Tiếng Việt | English

06/09/2024 - 09:41

Giải 'bài toán' thiếu giáo viên

Thiếu giáo viên (GV) là nỗi trăn trở của tỉnh Long An trong nhiều năm nay. Thời gian qua, tỉnh có nhiều giải pháp quyết liệt và căn cơ hơn để giải “bài toán” này. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Nguyễn Quang Thái để hiểu rõ hơn về nội dung trên.

Hiện nay, việc thiếu giáo viên của tỉnh diễn ra nhiều nhất ở cấp THCS

PV: Thưa ông, tình trạng thiếu GV của tỉnh hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Thái: Năm học 2024-2025, toàn ngành GD&ĐT tỉnh có hơn 17.700 GV và hiện thiếu khoảng 1.200 GV, nhất là cấp THCS.

Trước tình trạng trên, thời gian qua, Sở GD&ĐT cũng như UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tích cực, triển khai đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng bổ sung GV cho các cơ sở GD trên địa bàn của tỉnh.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng GV hiện nay gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguồn tuyển vì sinh viên (SV) tốt nghiệp ngành Sư phạm ít hơn trước; có tình trạng GV bỏ việc, chuyển việc sang những địa phương khác có điều kiện làm việc tốt hơn của tỉnh; đồng thời, việc tăng dân số cơ học ở một số địa phương, đặc biệt là các địa phương có công nghiệp phát triển, dẫn đến tỷ lệ học sinh tăng cao hàng năm, tình trạng thiếu GV của tỉnh tăng theo.

PV: Xin ông cho biết, đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu GV của tỉnh diễn ra trong nhiều năm nay?

Ông Nguyễn Quang Thái: Nguyên nhân đầu tiên và sâu xa nhất về thiếu GV là Luật GD có sự thay đổi. Nếu như trước đây, GV mầm non chỉ yêu cầu trình độ trung cấp trở lên và GV tiểu học, THCS chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng trở lên thì Luật GD 2019 sửa đổi yêu cầu GV mầm non phải đạt trình độ cao đẳng và GV tiểu học, THCS phải đạt trình độ đại học. Do đó, số lượng SV tốt nghiệp cao đẳng không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giảng dạy của cấp tiểu học và THCS. Ngoài ra, những GV hiện có của các trường chưa đạt chuẩn cũng e ngại trong việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn, làm cho việc thiếu GV tăng.

Thêm vào đó, trước đây, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách thu hút SV tốt nghiệp đến giảng dạy tại các cơ sở GD trên địa bàn của tỉnh; đồng thời, nguồn tuyển dụng ngày càng khó khăn do số lượng SV ngành Sư phạm tốt nghiệp hàng năm ít, trong khi tỉnh có nhu cầu lớn.

PV: Với những nguyên nhân trên và tình trạng thiếu GV hiện nay, ngành GD&ĐT tỉnh có những giải pháp nào tháo gỡ, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thái: Để khắc phục tình trạng thiếu GV, năm học 2023-2024 và trong năm học này, Sở GD&ĐT, UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV đến những cơ sở biên chế được giao.

Trong đó, chúng tôi xác định không tuyển dụng một lần mà tuyển dụng nhiều lần đến khi nào đủ số lượng GV để phục vụ nhu cầu giảng dạy của địa phương, đơn vị. Ngoài ra, việc tuyển GV cũng có sự đổi mới.

Nếu như trước đây chỉ có thông báo nhu cầu tuyển dụng GV trên các trang thông tin điện tử của Sở, các huyện, thị xã, thành phố thì nay, chúng tôi còn đến các cơ sở đào tạo nhờ hỗ trợ thông báo nhu cầu tuyển dụng của tỉnh, gặp gỡ SV để SV biết và đăng ký tham gia tuyển dụng, về Long An thực hiện công tác giảng dạy.

Sau khi tuyển dụng nhưng vẫn chưa đủ nhu cầu, Sở yêu cầu các cơ sở GD rà soát đội ngũ GV nghỉ hưu trên địa bàn, còn đủ sức khỏe, có tâm huyết, muốn cống hiến cho ngành GD&ĐT; GV tự do;... từ đó cho các trường thực hiện hợp đồng thỉnh giảng GV để bổ sung GV thiếu của đơn vị.

Ngoài ra, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện đào tạo nâng chuẩn GV. Hiện nay, tỉnh có nhiều GV từ trình độ trung cấp lên cao đẳng, lên đại học và GV từ trình độ cao đẳng lên đại học. Năm học 2024-2025 là năm cuối ngành thực hiện nâng chuẩn GV và khi thực hiện xong, GV của tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu về trình độ đào tạo theo quy định của Luật GD. Thêm vào đó, tỉnh tiến hành đặt hàng đào tạo để chuẩn bị nguồn GV lâu dài.

PV: Được biết, tỉnh có những chính sách để thu hút GV, xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những chính sách này?

Ông Nguyễn Quang Thái: Để khắc phục tình trạng thiếu GV cũng như xác định rõ một trong những nguyên nhân của việc thiếu GV của tỉnh là do chưa có cơ chế thu hút SV ngành Sư phạm sau khi tốt nghiệp về giảng dạy tại các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở nhu cầu của tỉnh, Sở tham mưu UBND tỉnh, xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trình HĐND tỉnh cơ chế đặc thù thu hút GV về giảng dạy trên địa bàn tỉnh.

Qua thời gian chuẩn bị, năm 2023, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh nghị quyết cơ chế thu hút GV về giảng dạy trên địa bàn tỉnh và được HĐND tỉnh thông qua là Nghị quyết số 30, năm 2023.

Nội dung của nghị quyết là đối với SV sau khi tốt nghiệp nếu về nhận nhiệm vụ giảng dạy ở các cơ sở GD công lập trên địa bàn tỉnh thì sẽ được hưởng mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/người. Từ khi nghị quyết có hiệu lực đến nay, tỉnh thu hút 130 GV với kinh phí 65 tỉ đồng.

Thời gian tới, ngành GD&ĐT cũng như các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện tốt chính sách thu hút này đến cơ sở đào tạo có đào tạo ngành Sư phạm để không chỉ SV có hộ khẩu ở tỉnh mà các SV ở các tỉnh khác về công tác, hưởng chế độ như nhau để giải quyết “bài toán” thiếu GV trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết