500 lần so với đường thường, được chuyển hóa và bài tiết ở dưới dạng không đổi và được xem là đường nhân tạo không có calo. Mức sử dụng an toàn là 15 mg/kg/ngày.

- Sucralose: Ngọt gấp 600 lần so với đường thường. Mức sử dụng an toàn là 5 mg/kg/ngày.

- Stevia: Có độ ngọt gấp 250 - 300 lần so với đường tự nhiên. Mức sử dụng an toàn là 7,9 mg/kg/ngày. 

- Acesulfame-kali: Không được chuyển hóa hoặc lưu trữ trong cơ thể, mà được hấp thu nhanh chóng và bài tiết qua thận dưới dạng không thay đổi. Mức sử dụng an toàn là 15 mg/kg/ngày. 

- Neotame: Rất ngọt, sức ngọt gấp 7.000 - 8.000 lần so với đường Sucrose. Mức sử dụng an toàn là 0,3mg/kg/ ngày.

Một ngày nhu cầu cơ thể mỗi người cần không quá 100 calo tương đương 6 muỗng cà phê (24 gam đường) ở phụ nữ trưởng thành và không quá 150 calo tương đương 9 muỗng cà phê (36 gam đường) ở nam giới trưởng thành.

Việc nạp lượng đường ít hay nhiều hơn lượng cơ thể cần mỗi ngày đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thiếu đường thì bị hạ đường huyết với biểu hiện lâm sàng là cảm giác đói lả, giảm khả năng tập trung, lạnh tay chân, vã mồ hôi, run tay, run chân. Ngược lại, khi thừa đường, nhất là loại đường hấp thu nhanh, vượt quá khả năng chuyển hóa của cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng tăng đường huyết (tiền đái tháo đường và đái tháo đường), lượng đường dư thừa được tích lũy dưới dạng mỡ dự trữ trong cơ thể sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì.

Điều lưu ý quan trọng cho tất cả mọi người là trong chế độ ăn uống không nên dùng nhiều đường ngọt kể cả đường ăn kiêng.

Lượng đường thông thường khuyên dùng cho người bình thường trung bình là 20 mg/người/ngày (tương đương 4 muỗng cà phê đường) và không nên dùng nhiều hơn mức khuyến cáo.

Người tiêu dùng nên chọn thương hiệu đường kiêng có uy tín, có nhãn mác rõ ràng và xem kỹ thông tin sản phẩm để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Đường ăn kiêng giúp người sử dụng đáp ứng sự thèm ngọt và hạn chế sự tăng đường huyết nhưng cũng không nên dùng quá liều hay quá lâu sẽ gây hại cho sức khỏe. Với những người bị đái tháo đường hoặc béo phì, việc dùng loại đường nào, liều lượng bao nhiêu cần được tư vấn trực tiếp bởi bác sĩ điều trị trên từng thể trạng bệnh nhân./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết