Hoàn thành nhiệm vụ đề ra
Theo Giám đốc Sở KH&CN - Nguyễn Minh Hải, năm 2021, Sở hoàn thành các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao và kế hoạch hoạt động đã đề ra. Những tháng cuối năm, Sở đẩy mạnh các chương trình, nhiệm vụ, góp phần cùng tỉnh thực hiện "mục tiêu kép". Các hoạt động khuyến khích các DN đầu tư công nghệ, thiết bị mới, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được tập trung thực hiện nhằm phát triển kinh tế, sản xuất bền vững.
Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tỉnh Long An
Theo đó, “Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” được thực hiện khá tốt thông qua hỗ trợ DN. Trong năm, Sở tuyên truyền và vận động DN tham gia hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) theo kế hoạch tổ chức GTCLQG của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TC-ĐL-CL).
Hội đồng sơ tuyển GTCLQG cấp tỉnh đã xét sơ tuyển và đề xuất Hội đồng Quốc gia trình Thủ tướng chính phủ xem xét trao tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia đối với 4 DN: Công ty (Cty) Cổ phần Cơ khí Chế tạo máy Long An, Cty Cổ phần Cấp thoát nước Long An, Cty TNHH Nhôm Nam Sung, Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Tây; GTCLQG đối với Cty TNHH MTV Công nghệ mới Thịnh Phát.
Bên cạnh đó, Sở triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ DN thông qua nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Trong năm, có 20 mô hình được nhân rộng, gồm 12 mô hình ứng dụng đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng tuyến đường biên giới, 8 mô hình sử dụng vật liệu bêtông tính năng siêu cao cốt thép phân tán UHPC để xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng.
Mô hình ứng dụng đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng tuyến đường biên giới
Ngoài ra, trong năm, Sở còn hỗ trợ 21 lượt DN đăng ký tham gia và được Hội đồng họp xét đề xuất và nghiệm thu các nội dung thực hiện thuộc chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa với tổng kinh phí thực hiện theo kế hoạch (2 đợt) gần 2 tỉ đồng. Hầu hết các DN này đều triển khai áp dụng thành công các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần hợp lý hóa sản xuất, giảm lãng phí, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh của DN.
Công tác sở hữu trí tuệ thông qua hỗ trợ DN được quan tâm thông qua đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với 20 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng công nghiệp và các thủ tục pháp lý liên quan. Có 8 hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản của tỉnh, nổi bật là thanh long được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00085 với tên gọi “Châu Thành Long An” theo Quyết định số 3957/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ.
Sở triển khai 3 đề tài: Tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý Bến Lức Long An cho quả chanh không hạt tỉnh Long An; Tạo lập, quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý Bến Kè cho củ khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An; Tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận nếp Thủ Thừa cho sản phẩm nếp của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Hiện tại, hồ sơ đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định, cấp giấy chứng nhận.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, trong năm, Sở thực hiện quản lý các nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước sang, gồm 12 nhiệm vụ cấp tỉnh và 1 nhiệm vụ cấp cơ sở. Tổ chức xét duyệt, thẩm định các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh trong kế hoạch năm 2021, gồm 12 nhiệm vụ cấp tỉnh và 7 nhiệm vụ cấp cơ sở; đồng thời, tổ chức các hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN năm 2022 thống nhất thông qua 9 nhiệm vụ cấp tỉnh, 5 nhiệm vụ cấp cơ sở, 10 mô hình tham gia chính sách hỗ trợ nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, Sở còn tổ chức nghiệm thu 3 nhiệm vụ cấp tỉnh và 1 nhiệm vụ cấp cơ sở. Kết quả đều được Hội đồng xếp loại Đạt; theo dõi 2 dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Dự án Khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An và Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo tổ hợp thiết bị công nghệ thu hồi lục bình.
Thanh long mang chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Thanh long Châu Thành”
Trên lĩnh vực thị trường công nghệ, Sở ươm tạo và thành lập 2 DN KH&CN là Cty CP Dược liệu Mecola và Cty TNHH MTV Đóng xà lan Nguyên Hồng. Đến nay, tỉnh có 21 DN KH&CN. Sở tổ chức thẩm định công nghệ cho 21 dự án đầu tư, kết quả, có 3 dự án có trình độ công nghệ tiên tiến, 13 dự án có công nghệ trung bình tiên tiến, 5 dự án có trình độ công nghệ trung bình; cho ý kiến về công nghệ đối với 113 dự án, làm cơ sở cho các cơ quan tiếp nhận đầu tư xem xét cấp chủ trương đầu tư.
Hệ thống tự động phun khử khuẩn các phương tiện vận tải ra vào bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 21
Ông Nguyễn Minh Hải cho biết, năm 2022, ngành KH&CN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung đổi mới công tác quản lý KH&CN tại địa phương theo hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, gắn với địa chỉ ứng dụng. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ các chương trình, đề án trọng điểm, đột phá của tỉnh; các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN mang tính cấp thiết, phục vụ sản xuất, đời sống thích ứng biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh và xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó, Chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng tiếp tục được thực hiện. Nội dung trọng tâm là lấy DN làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao năng lực KH&CN, năng lực hấp thu công nghệ của DN, tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành./.
Gia Hân