Sự cần thiết của đề án
Đề án do Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thực hiện, đến nay đã qua 3 lần tổ chức lấy ý kiến, 2 lần hội thảo, 2 lần nghiệm thu khối lượng.
Long An được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo AN-QP của vùng và cả nước. Bởi Long An có vị trí địa lý khá đặc biệt, vừa là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN), là vùng giãn nở công nghiệp và đô thị của TP.HCM, đặc biệt là cửa ngõ kết nối giữa biển Đông và Campuchia. Long An được đánh giá có điều kiện phát triển hài hòa công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và có tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại biên giới. Cùng với sự năng động trong lãnh đạo của các cấp chính quyền, những năm qua, Long An là một trong số ít tỉnh có sự phát triển kinh tế cao của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tình hình an ninh chính trị khá ổn định.
Hội nghị thẩm định đề án
Long An cũng phải đối mặt với những cản trở đến sự phát triển kinh tế biên giới của tỉnh như kết cấu hạ tầng biên giới và cửa khẩu yếu kém, chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa không ổn định; doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu còn khiêm tốn, quy mô nhỏ; thu hút đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế biên giới còn hạn chế;...
Để kinh tế khu vực biên giới của tỉnh phát triển nhanh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo AN-QP vùng biên giới; xây dựng mối quan hệ láng giềng dân cư hai bên biên giới ngày càng phát triển tốt đẹp, phát triển tuyến biên giới quốc gia vững chắc, ổn định, tỉnh cần xây dựng định hướng, mục tiêu phát triển, giải pháp, mô hình thực hiện của khu vực biên giới cụ thể bằng “Đề án Phát triển kinh tế biên giới gắn với đảm bảo AN-QP trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đảm bảo tính thống nhất, đồng thuận trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu đề ra.
Mục tiêu chung của đề án nhằm đánh giá thực trạng phát triển KT-XH của vùng biên giới gắn với đảm bảo AN-QP. Trong đó, làm rõ bức tranh phát triển theo ngành, lĩnh vực để thấy được tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, tiềm năng, lợi thế của khu vực kinh tế này, từ đó đưa ra những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kinh phí, cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy từng thành phần, lĩnh vực của khu vực kinh tế biên giới phát triển phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một giải pháp của đề án
Thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới
Phạm vi lập đề án là 20 xã biên giới của tỉnh thuộc 5 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Qua thu thập các dữ liệu, đề án nêu quan điểm phát triển kinh tế biên giới theo hướng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với định hướng phát triển chung của tỉnh, vùng Đồng Tháp Mười, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, VKTTĐPN, vùng đối trọng của TP.HCM. Phát triển kinh tế biên giới nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về phát triển kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và thương mại, nâng cao khả năng giải quyết việc làm cho lao động, phát triển bền vững KT-XH, môi trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biên giới một cách bền vững, giảm bớt khoảng cách phát triển giữa các vùng; giữ vững AN-QP; tăng cường năng lực của từng địa phương; bảo đảm AN-QP khu vực biên giới; xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.
Đề án cũng đưa ra những luận chứng về định hướng phát triển thương mại biên giới gồm: Vùng phát triển đô thị - công nghiệp - thương mại - dịch vụ; vùng phát triển nông - lâm - thủy sản. Qua đó, đề án đưa ra 9 chương trình và dự án đầu tư phát triển kinh tế biên giới gắn với bảo đảm AN-QP gồm: Chương trình phát triển hạ tầng giao thông biên giới; phát triển hạ tầng cửa khẩu; phát triển dân cư dọc theo tuyến biên giới; nâng cao đời sống người dân biên giới; phát triển đô thị; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trồng rừng phòng hộ tuyến biên giới; phát triển công nghiệp; phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch.
Rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng được khuyến khích sản xuất, mua bán qua biên giới
Tại hội nghị thẩm định, đa số đại biểu và thành viên hội đồng đều cho rằng, xây dựng đề án là điều cần thiết nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế khu vực biên giới. Theo đánh giá của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nguyên, đề án được xây dựng, đầu tư công phu qua việc thu thập, đưa ra nhiều dữ liệu về hiện trạng, tình hình thực tế tại các địa phương rất rõ nét. Các giải pháp đề án đưa ra cũng có tầm nhìn chung về khu vực biên giới. Ngoài ra, những người thực hiện đề án rất nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp từ hội đồng, từ địa phương, sở, ngành thông qua việc chỉnh sửa, bổ sung. Việc củng cố, phát triển kinh tế biên giới rất cần thiết, bởi “dân giàu, nước mạnh”, đời sống kinh tế người dân tốt thì sẽ phát huy nhiều hơn vai trò, trách nhiệm và nâng cao tinh thần bảo vệ AN-QP.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội nghị thẩm định cũng góp ý 9 giải pháp mà những người thực đề án cần rút gọn lại thành 4 chương trình lớn: Chương trình về kết cấu hạ tầng thương mại biên giới, Chương trình nông nghiệp biên giới, Chương trình thương mại - dịch vụ, Chương trình dân cư và phát triển đô thị biên giới. Các chương trình trên cần được cân nhắc, sắp xếp thứ tự ưu tiên nhằm phục vụ đầu tư hiệu quả và theo từng giai đoạn. Đề án cũng cần cân nhắc mở rộng hơn nữa vùng phát triển kinh tế rộng hơn khu vực 20 xã biên giới, gồm các xã vùng xa trung tâm của huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa; phát triển kinh tế biên giới sẽ thúc đẩy AN-QP và nên định hướng thời gian dài hơn như đến năm 2040 thay vì năm 2030 như hiện nay; mạnh dạn chuyển đổi cây lúa sang cây trồng khác như rau, củ, quả để giao thương với các khu vực biên giới phía Campuchia;...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm khẳng định đề án là cần thiết trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay, nhất là khu vực biên giới. Ông cũng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu mở rộng khu vực ngoài 20 xã biên giới, khu kinh tế cửa khẩu; điều chỉnh, mở rộng phạm vi đối tượng trong đề án nhằm bảo đảm tốt chiến lược phát triển kinh tế gắn với AN-QP biên giới. Đối với các sở, ngành, thành viên hội đồng thẩm định tiếp tục hỗ trợ đơn vị tư vấn cung cấp thêm số liệu, dữ liệu tình hình thực tế để đề án được tốt hơn về nội dung, bám sát thực tiễn, định hướng phát triển của tỉnh. Từ đó, có những dự án cụ thể mang tính đặc thù địa phương, giúp kinh tế biên giới phát triển, đời sống người dân biên giới được nâng lên, đáp ứng tốt nhiệm vụ AN-QP./.
Mai Hương