Cuối năm học, các cháu nhỏ mang giấy khen về khoe với ông bà, cha mẹ, gia đình thầy Huỳnh Thanh Phong và cô Nguyễn Thị Mãnh (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) lại rộn rã niềm vui
1. Gần 40 năm bên nhau, vợ chồng thầy Huỳnh Thanh Phong và cô Nguyễn Thị Mãnh (xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cùng nhau trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, chia sẻ mọi buồn vui trong công việc lẫn đời sống hàng ngày.
Cùng công tác tại Trường Tiểu học An Thạnh, thầy Phong và cô Mãnh thấu hiểu những khó khăn, áp lực trong công việc của nhau nên chủ động sẻ chia, hỗ trợ. Nói về sự đồng hành của chồng trong cuộc sống, cô Mãnh chia sẻ: “Ở nhà tôi từ xưa đến giờ không có việc nào là của riêng ai cả. Tôi và ông xã chia sẻ với nhau từ việc nấu ăn, chăm sóc gia đình đến dạy bảo, đưa đón các con đi học. Không chỉ vậy, nhờ công tác cùng đơn vị, chúng tôi còn hỗ trợ nhau trong nhiệm vụ chuyên môn. Sự góp ý, hỗ trợ đó giúp tôi có thể làm tốt công việc của mình”.
Năm 2017, cô Nguyễn Thị Mãnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - niềm vinh dự lớn lao đối với người làm nghề dạy học. Cô Mãnh khẳng định, sự động viên, đồng hành của thầy Phong chính là động lực to lớn để cô phấn đấu, đạt được thành tích này.
Theo thầy Phong, gia đình thầy là thành viên của Dòng họ Huỳnh học tập tại ấp 1A, xã An Thạnh, huyện Bến Lức nên việc động viên, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình học tập, rèn luyện, hoàn thiện bản thân, đạt thành tích cao trong học tập và làm việc luôn được đặc biệt chú trọng. Điều đó không chỉ giúp mỗi cá nhân trong gia đình phát triển mà còn trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Năm học 2022-2023, thầy Phong cũng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những thành tích nổi bật trong công tác giáo dục.
Hiện tại, thầy Phong, cô Mãnh sống cùng vợ chồng người con trai lớn và 2 cháu nội. Để các con yên tâm công tác, thầy cô hỗ trợ các con chăm nom cháu. Vốn là giáo viên tiểu học, cô Mãnh cùng các cháu học bài mỗi ngày. Cuối năm học, nhận được kết quả học tập tốt, có nhiều phần thưởng, các cháu nhỏ vui vẻ khoe với cha mẹ, ông bà. Niềm vui của gia đình được nhân lên từ đó.
Được sự động viên của ông xã, bà Bùi Thị Loan (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) tham gia công tác ấp và đạt nhiều thành tích, đóng góp tích cực cho địa phương
2. Khi nhận được sự động viên, ủng hộ từ phía gia đình, các thành viên có thêm động lực “bước ra xã hội” cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương. Khi nghỉ hưu, bà Bùi Thị Loan (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) không nghĩ sẽ tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Vậy nhưng, khi nhận được phân công của tổ chức và sự tín nhiệm của chi bộ, bà tham gia công tác ấp với vai trò Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội.
Trong suốt quá trình tham gia công tác, bà tích cực thực hiện nhiệm vụ, phát động và triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Không chỉ tham gia vận động kinh phí, bà Loan còn đóng góp hơn 10 triệu đồng hỗ trợ bếp ăn tình thương trên địa bàn xã, trao tặng 2 thẻ bảo hiểm y tế (thời hạn 2 năm mỗi thẻ) cho 2 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp. Năm 2023, bà Loan là điển hình tiêu biểu được khen thưởng cấp huyện vì có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2023.
Bà Loan kể, từ khi còn trẻ, bà vốn chỉ quen với công việc chuyên môn, chưa bao giờ nghĩ có thể tham gia công tác tại địa phương với vai trò như hiện tại. Tuy nhiên, khi được tín nhiệm của chi bộ cũng như sự động viên của ông xã, bà nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Ông xã tôi luôn tạo điều kiện cho tôi tham gia công tác nên tôi rất yên tâm. Chúng tôi nghỉ hưu rồi nên có nhiều thời gian, việc tham gia hoạt động địa phương giúp tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống. Mỗi sáng, vợ chồng tôi hay ngồi uống trà cùng nhau và tôi thường kể cho ông xã nghe về công việc của mình, ông ấy là người hiểu rộng nên luôn có những lời khuyên hữu ích” - bà Loan chia sẻ. Mỗi ngày, ông bà cùng nhau uống trà sáng, chăm khu vườn nhỏ, rồi bà dành thời gian cho công việc. Đến cuối ngày, ông bà lại ngồi cùng nhau bên mâm cơm nóng hổi.
Khi có sự thấu hiểu, đồng thuận từ gia đình, mỗi cá nhân có nhiều động lực hơn trong hành trình phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội. Dù là ai, ở độ tuổi nào đều cần có một mái ấm phía sau làm điểm tựa để “vươn mình”./.
Quế Lâm